Thông điệp đanh thép của Tổng thống Mỹ Biden khi thăm Israel

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến thăm đầy rủi ro đến Israel, nhằm thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quốc gia đồng minh trong cuộc xung đột với lực lượng Hamas, đồng thời thúc giục các biện pháp giảm bớt khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza.
Thông điệp đanh thép của Tổng thống Mỹ Biden khi thăm Israel ảnh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, tháng 9/2023. (Ảnh: AP)

Hai mục tiêu này được Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo trong tối 16/10, khi nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ thực hiện chuyến công du đến hàng loạt quốc gia trong khu vực để ngăn cuộc khủng hoảng lan rộng.

Các trợ lý cho biết, Tổng thống Biden rất quan tâm đến việc thực hiện chuyến đi, sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gửi lời mời.

Ông Biden cũng sẽ thăm Jordan, nơi ông gặp Quốc vương Abdullah II, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, và Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas.

Những rủi ro an ninh khi thực hiện chuyến công du thời chiến thể hiện rõ nét qua việc ông Blinken buộc phải xuống hầm trú ẩn khi còi báo động réo lên, trong lúc đang có cuộc họp Thủ tướng Israel ngày 16/10.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết họ sẽ cân nhắc thận trọng những rủi ro khi chuyến thăm của Tổng thống Biden diễn ra.

Ông Biden sẽ “khẳng định rõ ràng rằng chúng tôi muốn tiếp tục phối hợp với các đối tác trong vùng, bao gồm Israel, để hỗ trợ nhân đạo và mở đường thoát an toàn cho thường dân”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết tối 16/10.

Khả năng mở cửa khẩu Rafah giữa Dải Gaza và Ai Cập vẫn chưa rõ ràng trước khi chuyến thăm của ông Biden diễn ra. Đây là tuyến đường bộ khả thi nhất để có thể đưa hàng cứu trợ vào Dải Gaza.

Biểu tượng và thực tế

Khi cân nhắc lời mời của Thủ tướng Netanyahu, Tổng thống Mỹ và các trợ lý tính đến cả ý nghĩa biểu tượng và tác động thực tế của chuyến đi. Đây không chỉ là sự thể hiện ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel, mà còn gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ đến các bên khác trong khu vực, nhất là Iran và lực lượng Hezbollah ở Li-băng, rằng họ chớ nên tham gia vào cuộc xung đột hiện nay.

Chuyến đi cũng sẽ gắn ông Biden chặt hơn với cách hành động của Israel ở Dải Gaza, có thể được hiểu là sự chấp thuận cho những quyết định mà ông Netanyahu đưa ra.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Mỹ đối mặt với áp lực phải kêu gọi đồng minh kiềm chế. Ngày 16/10, một nhóm đông những người Do Thái tiến bộ tập trung trước Nhà Trắng để kêu gọi ông Biden thúc đẩy lệnh ngừng bắn.

Cuộc xung đột Israel – Hamas buộc chính quyền Mỹ phải có những đánh giá mới về ưu tiên chính sách đối ngoại, với thực tế là bạo lực tái bùng phát ở Trung Đông sẽ đeo bám Tổng thống Mỹ ít nhất trong ngắn hạn.

Trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục ngày 16/10, ông Biden thảo luận về những diễn biến mới nhất trên thực địa với các cố vấn an ninh quốc gia, trong đó có hai quan chức tình báo hàng đầu của chính quyền.

Dù ông Biden vẫn chưa kêu gọi ngừng bắn, và từ này hoàn toàn không được sử dụng trong các phát biểu của chính quyền Mỹ cho đến nay, nhưng ông nhấn mạnh nhiệm vụ bảo vệ sinh mạng dân thường, kể cả trong các cuộc điện đàm với ông Netanyahu.

Việc đích thân đến Israel là cơ hội để ông Biden truyền đạt những quan điểm đó mạnh mẽ hơn với ông Netanyahu, một nhà lãnh đạo mà ông tin rằng mình đã hiểu sâu sắc.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn được phát sóng ngày 15/10, ông chủ Nhà Trắng đưa ra tuyên bố công khai mạnh mẽ nhất, nói rằng việc Israel cố gắng tái chiếm Gaza sẽ là một “sai lầm”. Phát biểu với các phóng viên ngày 16/10, người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết chuyến thăm của ông Biden sẽ có “tầm quan trọng chiến lược” đối với toàn bộ Trung Đông.

“Đại diện cấp cao nhất của Mỹ đến Israel để hiểu đầy đủ về cuộc chiến ở Trung Đông và tất cả các hành động mà chúng tôi phải thực hiện”, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari nói với các phóng viên khi được hỏi về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ.

Chuẩn bị kịch bản nhiều mặt trận

Lần gần đây nhất mà ông Biden đến thăm vùng chiến là hồi tháng 2, khi ông đến Kiev, nhân kỷ niệm 1 năm ngày khởi đầu xung đột Nga – Ukraine.

Nhưng lần này, nhà lãnh đạo Mỹ quyết định đến Israel chỉ 1 tuần sau khi xung đột nổ ra. Những người hiểu rõ mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ giữa hai ông Biden với Netanyahu nói rằng phản ứng của chính quyền đối với các cuộc tấn công của Hamas cho thấy tác động không hề nhỏ từ tình bạn cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo.

Các quan chức Mỹ đang lo ngại nguy cơ xung đột mở rộng, vì thế đã gửi cả tín hiệu công khai và riêng tư để cảnh báo Iran hãy đứng ngoài.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, chính quyền đang sử dụng các kênh ngoại giao để gửi cảnh báo đến Tehran.

Dù Nhà Trắng nhiều lần tuyên bố rằng họ không có kế hoạch gửi quân đội Mỹ tới Israel, một phần vì bản thân Israel không muốn điều đó, nhưng có thể Không quân và Hải quân Mỹ sẽ tham gia sâu hơn nếu chiến tranh nổ ra đồng loạt trên nhiều mặt trận.

Cuối tuần qua, Mỹ điều nhóm tàu sân bay thứ hai đến Đông Địa Trung Hải để củng cố thế trận răn đe. Phía sau hậu trường, ông Biden và các trợ lý đang thảo luận về nhiều kịch bản khác nhau nếu khủng hoảng leo thang.

“Chúng tôi không thể loại trừ khả năng Iran sẽ tham gia trực tiếp theo cách nào đó. Chúng tôi phải chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra”, ông Sullivan nói trên CBS.

Theo CNN
MỚI - NÓNG