5 XU HƯỚNG DU LỊCH
Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB) công bố kết quả cuộc điều tra, khảo sát khách du lịch Việt Nam sau COVID-19, trong thời gian từ 13-19/5. “Tôi có 30 năm lăn lộn với du lịch, trải qua nhiều thăng trầm nhưng chưa từng có tác động nào kinh hoàng như COVID-19. Tất cả những trải nghiệm và hiểu biết của chúng ta từ trước tới giờ về du lịch buộc phải thay đổi”, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký TAB nói.
Người Việt Nam sẵn sàng du lịch trở lại, đó là xu hướng đầu tiên rút ra từ kết quả khảo sát của TAB. Nếu trong suốt chặng giãn cách xã hội, kết quả khảo sát về nhu cầu du lịch của người Việt gần như bằng 0, do hiệu ứng thực hiện lời kêu gọi “ở nhà là yêu nước”. Tới ngày 13/5, tỷ lệ người Việt không sẵn sàng du lịch chỉ còn 14%. Hơn một nửa số người được hỏi sẵn sàng du lịch ngay trong hè này, chưa chờ tới thời điểm cuối năm.
Đại dịch COVID-19 thay đổi nhiều thói quen, trong đó thay đổi cả xu hướng du lịch. Cụ thể, 36% người được hỏi quan tâm tới yếu tố an toàn khi lựa chọn điểm du lịch, có tới 32% quan tâm tới an ninh, chỉ có 20% quan tâm tới dịch vụ ưu đãi. Con số biết nói giúp các nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch bình tâm, không nên quá tập trung vào giảm giá mà xem nhẹ yếu tố an toàn. Có như vậy người dân mới yên tâm du lịch.
Du lịch nghỉ dưỡng biển như thường lệ vẫn chiếm gần 3/4 nhu cầu của người dân. Tuy thế điều đáng mừng là nhu cầu du lịch thiên nhiên tăng lên hơn 56%. Xu hướng đáng mừng chứng tỏ sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam. Lâu nay các chuyên gia vẫn cảnh báo những người làm du lịch không nên chỉ chăm chăm phát triển du lịch biển, nên trải rộng ở nhiều loại hình khác nhau. Hơn nữa, trong sáu tuần qua lượng tìm kiếm về công viên và vườn quốc gia cũng tăng tới 25% chứng tỏ xu hướng du lịch đa dạng hơn của người dân.
Xu hướng thứ tư đáng lưu tâm là sự chuyển dịch của du khách. Nếu người Việt trước đây chấp nhận đi tua đoàn lớn và tua ghép, nay họ có xu hướng đi với gia đình và bạn bè. Tỷ lệ gần 90% này khiến các doanh nghiệp du lịch phải lưu tâm để thiết kế sản phẩm thích ứng với nhu cầu mới. Sở dĩ du lịch Thái Lan thu hút khách và có tỷ lệ khách quay lại tới 70% là bởi họ chú trọng tua du lịch gia đình. Khách châu Âu, Bắc Mỹ, Úc thường lựa chọn Thái Lan để quay lại nhiều lần do ưu điểm này. Thái Lan có các dịch vụ trông giữa trẻ cho các gia đình ở các khu nghỉ dưỡng.
Thời dịch bệnh cũng mang lại xu hướng thứ 5 về đặt sản phẩm trực tiếp và giải pháp số. Khoảng 44% khách hàng đặt tua trực tuyến, hơn 60% khách trực tiếp mua sản phẩm từ các bên cung cấp không cần qua trung gian. Thời gian giãn cách xã hội cho người Việt cú hích để ngày càng lựa chọn giải pháp số trong du lịch, thay vì tới trực tiếp tư vấn tại các công ty và đại lí.
THỜI ÐIỂM VÀNG
“Chương trình kích cầu du lịch nội địa cần được truyền thông theo hướng là cơ hội mang lại lợi ích cho người Việt Nam. Thời điểm này gần như không còn khách du lịch quốc tế ở Việt Nam, chính vì thế người dân có thể tiếp cận các điểm du lịch cao cấp mà trước đây luôn tràn ngập khách quốc tế”, ông Hoàng Nhân Chính nói. Phú Quốc, Nha Trang, vịnh Hạ Long, loạt hang động Quảng Bình... trước đây luôn là những điểm đến ưa thích của khách quốc tế với giá sản phẩm du lịch cao cấp. Nhờ đại dịch, người Việt được khám phá vẻ đẹp của đất nước với chi phí ưu đãi và cảm giác thoải mái nhất.
Hội đồng tư vấn du lịch cũng nhấn mạnh tới yếu tố liên kết giữa các ngành từ hàng không, khách sạn và du lịch. Yếu tố quan trọng không kém là các doanh nghiệp lớn khi hợp tác phải tôn trọng cam kết: Không bán sản phẩm không an toàn và chất lượng kém; không lừa dối khách hàng bằng quảng cáo sai sự thật; không bán với dưới giá thành sản xuất trực tiếp, không bán phá giá. Cuộc chiến tranh giá từng được một số chuyên gia du lịch cảnh báo, bởi nếu chỉ đạt mục đích thu hút khách mà doanh nghiệp chấp nhận bán phá giá thì nhà nước cũng thất thu.
Cơ cấu lại ngành du lịch là bài toán đặt ra với Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch trong vai trò quản lý nhà nước, điều tiết du lịch. Trong cuộc hội thảo về giải pháp phục hồi du lịch mới đây, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL nói về vai trò dẫn dắt định hướng du lịch Việt Nam của các doanh nghiệp hàng đầu. Phân tích kỹ hơn về điều này, ông Hoàng Nhân Chính cho rằng có tới 90% doanh nghiệp có doanh thu quý 2 còn dưới 30%, như vậy doanh nghiệp du lịch nhỏ phải chấp nhận tham gia chuỗi của doanh nghiệp lớn thay vì chết hàng loạt.
Không chỉ tái cơ cấu về doanh nghiệp, còn phải chú ý tới cơ cấu lại sản phẩm du lịch. Đây không phải việc của Bộ VHTTDL hay Tổng cục Du lịch, mà là nhiệm vụ của các doanh nghiệp. Theo đó, du lịch gia đình, du lịch theo nhóm nhỏ và du lịch thiên nhiên cần được quan tâm phát triển hơn. Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp cần phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử, đại lí du lịch trực tuyến, quảng bá du lịch qua e-marketing và mạng xã hội. Có thực tế đáng buồn người Việt du lịch nước ngoài chủ yếu chi tiêu bằng thẻ với mức chi tiêu rất cao so với mặt bằng khách du lịch, tuy nhiên khách du lịch nội địa chỉ tiêu tiền mặt.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 79 về danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử, các cửa khẩu quốc tế cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử. Nghị quyết có hiệu lực từ 1/7/2020. Tuy nhiên, Nghị quyết này không đồng nghĩa mở cửa cho khách quốc tế tự do nhập cảnh vào Việt Nam.
80 nước được cấp visa điện tử trong đó có Áo, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Phần Lan, Pháp, Trung Quốc, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... Chính phủ cũng chấp thuận cho 8 cửa khẩu hàng không, 16 cửa khẩu đường bộ và 13 cửa khẩu đường biển cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử. Các cửa khẩu hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng, Cát Bi, Cần Thơ, Phú Quốc và Phú Bài. Trong số 16 cửa khẩu đường bộ có Tây Trang, Móng Cái, Hữu Nghị, Lào Cai, Na Mèo, Cầu Treo, Lao Bảo, Sông Tiền. 13 cửa khẩu đường biển như: Hòn Gai, Cẩm Phả, Hải Phòng, Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng, Nha Trang, Dương Đông, TPHCM.