Sản xuất nhỏ giọt
Khởi công xây dựng tháng 9/2009, Nhà máy Bio- Ethanol Dung Quất, thuộc Công ty Cổ phần NLSH Dầu khí miền Trung (BSR-BF) có diện tích 24,62 ha, tổng mức đầu tư 2/219 tỷ đồng. Đây là nhà máy sản xuất NLSH lớn nhất miền Trung với công nghệ hiện đại, công suất tối đa đạt 100.000 m3 ethanol/năm.
Sản phẩm Bio Ethanol do nhà máy cung cấp được sản xuất từ sắn lát khô (khoai mì) và dùng pha trộn với xăng A92 để tạo ra xăng E5 phân phối ra thị trường. Vì vậy, sự ra đời của nhà máy không chỉ thực hiện lộ trình phát triển NLSH của nước ta, góp phần thúc đẩy phát triển của ngành công nghiệp nhiên liệu sạch mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế cho mặt hàng nông sản khoai mì, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tháng 2/2012, dòng sản phẩm đầu tiên ra đời thành công, sau nhiều tháng vận hành và chạy thử nhà máy.
Nhưng rồi, đối nghịch với những kì vọng trên, sau một thời gian hoạt động, Nhà máy Bio- Ethanol Dung Quất liên tục phải sản xuất cầm chừng, rơi vào thua lỗ và nay tạm dừng hoạt động. Giờ đây, cả nhà máy khổng lồ, hiện đại rơi vào cảnh đắp chiếu nằm chờ. Công nhân đành phải tạm nghỉ việc, một số được giữ lại để làm công việc bảo dưỡng, duy tu hoặc làm bảo vệ nhà máy.
Anh Phạm Đô, công nhân vận hành nhà máy, cho biết: “Từ khi nhà máy dừng hoạt động, tôi phải chuyển qua làm ở bộ phận bảo vệ, thay cho công ty bảo vệ trước đây đã cắt hợp đồng để tiết kiệm chi phí cho nhà máy. Thu nhập của anh em công nhân đều bị giảm đi 50% lương chức danh. Nhiều anh em đã xin nghỉ không lương, chuyển sang làm thời vụ ở nơi khác để đảm bảo đời sống”.
Thua lỗ triền miên
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Vượng - Giám đốc Công ty cổ phần BSR-BF cho biết: “Năm 2014, công ty chỉ phân phối được 5.000m3 ethanol cho thị trường trong nước (đạt 5% công suất nhà máy). Năm 2015, nhu cầu trong nước dự đoán tăng lên khoảng 12.000m3, nhưng cũng chưa đạt 15% công suất nhà máy. Giá bán ethanol trên thị trường thấp hơn 2.000 đồng mỗi lít so với giá thành sản xuất.
Cũng theo ông Vương, năm 2014, việc sản xuất cầm chừng của nhà máy đã dẫn đến khoản lỗ trên 140 tỷ đồng; đến năm 2015 con số thua lỗ cũng không thấp hơn so với năm 2014. Do đó, cổ đông công ty phải cho nhà máy tạm ngừng sản xuất”. Để tìm “lối thoát”, BSR- BF đã tìm hướng xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài, nhưng giá dầu thô thế giới liên tục giảm, khiến sản phẩm của công ty không thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài vì không cạnh tranh được với các nước có nguồn nguyên liệu dồi dào, giá nguyên liệu thấp.
Ông Vương cho biết thêm, trong thời gian tạm dừng hoạt động, để giữ chân những kỹ sư giỏi, nhà máy đã ký hợp đồng với Công ty TNHH lọc - hóa dầu Bình Sơn cung ứng 38 kỹ sư, công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, do nhà máy hoạt động cầm chừng nên việc thu mua và phát triển vùng nguyên liệu không như dự kiến ban đầu, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn cây trồng trên vùng đất đã quy hoạch. Ông Lê Văn Hải, nông dân xã Bình Tân, nói: “Rất may trên địa bàn Quảng Ngãi còn có Nhà máy chế biến tinh bột sắn thu mua chứ nếu không cuộc sống của người trồng sắn sẽ gặp nhiều khó khăn”.
Nhà máy ngừng hoạt động, 128 kỹ sư, công nhân nghỉ chờ việc không lương từ giữa tháng 3/2016. 50 nhân sự được giữ lại để bảo quản, thanh quyết toán công trình. Chi phí bảo dưỡng, lương và bảo hiểm 2 tỷ đồng mỗi tháng. Theo ông Phạm Như Sô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh đã yêu cầu nhà máy báo cáo làm rõ nguyên nhân tạm dừng hoạt động. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ có báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết.