Thỏa thuận trái luật, chính quyền đánh đố dân

Thỏa thuận trái luật, chính quyền đánh đố dân
TP - Tin chính quyền xã, một hộ dân gia đình liệt sỹ đồng ý đổi đất thổ cư sang đất ao để phục vụ công trình phúc lợi. Tuy nhiên, văn bản thỏa thuận với đầy đủ chữ ký, con dấu đỏ chót đã bị cấp trên tuyên hủy vì phạm luật. Người dân đằng đẵng hành trình “kiện củ khoai”.

> Bồi thường 1m2 đất bằng giá... nắm xôi
> Mỏi mòn chờ giao đất

Mất đất oan vì xã thỏa thuận trái luật

Trong đơn gửi báo Tiền Phong, gia đình ông Nguyễn Chính Điển (ở thôn Dộc, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội, là thương binh, có bố là liệt sỹ) cho biết: Năm 1997, hưởng ứng sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình ông đồng ý đổi 28m2 đất thổ cư lấy 203m2 đất ao để phục vụ công trình giao thông liên thôn. Văn bản thỏa thuận được đầy đủ ban bệ chính quyền xã xác nhận, đóng dấu đỏ.

Đất đã giao nhưng chờ dài cổ không thấy chính quyền đền bù đất, gia đình ông Điển cùng các hộ dân chung cảnh ngộ làm đơn cầu cứu lên huyện. Đến năm 2001, trả lời kiến nghị của các hộ dân, UBND huyện Thanh Oai ban hành văn bản bác bỏ hoàn toàn các thỏa thuận được xác lập giữa UBND xã Bình Minh, Ban Xây dựng đường trục thôn Dộc với các hộ dân. Lý do, huyện kết luận những thỏa thuận đó... trái luật!

Gia đình ông Điển tiếp tục cầu cứu khắp nơi trong nhiều năm. Tháng 10/2012, UBND xã Bình Minh có công văn trả lời anh Nguyễn Chính Tiến (con ruột ông Điển, đã mất năm 2008). Theo đó, chính quyền địa phương tiếp tục căn cứ vào văn bản của UBND huyện Thanh Oai năm 2001, rồi kết luận: “Việc ông Tiến nêu năm 1997 thôn Dộc, xã Bình Minh tổ chức làm đường có lấy 28m2 đất thổ cư và đền bù 203m2 đất ao cho gia đình ông là không có cơ sở”.

“Sẽ rà soát, giải quyết”

Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Oánh (Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh) thừa nhận vụ việc trên là “vấn đề bùng nhùng” của địa phương từ nhiều năm nay, do có sự sai lệch về số liệu từ cấp huyện xuống xã, và việc thỏa thuận của chính quyền trước đó là trái luật.

Để giải quyết rốt ráo, ông Oánh cho biết, chính quyền đang chỉ đạo bộ phận chuyên môn đo đạc lại toàn bộ mốc giới của các hộ dân có liên quan, sau đó đối chiếu với mốc giới trước năm 1985, từ đó mới có căn cứ để giải quyết.

Luật sư Hằng Nga (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, chính quyền xã thỏa thuận đổi đất như trên đúng là trái thẩm quyền. Nhưng, sai thì phải sửa, cấp huyện mới chỉ dừng lại ở việc tuyên bố thỏa thuận cấp xã trái luật, chưa có biện pháp tháo gỡ tích cực; cấp xã thì loay hoay, chậm trễ, gây bức xúc cho dân.

“Chính quyền chính là người đứng ra thương lượng, xác nhận sự thỏa thuận, sao lại không giải quyết quyền lợi chính đáng cho gia đình chúng tôi?” – anh Tiến nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG