Thông qua Luật Thủ đô, không thu phí giao thông cao hơn

Thông qua Luật Thủ đô, không thu phí giao thông cao hơn
TP - Chiều 21-11, với 75,7% số ĐBQH tán thành, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-7-2013.

> 106 đại biểu Quốc hội phản đối quy định siết nhập cư vào Hà Nội
> Siết nhập cư vào Thủ đô liệu có nảy sinh tiêu cực?

Luật quy định, Khuê Văn Các (tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám) là biểu tượng thủ đô. Có 307/363 đại biểu tán thành quy định này. Danh hiệu công dân danh dự thủ đô được trao tặng cho người nước ngoài có đóng góp trong việc xây dựng, phát triển thủ đô hoặc trong việc mở rộng, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, quan hệ hợp tác quốc tế của thủ đô.

Luật quy định, việc xây dựng, phát triển thủ đô phải theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô, bảo đảm xây dựng thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thủ đô với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng thủ đô và cả nước.

Trong nội thành, không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trụ sở chính ở nội thành thì không được đặt địa điểm đào tạo trong nội thành.

Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp, lộ trình di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội thành; di dời một số bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội thành hoặc xây dựng cơ sở khác của các bệnh viện, cơ sở này ở bên ngoài nội thành.

Về mức phạt hành chính, cho phép HĐND thành phố Hà Nội quy định về mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Luật Thủ đô không quy định về thu một số loại phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Về đăng ký thường trú ở nội thành, Luật được chỉnh lý theo phương án 1. Theo đó, cơ bản giữ điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật cư trú đối với các trường hợp: Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành...

Luật bổ sung điều kiện thời gian cư trú, chỗ ở đối với đối tượng không thuộc các trường hợp nêu trên: Đã tạm trú tại nội thành 3 năm trở lên; có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê.

Thảo luận Dự án luật phòng chống khủng bố chiều 21-11, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ban hành luật này là cần thiết. Một số đại biểu đề nghị lập Ban chỉ đạo về phòng chống khủng bố.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG