Thói dối trá

Thói dối trá
TP - Rõ thực đời chưa biết ai hơn ai về cái sự nhân văn, dù có đắp lên mình đủ bằng cấp, tiền bạc, chức vị hoặc chỉ bán xôi bán cháo ngoài đường. Nhớ vụ cháu bé 3 tuổi ở Quy Nhơn bị rơi lọt thỏm vào nồi nước sôi ngoài đường, thập tử nhất sinh.

> Đề Văn 'dễ thở'

Bố chạy xe ôm, mẹ bán chè, nghèo nát nhưng cũng liều bồng con ra Viện bỏng quốc gia với hy vọng cứu được mạng con.

Báo chí đưa tin, bạn đọc và các nhà hảo tâm cả nước cảm thương ùn ùn đến thăm, tặng tiền. Số tiền góp được rất lớn. Nhờ sự tận tâm của các bác sĩ, cùng sự giúp sức của những tấm lòng nhân hậu, cháu bé được cứu sống.

Lúc đưa con về, người mẹ nghẹn ngào xúc động, và gửi lại cho bệnh viện 100 triệu đồng chưa sử dụng hết làm quỹ giúp những cháu bé nghèo khác.

Những bài báo về những hoàn cảnh như vậy có giật gân câu khách không mà sức lay động lớn đến thế? Người mẹ nghèo ít học ấy sao lại có được việc làm cảm động, nhân văn đến thế?

Đang diễn ra phê phán gay gắt về loại báo chí đậm đặc tiền tình, bạo lực, sốc, sex…, nhưng lại luôn khẳng định mình là “nhân văn”!? Phía bị phê phán thì phản pháo lại, cho rằng không ai tốt hơn ai để đứng lên trên “răn dạy” người khác!

Đời chẳng ai là Thánh. Tất nhiên cũng chẳng ai có thể cho mình cái quyền đứng trên cao dạy dỗ người khác về đạo đức. Nhưng một người bình thường ít học nhất cũng biết giữa những cái xấu thì chọn điều ít xấu hơn.

Và ai có khả năng nhận biết cũng đều hiểu không nên để tâm vào những cái xấu, cái ác được phản ánh một cách nhầy nhụa.

Một cô diễn viên bị bắt quả tang về hành vi mại dâm, lúc rời khỏi trụ sở công an bị một nhóm phóng viên lẵng nhẵng bám theo quay phim. Cô lấy tay gạt ống kính đang dí vào mặt mình, thì bị lu loa trên báo, rằng “Diễn viên H.H gạt máy ảnh phóng viên khi bị ghi hình”! Biết nên gọi thứ công vụ của nhóm nhà báo ấy bằng cái tên gì đây? Và cấp độ nào của loại “nhân văn” ấy?

Đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn vừa diễn ra hôm qua có phần trình bày suy nghĩ về “thói dối trá” trong xã hội hiện nay. Học sinh đều reo lên rất dễ. Vì thực tế nhan nhản ngay trong nhà, trong lớp chẳng cần tìm đâu xa.

Một góc độ nào đó, tiếng reo của các cô cậu thí sinh ấy là nỗi đau của toàn xã hội. Năm ngoái, đề thi văn đại học bàn về sự biết xấu hổ. Năm trước đó thì nói về thói đạo đức giả...

Con người đang chao đảo giữa một rừng cái xấu, cái ác, cái giả dối. Thì sao mỗi người không chọn cho mình hướng về những thứ ít xấu hơn, ít trần tục ghê tởm hơn? Lựa chọn trên sách báo, phim ảnh, và ngay trong quan hệ đời sống.

Một chút thực lòng mỗi lúc, sẽ là một làn không khí trong lành khiến dễ thở hơn. Bởi không thể nào nấu được một nồi súp ngon nếu đó là kẻ dối trá, như nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven từng chiêm nghiệm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG