Thời 4.0, bán vé kiểu... 0.4

TP - Nhìn cảnh tượng có phần hỗn loạn của hàng ngàn người hâm mộ chen chân xếp hàng xuyên đêm ở Mỹ Đình để mua vé xem ĐTVN thi đấu, mới thấy tình yêu bóng đá của người Việt mình mãnh liệt biết nhường nào!

Đáng tiếc, thứ tình yêu trong sáng và vô cùng quý hiếm ấy đã bị tổn thương nghiêm trọng khi đám đông trở nên hỗn loạn, chen lấn xô đẩy đổ cả hàng rào sắt; khi côn đồ ngang nhiên đe dọa người xếp hàng;  khi vé vừa bán đã hết veo giữa lúc phe vé cầm từng xấp trên tay hét với giá cắt cổ gấp 2-3 lần.

Một cảm xúc tồi tệ dâng trào trong tôi khi xem truyền hình quốc gia chiếu cận cảnh khuôn mặt bơ phờ của một nữ CĐV, cô vất vả thoái lui như chạy trốn giữa biển người đang “lên đồng” môn túc cầu giáo, vừa đi vừa nói như khóc : “Đây là lần cuối cùng trong đời !”. Nói dại, ngộ nhỡ cái đám đông kia mà trở nên hỗn loạn và mất kiểm soát, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra với những người như cô gái trên.

Tất cả chỉ vì một phương thức bán vé cổ lỗ sĩ y như thời bao cấp còn tem phiếu hay sổ gạo. Nhớ lại thời những năm 70-80 của thế kỷ trước, lũ trẻ con như tôi là chuyên gia xếp hàng mua gạo, phải dậy thật sớm từ tờ mờ đất rồi chạy thục mạng tới cửa hàng gạo đầu phố, trong tay không quên một cục gạch để giữ chỗ ngộ nhỡ có mót đi tè mà không chịu nổi. Ấy là thời máy tính còn đục lỗ và to bằng cả một căn phòng.

Nay, trên tay mỗi người xếp hàng ở Mỹ Đình sáng chủ nhật vừa qua, tôi đồ rằng đều có chiếc điện thoại thông minh kết nối internet, bên trong có con chip CPU với tốc độ tính toán nhanh gấp ngàn vạn lần chiếc máy tính to bằng cả căn phòng hồi những năm 70 kia. Ấy vậy mà, hàng ngàn chiếc máy tính di động, hàng ngàn chiếc điện thoại thông minh luôn mặc định được kết nối với nhau ấy, lại trở thành “cục gạch” câm lặng trong một thuật toán giản đơn về xếp hàng như thủa hồng hoang sao ?

Thời 4.0, thời vạn vật kết nối internet ngày nay, đến mua một cốc chè hay một chiếc vé xem phim đều có “app” (Application - ứng dụng trên ĐTDĐ), huống hồ mua vé xem bóng đá giá hàng trăm ngàn. Giải pháp kỹ thuật để thanh toán, để xác thực ai là chủ nhân đích thực của tấm vé mới được vào sân cỏ, nay “dễ như con thỏ” ! Cớ sao VFF phải “hành xác” hàng ngàn CĐV của họ đến vậy? Cớ sao không bán vé online, vé điện tử mà vẫn phải bán offline cổ truyền như thời bao cấp?

Về giải pháp kỹ thuật, để phân phối hàng vạn vé một cách trực tiếp tới tay CĐV đồng thời triệt tiêu nạn vé chợ đen,  tôi đồ rằng VFF hoàn toàn có thể ứng dụng phương thức bán vé tiện lợi, văn minh, hiện đại của thời 4.0. Rất có thể vấn đề nằm ở chỗ khác. Một quan chức VFF từng thừa nhận trên báo Tiền Phong rằng, với những trận đấu “nóng” của ĐTVN họ chịu áp lực rất lớn từ các đơn vị, bộ ngành và cả… người quen nữa. Như vậy, chừng nào VFF chưa minh bạch và công khai hóa được toàn bộ phương thức phân phối vé của họ, chừng đó khó có thể “4.0 hóa” được quy trình bán vé, đành phải quay về phương thức cổ truyền mà linh hoạt theo kiểu “0.4” mà thôi!    

MỚI - NÓNG