Thơ quyện sóng biển Trường Sa

Đoàn Thị Ngọc thể hiện bài thơ “Ai đặt tên cho Trường Sa” trong chương trình văn nghệ trên tàu tối 7/5.
Đoàn Thị Ngọc thể hiện bài thơ “Ai đặt tên cho Trường Sa” trong chương trình văn nghệ trên tàu tối 7/5.
TP - Bên cạnh những món quà vật chất gửi đến quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương cũng có nhiều món quà thú vị về mặt tinh thần…

“Nhà thơ” Trường Sa

Trong Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2015, Đoàn Thị Ngọc, sinh viên năm 3 ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội được nhiều người yêu mến. Đến nay, Ngọc sáng tác gần 150 bài thơ về Trường Sa. Đây cũng là một phần “thành tích” giúp Ngọc có mặt trên tàu 996 đi thăm Trường Sa.

Nói về cái duyên với các chiến sỹ Trường Sa, Ngọc kể, một lần đi học quân sự, được thầy giáo kể chuyện đóng quân ở đảo Song Tử Tây và Sơn Ca, Ngọc rất thích. Nghe chuyện về những khó khăn, thiếu thốn của lính đảo, Ngọc rất thương. Thầy giáo của Ngọc chia sẻ rất muốn tiếp tục ra đảo công tác để sống cùng anh em, đồng đội. Nghe chuyện của thầy, Ngọc tìm hiểu thêm thông tin trên mạng, thấy cảm phục, yêu và quý các chiến sĩ hải quân. Từ đó, Ngọc kết bạn với nhiều lính đảo và giữ liên lạc thường xuyên. 

Thơ quyện sóng biển Trường Sa ảnh 1

Các đại biểu Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2015 trên tàu 996.

“Một câu nói của lính đảo cũng có thể gợi ý về một ý thơ. Có thể là chuyện nhớ nhà, nhớ người yêu, chuyện mong mưa…”. Ngọc thường gọi điện đọc thơ, hát cho bạn bè ngoài đảo nghe. “Đến bây giờ, mình có bạn ở hầu hết các đảo ở Trường Sa, cả đảo nổi, đảo chìm”, Ngọc nói. Cũng vì thế, Ngọc mơ được một lần đặt chân đến với Trường Sa để gặp mặt trực tiếp những người bạn xưa nay vẫn chỉ nói chuyện qua điện thoại, cánh thư.

“Thôi anh ơi, hãy gửi em giọng nói/ Để an tâm anh nơi ấy yên bình/ Mong anh hãy vững vàng tay chắc súng/ Em sẽ chờ, sẽ đợi những mùa sau”. 

Trích bài thơ đầu tay “Gửi cho em” của Đoàn Thị Ngọc viết tháng 11/2013 mượn tâm tình của người vợ có chồng đang công tác ở Trường Sa

Khi nghe thông tin thi tuyển đại biểu thăm Trường Sa trong Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2015, Ngọc liền nộp hồ sơ đăng ký. Bằng những hiểu biết về Trường Sa qua những lần trò chuyện với lính đảo, cộng với những bài thơ xúc động của mình, Ngọc được lựa chọn tham gia hành trình. 

Ngọc mang theo nhiều quà từ đất liền ra thăm các chiến sĩ. Ngọc đã in các tập thơ về Trường Sa của mình làm quà tặng, kèm theo đó là các món quà quê như hạt rau mầm, củ cải khô. “Cả hành trang và quà tặng các chiến sỹ nặng tới hơn 40kg. Em hy vọng những mùa không trồng được rau, các chiến sỹ có thể dùng củ cải khô thay thế”, Ngọc nói.

Ngọc cho biết, sau khi về đất liền, sẽ tiếp tục phát huy khả năng văn chương để lan tỏa thông điệp vì biển, đảo quê hương.

Mang đá từ đỉnh Phanxipang ra Trường Sa

Bạn đồng hành của Hoàng Quốc Bảo – Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai trong những ngày lênh đênh trên biển đến với Trường Sa trong Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2015 là viên đá được lấy từ trên đỉnh Phanxipang - nóc nhà của Đông Dương. “Ngay khi nhận thông tin được đi thăm Trường Sa, mình cùng gần chục người bạn quyết định thực hiện leo Phanxipang để lấy viên đá mang ra Trường Sa”, anh Bảo chia sẻ.

Thơ quyện sóng biển Trường Sa ảnh 2 Anh Hoàng Quốc Bảo - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai và viên đá lấy từ đỉnh Phanxipang ra tặng Trường Sa.
Phải mất 2 ngày một đêm, anh Bảo cùng bạn bè mới hoàn thành hành trình lấy đá trên đỉnh Phanxipang. Trước khi lên đường, viên đá được chế tác, gắn chữ và độ cao 3.143 mét cùng ngôi sao vàng ở giữa. 

“Đỉnh Phanxipang là nóc nhà của Đông Dương, những viên đá ở đây tượng trưng cho sự rắn rỏi, kiên trung, mình muốn truyền tải thông điệp này đến với các chiến sĩ Trường Sa, ngày đêm vững tay súng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Hy vọng, điều này sẽ tạo được sự kết nối, để hai đầu đất nước cùng cố gắng, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”, anh Bảo chia sẻ.

Theo kế hoạch, viên đá lấy từ đỉnh Phanxipang sẽ theo Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2015 chuyển tới đảo Trường Sa – trái tim của huyện đảo Trường Sa. Anh Bảo mong muốn sẽ kết nối với các chiến sĩ ở đây, mang được kỷ vật từ Trường Sa về làm tư liệu phục vụ hoạt động giáo dục tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên Lào Cai…

Nhiều hoạt động phong phú trên tàu 996

Với nòng cốt là các đại biểu thanh niên, sinh viên Việt Nam cùng đội văn nghệ xung kích tỉnh Bình Dương, Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2015 có nhiều hoạt động sôi nổi, thú vị. Hầu hết các buổi tối, Ban tổ chức hành trình đều tổ chức các chương trình văn nghệ trên boong tàu. Các ca khúc chủ yếu về chủ đề biển, đảo, chiến sỹ hải quân, tình yêu quê hương, đất nước. Tối 7/5, kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam, Hành trình tổ chức 996’s Got Talent, biểu diễn nhiều tiết mục hài hước, hấp dẫn của các trung đội trên tàu. Ngoài ra, trong suốt hành trình, Ban tổ chức cũng phát động các cuộc thi sáng tác thơ văn, ca khúc, ảnh và bình chọn “Bản lĩnh người trẻ tàu 996”.


MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.