Thống đốc quyết định ngân hàng được bảo lãnh 'nhà ở trên giấy'

Thống đốc sẽ quyết định những ngân hàng đủ năng lực bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. Ảnh: PV.
Thống đốc sẽ quyết định những ngân hàng đủ năng lực bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. Ảnh: PV.
Cơ quan Thanh tra giám sát giúp Thống đốc rà danh sách các ngân hàng được bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, theo Thông tư 13 sửa đổi.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 07 quy định về bảo lãnh ngân hàng liên quan trong hoạt động bảo lãnh nói chung và hoạt động bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai nói riêng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, liên quan tới bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, Thống đốc sẽ ban hành quyết định công bố danh sách ngân hàng đủ năng lực. Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng sẽ là đơn vị đầu mối tự rà soát các nhà băng theo các tiêu chí để trình Thống đốc công bố danh sách và khi có sự thay đổi sẽ cập nhật và điều chỉnh lại danh sách.

Ngân hàng thương mại đủ năng lực phải đáp ứng 2 tiêu chí. Thứ nhất, trong giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại các văn bản sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng. Thứ hai là ngân hàng đó không bị cấm thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt.

Số dư bảo lãnh được xác định theo tiến độ nộp tiền cho chủ đầu tư và giảm dần khi nghĩa vụ bảo lãnh đối với bên mua chấm dứt theo quy định tại điều 23 Thông tư 07.

Thông tư sửa đổi cũng quy định có độ trễ trong việc cập nhật số tiền đã nhận của chủ đầu tư nhằm tạo thuận lợi trong tác nghiệp của các ngân hàng thương mại và chủ đầu tư nhưng tối thiểu phải thông báo một lần vào ngày cuối cùng hằng tháng để làm cơ sở xác định số dư bảo lãnh. Chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông báo chính xác số tiền đã nhận ứng trước của các bên mua theo đúng thời gian thoả thuận cho ngân hàng thương mại.

Chủ thể tham gia giao dịch bảo lãnh (bao gồm cả khách hàng được bảo lãnh và các bên có liên quan) là cá nhân, pháp nhân (cả trong nước và nước ngoài). Các tổ chức không có tư cách pháp nhân khi tham gia quan hệ bảo lãnh thì chủ thể tham gia xác lập, thực hiện các giao dịch bảo lãnh thực hiện theo quy định tại Điều 101 Bộ Luật dân sự.

Ngoài ra, Thông tư 13 cũng bổ sung nội dung quy định không cho phép bảo lãnh thanh toán trái phiếu đối với doanh nghiệp phát hành với mục đích cơ cấu lại nợ và trái phiếu phát hành bởi công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng khác.

Nội dung bổ sung này nhằm đảm bảo đồng bộ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc kiểm soát hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng đối với công ty con, công ty liên kết và hạn chế việc tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG