Thu hoạch nếp quýt ở cánh đồng An Nhơn |
Cụ Tô Đình Liêm (người Tày, trú xã An Nhơn) cho biết, vào thập niên cuối của thế kỷ trước, khi rời Cao Bằng, Lạng Sơn di cư vào Lâm Đồng, một số hộ người Tày và Nùng đã mang theo giống nếp quýt để trồng trên vùng quê mới. Loại lúa này có thân dài và nhỏ, bông lúa to, hạt tròn, vỏ mỏng.
Bông lúa nếp quýt |
Đáng lưu ý, chỉ khi được gieo trồng ở xã An Nhơn và một phần thị trấn Đạ Tẻh, nếp quýt mới đạt năng suất, chất lượng cao nhất. Nhờ hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên hạt nếp tròn đầy, dẻo thơm, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Chẳng bao lâu sau, nếp quýt khẳng định được sự vượt trội và dần thay thế các giống lúa khác trên cánh đồng rộng mênh mông bên sông Đồng Nai.
Hạt nếp quýt tròn đầy |
Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền “Nếp Quýt Đạ Tẻh”, được công nhận và xếp hạng 4 sao trong chương trình Ocop, nếp quýt đã khẳng định tên tuổi trên thị trường. Thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng ra nhiều tỉnh thành ở Đông Nam Bộ như TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Phơi lúa nếp |
Riêng nếp quýt hữu cơ được doanh nghiệp đứng ra tổ chức liên kết để sản xuất, bao tiêu rồi xuất khẩu sang Mỹ. Gạo nếp quýt chuẩn hữu cơ có giá trên 40.000 đồng/kg, lúa đạt chuẩn VietGAP từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Một kỹ sư nông nghiệp cho hay mô hình sản xuất lúa hữu cơ còn phức tạp hơn sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP bởi điều kiện về môi trường đất, nước rất khắt khe và không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học. Thay vào đó, nông dân tận dụng phân heo, gà… ủ cùng tro, trấu để bón cho cây lúa.
Đóng gói để tiêu thụ dịp Tết Nhâm Dần |
Vì đang là cao điểm thu hoạch vụ nếp quýt Tết nên hàng chục máy gặt liên hợp hoạt động hết công suất trên các cánh đồng ở Đạ Tẻh. Nhiều người làm việc liên tục từ 10 – 12 giờ/ngày để thu hoạch, đóng gói sản phẩm gạo nếp quýt cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần trong và ngoài tỉnh. Ước tính khoảng 450ha lúa nếp cho thu hoạch với năng suất bình quân 5,6 tấn/ha.
Lựa chọn đòng đòng nếp quýt để ngâm rượu |
Đòng đòng nếp quýt |
Không chỉ bán gạo nếp quýt, người dân nơi đây còn tạo ra sản phẩm độc đáo như rượu đòng đòng nếp quýt. Người Tày, Nùng đã ngâm đòng đòng đang thì “con gái” với một số nguyên liệu bí truyền khác để cho ra loại rượu có hương thơm, vị thanh. Rượu đòng đòng nếp quýt rất được ưa chuộng dịp Tết với giá bán từ 500 ngàn đồng đến 5 triệu đồng/bình, tùy kích cỡ lớn, nhỏ.
Rượu đòng đòng nếp quýt |
Xôi ngũ sắc nếp quýt không thể thiếu trong mâm cỗ của người Tày |
Theo UBND xã An Nhơn, với đặc thù về thổ nhưỡng và khí hậu, mỗi năm, trên cánh đồng gần đập Đạ Hàm có thể sản xuất được 2 vụ nếp quýt và 1 vụ lúa thường, cho thu nhập bình quân 150 triệu đồng/ha, cao hơn mức thu nhập bình quân chung của xã là 100 triệu đồng/ha.