> Sau siêu bão, tìm kiếm người thân bằng… Google
Dù đã chà xát qua Philippines, nhưng sức gió khi tiến vào biển miền Trung vẫn cấp 17, lớn hơn 4 bậc so với cấp bão cao nhất mà Việt Nam ghi nhận là siêu bão Xangsanne năm 2006.
Mạnh đến nỗi chặng cuối của bão sau khi chạy tiếp hàng ngàn cây số “mệt phờ”, vẫn đủ sức khiến hàng ngàn nhà cửa, công trình ở Quảng Ninh sập và tốc mái, thiệt hại ước 50 tỷ đồng. Còn Hà Nội bão này nhổ bật cả gốc cổ thụ. Bão chưa đổ bộ, riêng miền Trung đã có 10 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương khi chằng chống nhà cửa ứng phó với bão. Khó thể biết nếu bão đổ bộ thẳng vào đây, hậu quả sẽ ra sao.
Không ai bảo ai, người dân miền Trung sau khi thoát bão đã tổ chức “ăn mừng” một cách nhiệt tình. Bên cạnh những ngôi nhà với ngàn lẻ một kiểu chèn chống, “băng bó”, che chắn, bất kể là nhà kiên cố vào loại “khủng” hay nhà cấp 4.
Có thể nói dân Quảng Nam, Đà Nẵng là những tay “thiện chiến” và vô cùng sáng tạo trong chống bão, lũ, không đợi ai bày vẽ. Sau trận lũ lịch sử 1999, vùng nông thôn Quảng Nam từ nhà dân cho tới chợ búa, trường học cũng đều thấy gác trên trần nhà một chiếc thuyền nan.
Lũ về, chỉ việc rút những tấm ván thưng quanh nhà bên dưới là nước có thể qua lại vô tư không vướng lực cản nào, còn người thì leo lên gác lửng đã cất tài sản đáng giá cùng đồ ăn thức uống, dầu đèn. Mỗi làng đều có vài ngôi nhà chống bão lũ đa năng bằng bê tông cao tầng thiết kế đặc biệt dùng chung cho cộng đồng khi lâm sự. Sau bão Xangxane, người dân một làng Cơ Tu ở huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) lần đầu tiên nghĩ ra cách đào hầm tránh bão, được dân Quảng Nam, Quảng Ngãi học tập hiệu quả.
Giờ nếu “thi” chạy sóng thần, chắc không ai qua được dân Đà Nẵng. Sau hai cuộc chạy sóng thần “hụt” một cách tự phát nháo nhào lên đèo Hải Vân giữa đêm hôm cách đây mấy năm, kinh nghiệm được đúc kết ngay. Cũng nhờ vậy, mà hàng loạt cột cảnh báo sóng thần được dựng lên ở bờ biển Đà Nẵng, máy móc báo động sóng thần được cài cắm ở tất cả các đài phát thanh, truyền thanh, cùng với kịch bản chi tiết sơ tán khẩn cấp trên diện rộng. Điều mà những vùng biển khác chưa có.
Cũng như khu vực thủy điện Sông Tranh 2 ở Bắc Trà My, Quảng Nam, “nhờ” động đất liên miên, người dân được tôi luyện cách ứng phó, và mới đây nhất là cuộc tổng diễn tập ứng phó thảm họa động đất quy mô hàng ngàn người, với sự tham gia của các binh chủng quân đội. Chưa thấy những nơi khác từng xảy ra động đất quan tâm đến việc ứng phó kiểu này.
Thoát bão hiểm một cách kỳ lạ như miền Trung mấy hôm trước chỉ là sự may mắn ngẫu nhiên. Năng khiếu đương đầu với thiên tai của người dân Đà Nẵng, Quảng Nam cũng chỉ là cá biệt. Nếu không có một “cẩm nang” chuyên nghiệp chống bão, lũ với từng kịch bản chi tiết xây dựng cho từng vùng miền, trong khi các địa phương thiếu học hỏi bắt chước lẫn nhau, e rằng tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước vẫn tiếp tục như “trứng treo đầu đẳng”.