Người xem ngán ngẩm, còn “khổ chủ” là chàng ca sĩ nọ không rõ khi xem sẽ nghĩ gì? Chưa hết, mới đây, nữ MC của một đài truyền hình kỹ thuật số vừa dẫn xong chương trình ca nhạc của một nữ ca sĩ lớn tuổi, không biết rằng máy quay chưa tắt, đã vừa tháo mic cài, vừa làu bàu bình phẩm: “Như là… cave!”.
Những bộ phim thảm họa, show game nhạt nhẽo, những phim thiếu nhi tưởng chỉ dành cho người lớn, những màn quảng cáo vô tội vạ, những kiểu dụ dỗ trẻ con đốt tiền điện thoại của cha mẹ qua các tổng đài…, là mặt trái của truyền hình cáp, kỹ thuật số các loại còn gọi là PayTV (truyền hình trả tiền).
Nhưng tình trạng cho khán giả ăn cơm nguội và các món hổ lốn của PayTV không đáng ngại bằng những món nóng từ vô số những kênh truyền hình nước ngoài phát tại Việt Nam.
Số liệu đưa ra tại hội thảo về PayTV do Bộ Thông tin & Truyền thông chủ trì vừa diễn ra tại Đà Nẵng: Có tới 75 kênh truyền hình nước ngoài phát tại Việt Nam, trong khi chỉ có gần 50 kênh do trong nước sản xuất. Con số mà Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn phải băn khoăn, rằng có lẽ ta là một trong hiếm hoi các nước phát nhiều kênh nước ngoài nhất!
Tuy nhiên, đáng ngại hơn không phải chỉ là số lượng nhiều ít, và chất lượng kỹ thuật của việc phình to, nhồi nhét thêm nhiều kênh để thu tiền vẫn bị khách hàng kêu la, mà là ở nội dung của các chương trình. Nếu như ở các nước, các kênh truyền hình đều phục vụ riêng cho từng đối tượng, lứa tuổi, và có biện pháp ngăn chặn (khóa mã) để hạn chế gây tác hại, thì ở ta hầu như thoải mái gần như phát trực tiếp mà ít qua khâu biên tập chọn lựa, biên dịch, phát chậm…
Dĩ nhiên, hàng loạt những bộ phim bạo lực giết chóc rùng rợn, phim ma, phim tình ái, cả phim về chiến tranh với cách nhìn lệch lạc cũng sẽ thoải mái đến với trên 2,5 triệu thuê bao cả nước, trong đó trẻ em, thanh thiếu nhi chiếm không ít.
Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành. Trong đó quy định các kênh chương trình nước ngoài trên PayTV phải được biên tập, biên dịch, và sẽ có một đơn vị được cấp phép làm việc này.
Đất nước hội nhập, không ai phủ nhận ích lợi lớn lao của các kênh thông tin, phim ảnh, văn hóa nghệ thuật, thể thao, giáo dục khoa học… sản xuất trong nước cũng như du nhập từ nước ngoài qua con đường truyền hình. Nhưng đến lúc cần phải siết lại về chất lượng nội dung, để không chỉ đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách hàng, mà còn để bảo vệ gìn giữ nét đẹp văn hóa, tinh thần của dân tộc.