Tấn công toàn diện vào Dải Gaza sẽ là thảm họa với Israel

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng sớm 13/10, quân đội Israel phát cảnh báo với 1,2 triệu dân Palestine ở phía Bắc Dải Gaza: Phải sơ tán trong vòng 24 giờ đồng hồ, trước khi chiến dịch tấn công trên bộ diễn ra.
Tấn công toàn diện vào Dải Gaza sẽ là thảm họa với Israel ảnh 1

Chiến dịch tấn công tổng lực vào Dải Gaza chắc chắn sẽ gây ra thảm họa nhân đạo. (Ảnh: Reuters)

Một chiến dịch tấn công trên bộ có vẻ là khoảnh khắc không thể tránh khỏi đối với Israel, sau khi Hamas triển khai chiến dịch tấn công bất ngờ chưa từng có vào Israel. Washington ủng hộ hoàn toàn kế hoạch của đồng minh.

Trong môi trường chính trị quá nóng, những tiếng nói ở Mỹ là ủng hộ đồng minh đáp trả Hamas. Một số nhà bình luận thậm chí còn kêu gọi có hành động quân sự với Iran vì cho rằng nước này tài trợ cho chiến dịch của Hamas.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây chính xác là lúc Washington phải là "người có cái đầu lạnh" hơn để khuyên nhủ Israel hành động hợp lý.

Một chiến dịch tấn công trên bộ vào Dải Gaza chắc chắn sẽ gây ra thảm họa nhân đạo, là sai lầm về đạo đức và chiến lược. Nó sẽ không chỉ gây tổn hại nặng nề đến an ninh lâu dài của Israel, gây tổn thất khôn lường về tính mạng cho người Palestine, mà còn đe dọa các lợi ích cốt lõi của Mỹ ở Trung Đông, ở Ukraine và trong cuộc cạnh tranh của Washington với Trung Quốc về trật tự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Với sức ảnh hưởng lớn của mình, chỉ Mỹ mới có thể ngăn Israel mắc phải sai lầm tai hại. Nhưng giờ đây, khi đã thể hiện sự đồng cảm với Israel, Washington phải chuyển hướng sang yêu cầu đồng minh tuân thủ đầy đủ luật chiến tranh, nhấn mạnh rằng Israel phải tìm cách tiến hành cuộc chiến với Hamas mà không kéo theo việc di dời và giết hại hàng loạt thường dân Palestine vô tội.

Cuộc tấn công của Hamas gây đảo lộn những mặc định về nguyên trạng giữa Israel và Dải Gaza trong gần 2 thập kỷ qua. Năm 2005, Israel đơn phương rút khỏi Dải Gaza, nhưng không chấm dứt sự chiếm đóng trên thực tế. Israel vẫn giữ quyền kiểm soát hoàn toàn dải đất hẹp này, bao gồm cả vùng trời, kiểm soát cả sự di chuyển của người dân, hàng hóa, nguồn điện và tiền của hơn 2 triệu dân ở Dải Gaza.

Năm 2006, Hamas nắm quyền quản lý vùng đất này sau cuộc bầu cử lập pháp, sau đó củng cố quyền kiểm soát từ năm 2007, sau nỗ lực thất bại do Mỹ hậu thuẫn nhằm thay thế nhóm này bằng Chính quyền Palestine.

Kể từ năm 2007, Israel và Hamas duy trì một thỏa thuận không mấy dễ dàng. Israel tiếp tục duy trì sự phong tỏa ngột ngạt đối với Dải Gaza, kìm hãm nghiêm trọng nền kinh tế của vùng đất và khiến Hamas phải chuyển mọi hoạt động xuống đường hầm và chợ đen.

Trong những đợt xung đột vào năm 2008, 2014 và 2021, Israel đã ném bom ồ ạt vào các trung tâm đô thị đông dân cư ở Dải Gaza, phá hủy cơ sở hạ tầng và giết chết hàng nghìn thường dân, đồng thời làm suy giảm khả năng quân sự của Hamas.

Tuy nhiên, những điều này không làm giảm bớt sự kiểm soát quyền lực của Hamas. Các lãnh đạo Israel đã nghĩ rằng trạng thái cân bằng này có thể kéo dài vô tận.

Nhưng Hamas có ý tưởng khác. Dù nhiều nhà phân tích cho rằng chiến lược của Hamas là do ảnh hưởng của Iran, nhưng Hamas có lý do riêng để tấn công Israel.

Việc Israel tiếp tục leo thang và chiếm đất của người Palestine ở Bờ Tây đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ.

Những động thái của Mỹ nhằm làm trung gian cho một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả-rập Xê-út giống như một cánh cửa đang đóng lại, buộc Hamas hành động dứt khoát trước khi tình hình ở khu vực thay đổi.

Có lẽ, phong trào biểu tình ở Israel nhằm phản đối kế hoạch cải cách tư pháp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã khiến Hamas dự đoán rằng kẻ thù đang bị chia rẽ và mất tập trung.

Hiện vẫn chưa rõ mức độ mà Iran thúc đẩy hoặc bản chất của cuộc tấn công bất ngờ của Hamas ngày 7/10, nhưng một điều chắc chắn là Iran vẫn hỗ trợ Hamas trong những năm gần đây và tìm cách phối hợp các hoạt động trên “trục kháng cự” của các lực lượng phản đối trật tự khu vực mà Mỹ và Israel mong muốn.

Giới phân tích cho rằng sẽ là một sai lầm to lớn nếu bỏ qua bối cảnh chính trị của khu vực, khiến Hamas tiến tới cuộc tấn công ngày 7/10.

Điểm giới hạn

Phản ứng của Israel sau cuộc tấn công của Hamas xuất phát từ sự phẫn nộ của người dân, vì thế đã nhận được sự tán dương chính trị từ các nhà lãnh đạo trong nước và trên thế giới.

Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy những chính trị gia đó đã suy nghĩ nghiêm túc về những tác động tiềm ẩn của một cuộc chiến tổng lực ở Dải Gaza, ở Bờ Tây hoặc khu vực rộng lớn hơn, cũng như một kết thúc như thế nào cho Dải Gaza sau khi chiến sự kết thúc.

Bản thân chiến dịch tấn công tổng lực vào Dải Gaza chứa đựng nhiều điều không chắc chắn. Hamas chắc chắn đã đoán trước được phản ứng như vậy của Israel và đã chuẩn bị tốt cho một thời kỳ kháng cự lâu dài.

Hamas có thể tính toán rằng họ sẽ gây thương vong đáng kể cho một quân đội đã không tham chiến trong nhiều năm. Hamas lường trước phản ứng của Israel bằng cách bắt giữ nhiều con tin.

Israel có thể giành được chiến thắng nhanh chóng, nhưng điều đó có vẻ khó xảy ra. Những hành động có thể đẩy nhanh chiến dịch tấn công, như ném bom xuống các thành phố và làm suy giảm dân số ở Dải Gaza, sẽ phải trả giá đắt về danh tiếng.

Chiến tranh càng kéo dài, thế giới sẽ càng bị ấn tượng những hình ảnh về những người dân thường Israel và Palestine chết và bị thương.

Dù Israel thành công trong việc lật đổ Hamas, họ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi quản lý vùng lãnh thổ mà họ đã bỏ rơi từ năm 2005, sau đó phong tỏa và ném bom không thương tiếc suốt những năm sau đó.

Người dân ở Gaza chắc chắn sẽ không chào đón quân đội Israel với tư cách là những người giải phóng.

Trong trường hợp xấu nhất, cuộc xung đột sẽ không chỉ giới hạn ở Dải Gaza. Một chiến dịch tấn công tổng lực vào Dải Gaza sẽ tạo ra áp lực to lớn ở Bờ Tây, điều mà Chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas có thể không đủ sức hoặc không muốn kiềm chế.

Trong năm qua, sự xâm lấn không ngừng của Israel vào đất ở Bờ Tây và những hành động khiêu khích của những người định cư Israel khiến sự tức giận và thất vọng của người Palestine tích tụ. Cuộc tấn công của Israel vào Gaza có thể đẩy người Palestine ở Bờ Tây đến bờ vực thẳm.

Xa hơn nữa

Các nhà lãnh đạo Ả-rập về bản chất là những người thực tế, chủ yếu quan tâm đến sự sống còn của chính họ và lợi ích quốc gia của chính họ. Không ai muốn hy sinh vì Palestine. Đó là giả định đã thúc đẩy chính sách của Mỹ và Israel dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và cả Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tuy nhiên, có những giới hạn mà họ phải đối mặt khi dư luận được huy động mạnh mẽ, đặc biệt khi liên quan đến Palestine.

Các quốc gia Ả-rập đang tích cực theo đuổi lợi ích của mình trên nhiều diễn đàn khu vực và toàn cầu. Trong vài năm gần đây, những cường quốc trong khu vực như Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng thách thức Mỹ trong những vấn đề như cuộc xung đột ở Ukraine, giá dầu và mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc.

Những điều đó cho thấy rằng Washington không nên coi thường lòng trung thành của họ, kể cả trước những hành động cực đoan của Israel đối với người Palestine.

Hezbollah cũng có thể tham gia vào cuộc chiến. Cho đến nay, lực lượng này vẫn kiềm chế phản ứng của mình với Israel, nhưng chiến dịch tấn công tổng lực của Israel vào Dải Gaza có thể trở thành ranh giới đỏ khiến Hezbollah hành động.

Nếu Hezbollah bước vào cuộc chiến với kho tên lửa đáng gờm của mình, Israel sẽ phải đối mặt với chiến tranh trên hai mặt trận, lần đầu tiên sau nửa thế kỷ. Tình huống như vậy sẽ là điều tồi tệ không chỉ đối với Israel.

Một số chính trị gia và học giả của Mỹ và Israel có vẻ hoan nghênh một cuộc chiến rộng lớn hơn, bao gồm cả tấn công vào Iran.

Tuy nhiên, việc mở rộng chiến tranh sang Iran sẽ gây ra những rủi ro to lớn, không chỉ vì Iran sẽ trả đũa Israel mà cả hoạt động vận chuyển dầu ở vùng Vịnh và khả năng leo thang trên khắp Iraq, Yemen và các mặt trận khác, nơi các lực lượng đại diện của Iran đang hoạt động.

Theo Foreign Affairs
MỚI - NÓNG