Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với những vấn đề an ninh mới sau vụ đánh bom xe ở thủ đô Ankara hôm 18/2. Hàng loạt bất ổn bùng phát thời gian gần đây làm bật lên những thách thức nghiêm trọng mà quốc gia này phải đương đầu, theo CNBC.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lãnh đạo, hiện không thể tập trung vào nhiệm vụ cải cách kinh tế, phải đau đầu tìm cách giải quyết xung đột với lực lượng dân quân người Kurd, chật vật đối phó sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS) và gặp bế tắc trong xử lý khủng hoảng di cư. Tất cả bắt nguồn từ cuộc chiến tranh ở quốc gia láng giềng Syria. Giới chuyên gia nhận định Thổ Nhĩ Kỳ dường như ngày càng lún sâu vào mớ hỗn độn này và chưa có dấu hiệu tìm thấy lối thoát.
Quá nhiều kẻ thù
Ankara phải chiến đấu với rất nhiều thế lực thù địch ở cả trong và ngoài nước. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia được cho là có lực lượng quân đội lớn thứ 10 thế giới, hiện không chỉ tham gia cuộc chiến chống IS mà còn xảy ra giao tranh với Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) ở miền bắc Syria và đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại Iraq.
Hàng loạt các cuộc tấn công và xung đột bạo lực giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK đã bùng lên mạnh mẽ sau khi bản thỏa thuận ngừng bắn của Ankara với lực lượng này đổ vỡ hồi tháng 7 năm ngoái. PKK nổi dậy đòi độc lập cho người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984 và bị Ankara cùng đồng minh phương Tây liệt vào danh sách khủng bố.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại cáo buộc nhóm dân quân YPG mới là những người đứng sau vụ tấn công bằng bom xe ở thủ đô ba ngày trước. Ankara cũng coi YPG là khủng bố và thúc giục đồng minh làm như mình. Song, yêu cầu này khó có thể được đáp ứng bởi YPG đang là lực lượng hỗ trợ Mỹ chiến đấu chống IS ở Syria.
Giới quan sát nghi ngờ lời kêu gọi triển khai chiến dịch trên bộ nhằm kết thúc chiến tranh ở Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra hồi đầu tuần thực chất chỉ hướng tới mục tiêu xóa sổ các mối đe dọa từ YPG.
Trong khi đó, IS những tháng gần đây liên tục thực hiện các cuộc tấn công trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Điển hình là vụ đánh bom tự sát ở Ankara tháng 10 năm ngoái khiến 100 người thiệt mạng và vụ tấn công ở Istanbul hồi tháng trước đã cướp đi sinh mạng của 10 du khách nước ngoài.
Nỗ lực dập tắt những mối hiểm họa từ người Kurd sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị cô lập với các láng giềng nhưng họ "không quan tâm", Wolfango Piccoli, đồng chủ tịch công ty phân tích rủi ro chính trị Teneo, nhận xét. Ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ luôn đặt ở việc đánh bại dân quân người Kurd, lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và ngăn chặn sự mở rộng của khu tự trị người Kurd ở phía bắc Syria.
Nói một cách khác, mối lo lắng về việc bị quốc tế xa lánh "không nằm trong suy nghĩ" của Thổ Nhĩ Kỳ, Piccoli nhấn mạnh.
Căng thẳng với Nga
Sau vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ tháng 11 năm ngoái bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 Nga gần biên giới Syria, mối quan hệ giữa Moscow và Ankara luôn ở trong tình trạng căng thẳng.
Theo AFP, dù những đối đầu giữa Moscow và Ankara hiện chỉ dừng ở các cuộc khẩu chiến nhưng một số nhà phân tích cảnh báo tình hình có thể leo thang thành đụng độ thực sự.
"Chúng ta đang ở ngay trước thềm một cuộc đối đầu như vậy. Không phải bởi có bên đang lên kế hoạch tấn công, mà bởi khi có quá nhiều binh lính, vũ khí cùng những lợi ích chồng chéo thì nguy cơ xung đột rất dễ xảy ra", chuyên gia Alexander Konovalov tại Viện Phân tích Chiến lược Moscow cho hay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, ví dụ như cấm nhập khẩu một số mặt hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ, cấm các doanh nghiệp Nga thuê mới lao động Thổ Nhĩ Kỳ, dừng một số chuyến bay thuê giữa hai nước, yêu cầu công ty lữ hành Nga hạn chế bán các gói du lịch Thổ Nhĩ Kỳ... Theo ước tính, lệnh trừng phạt từ Moscow sẽ khiến Ankara thiệt hại khoảng 12 tỷ USD mỗi năm.
Theo Anthony Skinner, giám đốc công ty tư vấn Verisk Maplecroft, ông Putin và ông Erdorgan đều chưa sẵn sàng làm tan băng quan hệ . "Nga đang gây sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Syria", ông nói.
Kinh tế bất ổn
Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu dự báo các lệnh trừng phạt từ Nga sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sụt giảm 0,4%. Bên cạnh đó, Ankara cũng phải bỏ ra số tiền không nhỏ để tiếp nhận và xử lý những vấn đề phát sinh từ dòng người tị nạn khổng lồ Syria đổ sang.
Dự báo tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ giảm lần lượt 3% và 4% trong các năm 2015 và 2016. Các nhà phân tích cảnh báo con số vẫn có thể thay đổi bởi Thổ Nhĩ Kỳ đang tồn tại quá nhiều vấn đề tiềm tàng lớn cần giải quyết.
"Thiệt hại kinh tế từ sự sụt giảm khách du lịch cũng như những hạn chế trong trao đổi thương mại với Nga đã quá rõ. Dù vậy, chúng vẫn có thể được bù đắp vì giá dầu hiện nay khá rẻ", Piccoli nói. "Nhưng quan trọng hơn cả, chính quyền đang bị xao lãng khỏi nhiệm vụ khôi phục kinh tế. PKK, Syria, khủng hoảng di cư, Nga, những vấn đề ấy khiến họ không còn thời gian, sức lực cũng như sự quan tâm dành cho việc thúc đẩy cải cách nhằm khôi phục bộ máy kinh tế", ông nhấn mạnh. "Tất cả các thách thức này đang lớn dần lên".