Nguy hiểm, âm thầm “giết người không dao” như vậy, ấy thế mà lò mổ Xuyên Á lớn nhất TPHCM, nơi cung cấp 50% lượng thịt lợn cho thành phố 10 triệu dân, lại bơm thuốc an thần cho lợn trước khi giết mổ. Mỗi đêm, trung bình lò mổ này giết mổ 5.000 con, vào đêm 28/9 vừa qua lực lượng cảnh sát môi trường của Bộ Công an sau cả tháng trời mật phục đã bắt quả tang gần 4.000 con lợn bị tiêm thuốc đang ngủ li bì chờ “hóa kiếp”. Một câu hỏi giật mình đặt ra, lò mổ này đã tiêm thuốc an thần vào lợn từ bao giờ? Có bao nhiêu người dân TPHCM đã xơi phải loại thịt lợn độc hại này, trong bao lâu? Thiệt hại về sức khỏe ai đền bù, ai chịu trách nhiệm?
Mức độ vi phạm nghiêm trọng như vậy, tiêm hóa chất độc hại vào một nửa số lượng thịt lợn tiêu thụ của cả thành phố 10 triệu dân, đầu độc người tiêu dùng dã man là thế, nhưng mức phạt chỉ nhẹ như lông hồng: 30-35 triệu đồng mỗi trường hợp, lại còn “ưu ái” cho nuôi nhốt gần 4.000 con lợn đang ngủ li bì để chờ thải thuốc. Nhẹ tới mức, Trưởng Ban quản lý ATTP Phạm Khánh Phong Lan ví như “gãi ngứa”, “không bõ công cảnh sát mật phục cả tháng trời”! Trước kiến nghị quyết liệt của bà tân trưởng Ban, hôm qua UBND TPHCM đã đồng ý tiêu hủy toàn bộ số lợn nói trên.
Đáng chú ý, TPHCM là tỉnh thành đầu tiên trên cả nước hợp nhất chức năng của 3 sở, theo luật ATTP, vào một Ban quản lý ATTP duy nhất từ mấy tháng nay để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” như thực tế bấy lâu nay. Thế nhưng, qua sự việc nêu trên, vẫn thấy một “lỗ hổng” to tướng chưa được lấp, đó là việc quản lý giết mổ vẫn thuộc Sở NN&PTNT (Chi cục Thú y), 17 cán bộ thú y liên quan đang phải giải trình về vụ việc. Chẳng lẽ, có tới 4.000 con lợn bị tiêm thuốc mà lực lượng thú y không hề hay biết, họ bị “bịt mắt” bằng cách nào vậy?
Chỉ tính riêng miếng thịt lợn, đã hứng chịu đủ loại hóa chất do những kẻ kinh doanh bất lương đưa vào. Từ thuốc tăng trọng tới chất tạo nạc, kháng sinh…, nay lại tới thuốc an thần. Nỗi bất an, nguy cơ bị đầu độc từ chính mâm cơm mỗi gia đình thật ám ảnh. Nếu không trừng trị nghiêm tới mức những kẻ bất lương không dám hoặc không còn cơ hội tái phạm về ATTP, nếu không truy trách nhiệm đến cùng các cán bộ thú y liên quan vụ việc chấn động này, vấn nạn ATTP tại thành phố 10 triệu dân nói riêng và cả nước nói chung vẫn nhức nhối khôn nguôi.
Thịt lợn gây… trầm cảm, chuyện tưởng như đùa mà có thật. Có bao nhiêu cán bộ làm công tác ATTP đang làm ngơ, đang “trầm cảm” trước vấn nạn nhức nhối này ?