>> Phóng xạ tại Fukushima 1 đã cao gấp 10 triệu lần
Ngày 27-3, Cty Điện lực Toyko (Tepco), đơn vị quản lý, vận hành nhà máy Fukushima số 1, thông báo độ phóng xạ trong nước trên sàn tòa nhà chứa turbine lò phản ứng số 2 vượt mức 1.000 millisievert/giờ, mà với mức này, người tiếp xúc trong 4 giờ có thể chết trong vòng 30 ngày.
Tepco cũng nói rằng, con số này cao gấp 10 triệu lần mức khi nhà máy hoạt động bình thường. Tuy nhiên, sau đó cùng ngày, Cty nói rằng, con số cao 10 triệu lần nêu ra là không chính xác vì có lỗi trong tính toán, nhưng vẫn ở mức cao.
Hidehiko Nishiyama, phát ngôn viên Cơ quan An toàn Công nghiệp Hạt nhân Nhật Bản (Nisa), nói: "Đây là mức khá cao… và rất có thể chảy ra từ lò phản ứng". Ngoài ra, mức độ ô nhiễm phóng xạ ở khu vực biển gần nhà máy ngày càng tăng, với hàm lượng phóng xạ i-ốt 131 vượt ngưỡng cho phép 1.850 lần, cao hơn mức gần 1.251 lần hôm 25-3, Nisa thông báo. Ngày 27-3,
Ngày 27-3, không khí tại khu vực nhà máy Fukushima số 1 đo được ở mức 1.000 millisievert/giờ, lớn hơn giới hạn 250 millisievert mà chính phủ Nhật cho là ngưỡng an toàn, Takashi Kurita, phát ngôn viên Tepco, đơn vị quản lý, vận hành nhà máy, cho biết. Nước biển xung quanh nhà máy bị nhiễm xạ cao hơn 1.250 lần bình thường.
Các quan chức Nhật Bản nói rằng, đó không phải là khu vực khai thác hải sản, và sự ô nhiễm này không gây nguy cơ đối với sức khỏe con người. Chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho rằng, nước biển bị ô nhiễm sẽ được pha loãng ngoài đại dương. Theo IAEA, phóng xạ trong nước biển sẽ không gây nguy hiểm sau 8 ngày nhờ chu kỳ bán rã của i-ốt.
Những bể nước chứa chất phóng xạ thực sự gây chú ý sau khi ba công nhân làm nhiệm vụ phục hồi lò phản ứng số 3 bị phơi nhiễm phóng xạ tới 173-180 millisievert. Hai trong ba công nhân đó nhúng chân vào nước mà không biết rằng nước bị nhiễm xạ rất cao.
Theo số liệu công bố hôm 27-3, hàm lượng i-ốt 134 trong nước đó lên tới 2,9 tỷ becquerel/cm3. Một quan chức của Nisa nói rằng, nước nhiễm xạ có thể chảy ra từ những ống nối bể của lò phản ứng và các turbine, nơi hơi nước từ lò phản ứng được dẫn tới để phục vụ việc phát điện. Bể chứa nước ở tòa nhà chứa turbine của lò phản ứng số 4 cũng bị nhiễm các chất phóng xạ, nhưng mức độ không cao như tại tòa nhà chứa lò số 1, 2 và 3.
Người ta cho rằng, tình trạng rò rỉ hạt nhân chỉ xảy ra tại một trong số các lò phản ứng, nhưng vị trí rò rỉ vẫn chưa được phát hiện. "Chúng tôi đang tìm hiểu nguyên nhân, nhưng chưa thể thực hiện tại lò phản ứng số 2 vì lượng phóng xạ quá cao," phát ngôn viên của Tepco nói.
Tepco đang tiếp tục nỗ lực phục hồi hệ thống điện và tăng cường hoạt động làm mát cho nhà máy, nhưng các bể nước nhiễm xạ quá cao làm chậm lại công tác này.
Các công nhân đang có kế hoạch phục hồi hệ thống chiếu sáng trong phòng điều khiển của lò phản ứng số 4. Họ cũng đang nỗ lực bơm nước sạch vào các bể chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại lò phản ứng số 1, 2, 3 và 4 để ngăn muối từ nước biển được bơm vào trước đó cản trở quá trình lưu thông nước, làm giảm hiệu quả làm mát, cũng như ngăn tình trạng nước biển chứa muối làm mòn máy móc.
Tepco cố gắng bơm nước ngọt vào lò phản ứng số 1, 2 và bằng bơm điện thay cho loại bơm cứu hỏa để giúp công nhân giảm bớt thời gian, công sức vận hành máy móc tại nhà máy, do đó giảm nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ. Giám đốc Tepco, Masataka Shimizu, đổ bệnh từ ngày 16-3, nghỉ làm tại văn phòng liên lạc giữa Tepco và chính phủ, Cty thông báo hôm qua.
Ban lãnh đạo Tepco xin lỗi công chúng trong buổi họp báo ngày 27-3. Ảnh: Kyodo. |
Khủng hoảng có thế kéo dài vài tháng
Tổng giám đốc IAEA, Yukiya Amano, hôm 26-3 nói rằng, Nhật Bản "vẫn còn lâu mới kết thúc sự cố" tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Ông cảnh báo, tình thế khẩn cấp ở nhà máy có thể kéo dài nhiều tuần, thậm chí vài tháng.
Amano nói ông tin chính quyền Nhật không giấu thông tin, nhưng chuyến đi hai ngày tới Tokyo hồi đầu tháng nhằm mục đích nhận được sự cam kết bảo đảm minh bạch tuyệt đối về thông tin xung quanh sự cố. Tepco đang bị chỉ trích vì thiếu minh bạch và không cung cấp thông tin kịp thời. Mới đây, IAEA cử thêm chuyên gia tới giúp xử lý sự cố tại Fukushima.
Cơ quan quản lý hạt nhân của Nhật Bản nói rằng, Tepco phạm một số sai lầm, trong đó có lỗi về trang phục của công nhân. Hidehiko Nishiyama, phát ngôn viên của Nisa, nói rằng, hai công nhân bị bỏng, bị nhiễm xạ vì nhúng chân xuống nước nhiễm xạ khi chỉ đi giầy tới mắt cá chân và không được trang bị bảo hộ đầy đủ.
Ông Nishiyama cũng nói rằng, Tepco đã biết tình trạng không khí nhiễm xạ cao tại một lò phản ứng trước khi xảy ra sự cố ở Fukushima.
Kết quả cuộc khảo sát của hãng tin Kyodo (Nhật Bản) được công bố hôm 27-3 cho thấy, 58,2% người được hỏi nói họ không tán thành cách chính phủ giải quyết khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Fukushima, trong khi 57,9% ủng hộ cách hỗ trợ nạn nhân động đất, sóng thần hôm 11-3. Cuộc khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Naoto Kan lên tới 28,3%, tăng 8,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ ghi nhận từ cuộc khảo sát trước đó thực hiện từ giữa tháng 2. |
Thái An (tổng hợp)