Thống đốc: 'Giúp người nghèo đừng chỉ bằng tiền bạc'

Thống đốc xuống thăm và tặng 108 xuất quà Tết cho hộ nghèo tại Ấp Tân Thới ( Huyện Phong Điền, Cần thơ). Ảnh: Quang Cảnh.
Thống đốc xuống thăm và tặng 108 xuất quà Tết cho hộ nghèo tại Ấp Tân Thới ( Huyện Phong Điền, Cần thơ). Ảnh: Quang Cảnh.
TP - “Có lần tôi đi một tỉnh nào đó. Tỉnh thì nghèo lắm, rất nghèo; Thu ngân sách không đáp ứng nổi 1/10 chi ngân sách; nhưng về đi giới thiệu quảng trường hoành tráng lắm, quá đẹp; quảng trường này tính ra không dưới 500 tỷ còn ở  Hà Nội mà xây phải 1.000 tỷ. Lúc đó, tôi cứ nghĩ giá “ông” (tức địa phương) đưa cho tôi để ngân hàng chính sách cho vay thì chỉ vài năm nữa, địa phương “ông” thoát nghèo”- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình kể.

Vì sao nghèo mãi?

Mẩu chuyện trên được Thống đốc Bình đưa ra tại  Hội nghị “Tổng kết ba năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực đồng bằng sông Cửu Long” như một ví dụ lý giải vì sao cái nghèo cứ mãi đeo đẳng nhiều nơi trên đất nước? 

Vừa rồi tôi làm việc TPHCM cũng có quỹ hỗ trợ người nghèo rất lớn nhưng hoạt động không hiệu quả; TPHCM đang tính chuyển sang ủy thác cho NHCSXH làm để tăng hiệu quả. Đó cũng là cách tạo nguồn. 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình

Phát biểu, với tư cách Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định tính đến nay đứng về mạng lưới, không có ngân hàng nào lại có mạng lưới đến tận xã như NHCSXH. Cụ thể hơn, ông đơn cử: Tôi đi vùng sâu, vùng xa đặc biệt là Tây Bắc, những nơi xa xôi hẻo lánh rất khó trong tuyên truyền chủ trương đường lối; nhưng cứ đến ngày phát vốn hoặc trả nợ vay, bà con kéo đến đông như ngày hội. Nhân đó,  chính quyền tranh thủ phổ biến chính sách luôn, rất tiện!”.

Nhìn nhận về mô hình và cách thức hoạt động của NHCSXH, Thống đốc cho rằng  đã đi nhiều nơi không đâu có mô hình phục vụ cho người nghèo tốt như ở Việt Nam. Cách đây 15 năm chúng ta đã đi học hỏi Philippines, Manila, xem mô hình bạn và tự hỏi chúng ta có học được như bạn không? Tuy nhiên, nhìn 10 năm trở lại đây, chúng ta đã thực hiện và rất tốt. Mô hình của NHCSXH không cho không, có vay có trả có hoạt động sản xuất kinh doanh; nhưng chúng ta không hoàn toàn thị trường mà có hỗ trợ về cơ chế chính sách, xác định bộ máy để đảm bảo thực hiện được đúng quyền lợi của người nghèo.

Hai năm qua, là một trong những lãnh đạo đứng đầu ngành “quần quật” đi cơ sở, vẻ như Thống đốc hiểu hơn sự cơ cực và “thấm” cái nghèo của từng địa phương. Xây trường học, xây trạm xá, làm đường, tặng quà cho người nghèo, hộ khó khăn, chính sách ở những nơi còn khó... đó là những món quà thiết thực toàn ngành ngân hàng đã tặng. Nhưng không thể chỉ tặng con cá mà thiếu cần câu? Cũng tại hội nghị này, ông bày tỏ suy nghĩ rằng muốn giúp người nghèo không phải là cho họ tiền bạc mà cần cho họ cơ chế để sản xuất kinh doanh xóa nghèo bền vững. “Nếu để bà con tự xoay xở rất khó khăn; tiến tới phải khuyến khích mô hình các tổ hợp tác khuyến khích người nghèo dựa vào nhau làm ăn”- Ông Bình nhìn nhận.

Thống đốc: 'Giúp người nghèo đừng chỉ bằng tiền bạc' ảnh 1

Tổ đan bội (giỏ) của ấp Tân Thới -Cần Thơ. Ảnh: KH.

ĐBSCL- Điểm sáng xóa nghèo

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có nhiều thế mạnh, nhưng là khu vực có tính đặc thù bởi địa hình kênh rạch và thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ lụt, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của vùng vừa là thuận lợi vừa là thách thức… Trước thực trạng trên và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH đã xây dựng Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng ĐBSCL và tổ chức triển khai thực hiện từ năm 2012.

Tại buổi tổng kết 3 năm (Hội nghị do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Ngân hàng Nhà nước, và NHCSXH phối hợp tổ chức), báo cáo đề dẫn đã cho thấy: Trong những năm qua, tại vùng ĐBSCL, có trên 5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần giúp cho trên 700 nghìn hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho hơn 500 nghìn lao động... Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Vĩnh Tân, Phó trưởng ban kinh tế  T.Ư bày tỏ rất ấn tượng với số hộ nghèo của khu vực này từ hai con số mà đến giờ giảm xuống còn 4-5%, “Đó là một cố gắng cực kỳ. Việc ủy thác qua đoàn thể xã hội là phương thức làm rất văn minh. Nếu tiếp cận nguồn vốn này đủ thì rất hay. Đây là cách làm thuận tiện cho người nghèo”-  Ông Tân nhấn mạnh.

Bên cạnh điều hành hoạt động tín dụng thương mại của hệ thống, 3 năm qua Chính phủ và Ngành ngân hàng đặc biệt là Thống đốc với vai trò là Chủ tịch HĐQT NHCSXH đã điều hành, chỉ đạo sâu sát xây dựng và triển khai các chương trình, dự án tín dụng cho người nghèo để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân; Cũng từ đó NH CSXH đã trở thành một điểm sáng trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội được Quốc hội, Chính phủ ghi nhận. Tại hội nghị ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc NHCSXH kiến nghị: Các nguồn vốn  2 năm qua không thiếu. “Tuy nhiên, với chủ trương của Đảng và Chính phủ  là tiếp tục tập trung nguồn lực tăng thêm cho  vùng Tây Nam bộ, Tây Bắc, Tây Nguyên sắp tới đây nguồn vốn là khó khăn nhất với NHCSXH”-Ông Thắng khẳng định.

Chiều 20/1, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đến thăm, động viên cán bộ và nhân dân xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ và tặng quà Tết cho 108 hộ nghèo trong xã. Tại đây, Thống đốc NHNN đã đến thăm và tặng quà gia đình ông Nguyễn Tấn Lực, thôn ấp Tân Long A, xã Tân Thới là điển hình sử dụng vốn vay NHCSXH hiệu quả. Không chỉ giúp gia đình mà bản thân ông còn lập nên Tổ hợp tác, thu hút các hộ dân tham gia. Tổ hợp tác đã tạo việc làm cho 35 thành viên với thu nhập 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng.

NC

MỚI - NÓNG