Thịt thối hoành hành

Thịt thối hoành hành
TP - Sau khi lọt qua trạm kiểm dịch động vật, thịt thối được chuyển đến các cơ sở giết mổ, chế biến để phù phép thành thịt tươi rồi đưa đến các quán ăn, nhà hàng…tiêu thụ.

>Phát hiện thêm 7,4 tấn nội tạng, chân lợn, trâu, bò thối
>Đình chỉ công tác bốn cán bộ vụ cướp thịt thối tiêu hủy

Do luật còn nhiều kẽ hở, xử lý không nghiêm nên sau khi lọt qua trạm kiểm dịch động vật, những người vận chuyển thịt thối lại đưa đến các cơ sở giết mổ, chế biến để phù phép thành thịt tươi và đưa đến các quán ăn, nhà hàng…tiêu thụ.

Ba tháng bắt gần 100 vụ vận chuyển thịt bẩn

Theo thống kê của Chi cục Thú y TPHCM, chỉ trong 3 tháng đầu năm, các trạm thú y và kiểm dịch động vật đã bắt giữ gần 100 vụ vận chuyển thịt bẩn từ các tỉnh vào thành phố với số lượng gần 20 tấn. Tuy nhiên, một cán bộ ở Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức cho biết, số vụ vận chuyển thịt bẩn lén lút vào thành phố còn cao hơn nhiều. Theo báo cáo của Chi cục Thú y chỉ trong hai tuần đầu tháng 4, nơi đây đã tiêu hủy hơn 1,5 tấn sản phẩm động vật các loại, chủ yếu là thịt thối từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh phía Bắc, miền Trung đổ về. “Tình trạng thịt không giấy kiểm dịch, vận chuyển không đảm bảo, bốc mùi hôi thối, thậm chí có dòi… được phát hiện thường xuyên”- bà Đặng Thị Tuyết- Trưởng trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức cho biết.

Mới đây, lực lượng chức năng phát hiện xe khách chạy tuyến Thái Bình- Sài Gòn mang biển kiểm soát 17K-3529 vận chuyển 10 thùng xốp đựng 61 con heo làm sẵn và 90 kg thịt heo nái thui không giấy chứng nhận kiểm dịch, không dấu kiểm soát giết mổ. Số heo trên do vận chuyển quá lâu trên xe và bỏ trong thùng xốp dán băng keo sơ sài nên gặp nắng nóng đã bốc mùi hôi thối. Tuy nhiên, tài xế khai nhận nó được đưa vào Bến xe miền Đông để giao cho một cơ sở chế biến heo quay và làm giả heo rừng.

Trước đó, Trạm thú y quận 12 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường và Công an phường Trung Mỹ Tây khi kiểm tra ở số 4B tổ 13 của phường phát hiện hơn 600 kg lòng heo không có giấy chứng nhận kiểm dịch, đã bị ươn thối. Số lòng heo này được cho là sẽ đưa đi bỏ mối ở các quán cháo lòng, cơm bụi và quán nhậu bình dân. Đại diện Trạm thú y huyện Bình Chánh, nơi từng phát hiện ra thịt heo thối được ngâm hóa chất sunfua dioxit để tẩy trắng và chế thành thịt đà điểu cho biết, hầu hết thịt thối giá rẻ được các cơ sở mua về từ các tỉnh, sau đó “lên đời” bằng hóa chất tẩy trắng để bán ra thị trường.

Tình trạng thịt bẩn cũng xuất hiện nhiều tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, nơi các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho công nhân, lao động nghèo rất lớn. Theo ông Tạ Trọng Khang- Phó Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương thì việc phát hiện hơn 7 tấn thịt thối vừa qua tại tỉnh này cũng cho thấy thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt bẩn rất lớn. “Chắc chắn những sản phẩm thịt nội tạng thối này sẽ được các thương lái đem đi bỏ mối cho các cơ sở chế biến, quán ăn đường phố và nhà hàng, xí nghiệp…” - ông Khang cho biết.

Không mạnh tay dân còn ăn thịt bẩn

LS Trần Xuân Thiện- Giám đốc Công ty Luật Rạng Đông (TPHCM) cho biết, người tiêu dùng bị thực phẩm bẩn bủa vây là do luật còn nhiều kẻ hở, trong khi cơ quan quản lý lại chưa đủ mạnh để xử những trường hợp kinh doanh thực phẩm bẩn này. “Với việc phạt hành chính vài ba triệu đồng khi phát hiện thịt thối hoặc tiêu hủy không đủ sức răn đe những người làm ăn mất đạo đức” - LS Thiện nói. Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa- Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, trên địa bàn TPHCM có khoảng 4.000 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn nên không kiểm soát được thực phẩm bẩn, trong đó có thịt thối, nguy cơ thịt bẩn “dính vào” các cơ sở cung cấp thức ăn này rất cao. Ông Phan Xuân Thảo- Chi cục trưởng Chi cục thú y TPHCM cho rằng việc ngăn chặn thịt thối, gia cầm lậu là không xuể, những vụ bắt được chỉ là phần nổi bởi lượng thực phẩm bẩn qua các ngõ ngách rất khó kiểm soát.

Về vụ bắt giữ hơn 7 tấn thịt thối tại Bình Dương, ngày 20-4 trao đổi với Tiền Phong ông Tạ Trọng Khang, Phó chi Cục trưởng Chi cục Thú y Bình Dương cho biết, đến nay chủ doanh nghiệp này đã đứng ra nhận trách nhiệm với số lượng hơn 5 tấn. “Sáng nay, chúng tôi đã họp thống nhất cho tiêu hủy do việc vận chuyển từ nơi khác đến không có giấy phép của cơ quan chức năng là sai phạm” - ông Khang nói.

Ông Khang cho biết, sau khi tiêu hủy sẽ xử phạt chủ cơ sở này với hành vi che giấu với mức cao nhất là 40 triệu đồng. “Chúng tôi sẽ làm việc với các đơn vị thú y huyện thị để tăng cường công tác kiểm tra các kho lạnh, nhất là các địa bàn Thuận An và Dĩ An. Tất cả đã được chúng tôi kiểm định và cấp giấy kiểm dịch thường xuyên khi đưa hàng vào nhập kho cũng như khi đưa hàng ra tiêu thụ.”- ông Khang nói. Trong tháng 5 này, Chi Cục thú y sẽ phối hợp cùng với quản lý thị trường, công an tiến hành kiểm tra toàn bộ kho lạnh trên địa bàn Bình Dương.

Thịt thối bị cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương bắt giữ và đưa đi tiêu hủy hôm qua 20-4 Ảnh: S.Nguyễn
Thịt thối bị cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương bắt giữ và đưa đi tiêu hủy hôm qua 20-4 Ảnh: S.Nguyễn.

Đình chỉ công tác 4 cán bộ quản lý thị trường

Liên quan đến các vụ vận chuyển thịt bẩn, ngày 20-4, ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết, đã yêu cầu ông Vũ Minh Thịnh nhân viên trạm thú y TP Biên Hòa viết tường trình và kiểm điểm trách nhiệm do không hoàn thành trách nhiệm trong việc tham gia tổ công tác tiêu hủy 2,2 tấn chân trâu bò thối. Cũng trong vụ việc này, Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai cũng đã đình chỉ công tác 4 cán bộ tổ kiểm tra thị trường số 1 (thuộc Đội quản lý thị trường cơ động) để giải trình, kiểm điểm trách nhiệm.

Ngày 14-4, đội quản lý thị trường cơ động tỉnh Đồng Nai phối hợp với lực lượng CSGT đã phát hiện xe tải BKS 15C - 03126, do Nguyễn Văn Hoàn điều khiển trên QL1A, đoạn qua phường Long Bình TP Biên Hòa đang chở 2,2 tấn chân trâu, bò đang trong gian đoạn phân hủy, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc cũng như kiểm dịch. Sau khi xác minh làm rõ, số chân trâu bò thối này được đưa đi tiêu hủy. Tuy nhiên, sau khi xử lý sơ sài bằng cách đổ 5 lít xăng lên đốt, lực lượng thực hiện tiêu hủy đã quay về. Sau đó, số chân trâu bò thối này đã được bốc lên vận chuyển về huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương).

Đây không phải lần đầu tiên, thịt thối được phát hiện trên địa bàn Đồng Nai. Trước đó, nhiều vụ vận chuyển heo chết, heo bệnh, nội tạng động vật không đảm bảo điều kiện vệ sinh được các lực lượng chức năng phát hiện. Giải thích về vấn đề này, ông Hoàng Sơn Hải cho biết, Đồng Nai có trên 1.200 trang trại, cơ sở chăn nuôi heo, khá nhiều lượng heo bệnh, chết sẽ được đưa ra tiêu thụ và được giết mổ từ các lò mổ chui. Lực lượng thú y chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn chứ không thể kiểm tra lò mổ được. Ông Hải cho rằng, chỉ cần các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn thịt tiêu thụ tại các chợ thì lò mổ chui không thể hoạt động.

Tiêu hủy 2 lô hàng thịt thối

Sáng 20-4, đoàn công tác liên ngành Bình Dương đã tiến hành cân kiểm tra và buộc tiêu hủy 2 lô hàng thịt thối. Ông Hương, người quản lý cơ sở chế biến này cho biết, trong khoảng 8,4 tấn thịt thối thì có gần 5 tấn nội tạng là của ông thu mua ở TP HCM. Sau khi sơ chế, số nội tạng này được đóng gói và bỏ vào tủ đông để xuất đi khu vực Hà Nội, Lạng Sơn. Còn đối với 3,4 tấn chân trâu, bò thối là của người khác gởi và được vận chuyển từ ngoài Bắc vào để làm thức ăn chăn nuôi. Chiều 20-4, đoàn công tác liên ngành cũng đã mở kho lạnh và giám sát việc vận chuyển số thịt thối đi tiêu hủy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG