Thông qua Dự thảo Luật Dược và Luật Đường sắt

Thông qua Dự thảo Luật Dược và Luật Đường sắt
Chiều 19/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Nguyễn Phúc Thanh biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Dược và Luật Đường sắt.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu đọc Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dược, tập trung vào một số nội dung: phạm vi điều chỉnh của Luật; chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực dược; quản lý giá thuốc; cơ quan quản lý Nhà nước về dược; cơ sở kiểm nghiệm của Nhà nước về thuốc; đơn thuốc.

Về chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực dược, ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Điều 3 cần quy định rõ hơn các ưu đãi về tài chính, đất đai... đồng thời bổ sung các chính sách về phát triển mạng lưới lưu thông, phân phối, cung ứng thuốc.

Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thay tên Điều 3 thành "Chính sách của nhà nước về lĩnh vực dược", chỉnh lý các khoản 1,2,3,4 và bổ sung một khoản quy định về phát triển mạng lưới phân phối, lưu thông thuốc.

Nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật phải quy định rõ cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về giá thuốc. Tiếp thu ý kiến này, khoản 2 Điều 5 của dự thảo Luật đã bổ sung điểm đ như sau: "Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan hữu quan khác thực hiện quản lý Nhà nước về giá thuốc theo sự phân công của Chính phủ".

Về tổ chức thanh tra dược, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung 1 điều : "Thanh tra dược thuộc thanh tra Bộ Y tế có chức năng thanh tra chuyên ngành về dược. Tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra dược được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra".

Dự Luật đã bổ sung một số quy định về trách nhiệm của người kê đơn thuốc: Nghiêm cấm lợi dụng kê đơn thuốc để trục lợi (khoản 11, Điều 9); Tên thuốc ghi trong đơn phải ghi tên gốc hoặc tên chung quốc tế, trừ trường hợp thuốc có nhiều hoạt chất (khoản 1 Điều 46); Người kê đơn thuốc phải chịu trách nhiệm về đơn thuốc đã kê (khoản 4 Điều 47). Đồng thời, để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng thuốc, tạo điều kiện cho họ lựa chọn đúng thuốc và phù hợp điều kiện kinh tế của mình, Dự Luật đã bổ sung quy định đối với nhãn thuốc tại khoản 1 Điều 37: "... Trong trường hợp biệt dược là đơn chất thì phải ghi tên gốc dưới tên biệt dược".

Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn văn Luật Dược gồm 11 chương, 73 điều với đa số phiếu tán thành.

Có qui định về đường sắt đô thị

Góp ý kiến về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, có ý kiến cho rằng các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông vận tải đường sắt chưa thật rõ, tính khả thi chưa cao.

Nên quy định lực lượng công an vẫn tiếp tục trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn trên tàu. Ý kiến khác đề nghị xác định cụ thể hơn trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo đảm trật tự an toàn giao thông vận tải đường sắt; trách nhiệm của chính quyền địa phương, Bộ Giao thông vận tải, các doanh nghiệp trong việc bảo đảm an toàn chạy tàu tại các điểm giao nhau đồng mức.

Bổ sung quy định về trách nhiệm của hành khách đi tàu. Nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, do tầm quan trọng của vấn đề đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt nên dự thảo Luật đã dành Mục 2 của Chương VI (gồm 10 điều) quy định về nguyên tắc điều hành giao thông vận tải đường sắt, lập biểu đồ chạy tàu, điều độ chạy tàu; phát hiện, xử lý sự cố trên đường sắt....

Vấn đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt còn được thể hiện trong các quy định tại Chương II và Chương V của dự thảo Luật. Về lực lượng bảo vệ đường sắt thì chỉ có lực lượng bảo vệ trên tàu mang tính đặc thù nên đã quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm tại khoản 2 Điều 80.

Về đường sắt đô thị có ý kiến cho rằng không nên quy định các vấn đề liên quan đến đường sắt đô thị thành một chương riêng. Ý kiến khác cho rằng, việc quy định đường sắt đô thị thành một chương riêng là hợp lý, có tính dự báo nhằm tạo lộ trình để thực hiện. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy Luật được xây dựng không chỉ để giải quyết các vấn đề trước mắt, hiện tại mà còn tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề sẽ phát sinh hoặc cần phát triển trong tương lai nên cần giữ Chương "Đường sắt đô thị" như dự thảo Luật.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn văn Luật Đường sắt gồm 8 chương, 114 điều với đa số phiếu tán thành.

MỚI - NÓNG