Thiếu việc làm cuối năm: Dùng dằng kẻ ở, người về...

0:00 / 0:00
0:00
TP - Công ty giải thể, mất việc… cả nghìn công nhân tại nhiều tỉnh thành phía Nam bỗng dưng trở thành kẻ “ăn không ngồi rồi” ngay thời điểm cuối năm. Nhiều người quyết định về quê sớm, nhưng cũng có không ít người ở lại để tìm kế mưu sinh.

Khó, khổ vẫn phải gắng

Một ngày giữa tháng 12, chúng tôi đến khu xóm trọ công nhân trên đường An Dương Vương (phường 16, quận 8, TPHCM). Nơi đây có gần 50 phòng trọ, là nơi ở của người lao động (NLĐ) các Công ty Tỷ Hùng, Nhựa Chợ Lớn… Khác với không khí náo nhiệt mỗi buổi chiều khi công nhân tan ca trở về, thay vào đó là những phòng trọ khóa cửa lặng thinh. “Công ty Tỷ Hùng đóng cửa ngưng sản xuất, cả nghìn người mất việc nên đa số đã trả phòng trọ về quê” - chị Lê Thị Quyên (40 tuổi, quê Sóc Trăng), công nhân Công ty Nhựa Chợ Lớn nói với giọng buồn tênh.

Thiếu việc làm cuối năm: Dùng dằng kẻ ở, người về... ảnh 1

Với việc làm ít, công nhân ngành gỗ ở Đồng Nai chỉ mong doanh nghiệp duy trì được sản xuất. Ảnh: M.T

Khi hỏi chuyện có về quê ăn Tết không, chị Quyên rơm rớm nước mắt nói, muốn về nhưng không có tiền. Theo lời chị Quyên, Công ty Nhựa Chợ Lớn giờ làm chỉ còn 4 ngày/tuần. Thiếu đơn hàng, việc ít, lương công nhân chỉ còn 4 triệu đồng/tháng, chia làm hai đợt lĩnh. Với đồng lương ít ỏi đó, chị Quyên gửi hết về quê nuôi hai con ăn học. “20 năm làm công nhân, chưa bao giờ tôi thấy khó khăn như lúc này. Năm nay khó khăn quá, muốn về quê cũng không có khả năng” - chị Quyên bộc bạch.

Những ngày qua, trên các trục đường chính ở Bình Dương như quốc lộ 13, ĐT 743…, do có công ty, xí nghiệp thiếu đơn hàng, công nhân nghỉ việc tràn ra đường đón xe về quê.

Mang theo chiếc vali nhỏ gọn đứng đợi xe khách ở ngã tư cầu Ông Bố (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), anh Nguyễn Thái Bình (30 tuổi, quê An Giang) có hơn 5 năm làm công nhân may cho biết: “Hơn một tháng qua, công ty hoạt động cầm chừng, công nhân làm 4 ngày/tuần, không tăng ca. Trước đây lương hơn 7 triệu đồng/tháng nhưng nay còn 2,5 triệu đồng/tháng. Nghe công ty thông báo cho nghỉ Tết sớm, tôi cũng chạnh lòng, nhưng thôi cứ về quê rồi sang năm tính tiếp” - anh Bình nói.

Nhận thông báo kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài đến 58 ngày (từ 12/12/2022 - 7/2/2023), anh Nguyễn Việt Trường (quê Hà Tĩnh) làm việc tại Công ty gỗ Thống Nhất Việt Nam (Bình Dương) nói rằng, hơn 8 năm gắn bó, đây là kỳ nghỉ Tết dài nhất. “Hơn 500 công nhân ở đây phần lớn đã về quê. Những người ở các tỉnh miền Tây họ đều tự chạy xe máy về. Quê tôi xa nên đang chờ đồng hương về chung”,anh Trường cho biết.

Tại Đồng Nai, nhiều công nhân cũng chung hoàn cảnh. Chị Lê Thị Mai (công nhân ở KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa) cho biết, hơn 2 tháng nay công ty chỉ làm việc 5 ngày/tuần. Việc làm ít, thu nhập giảm. Trong khi vẫn phải lo nhiều khoản chi như tiền nhà trọ, tiền học cho con nên cuộc sống của nhiều gia đình công nhân như gia đình chị Mai cũng chật vật hơn. “Hai năm qua gia đình không về quê ở Nghệ An do dịch bệnh, năm nay chắc cũng khó về. Chồng tôi cũng đang thất nghiệp. Chúng tôi mong doanh nghiệp (DN) và địa phương có chính sách hỗ trợ, nhất là dịp Tết sắp tới để người lao động bớt vất vả”,chị Mai bày tỏ.

Anh Nguyễn Hữu Yên (quê Thanh Hóa) cho hay, làm việc tại Công ty TNHH May mặc Minh Giang (TP Biên Hòa) được hơn một năm. Tháng 8/2022, công ty thông báo không có đơn hàng nên nợ lương công nhân. Bất ngờ ngày 6/12, chủ doanh nghiệp này mất liên lạc để lại nhiều khoản nợ, trong đó cả khoản nợ lương công nhân lên đến hàng trăm triệu đồng. “Nguy cơ năm nay chúng tôi sẽ mất Tết, nhiều người dự định lãnh hết lương cộng thêm tiền thưởng Tết sẽ về quê nhưng giờ gần như hết hy vọng”, anh Yên nói.

Kịp thời chia sẻ khó khăn

Tại tỉnh Bình Dương, công nhân Công ty High Point Furniture Global được nghỉ Tết đến hơn 2 tháng dưới hình thức tạm hoãn hợp đồng lao động thời gian từ 1/12/2022 đến 10/2/2023. Bà Phan Thị Quý, Chủ tịch công đoàn công ty cho biết, nếu duy trì công việc đến hết tháng 12, công nhân sẽ nghỉ luân phiên, tuần làm 2-3 ngày và thu nhập sẽ rất thấp, không đủ trả tiền nhà trọ, ăn uống. Vì vậy, ban giám đốc quyết định cho người lao động nghỉ Tết sớm để họ tiết kiệm chi phí hoặc tìm việc làm thời vụ.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan cho biết, dự kiến có khoảng 300 tỷ đồng chăm lo Tết cho NLĐ dịp này. Ngoài ra tỉnh còn tổ chức Chợ 0 đồng, Chợ tết Công đoàn năm 2023 để cung cấp các mặt hàng thiết yếu giá ưu đãi cho công nhân; Công đoàn sẽ tặng vé tàu, xe cho gần 8.000 công nhân xa quê có điều kiện về quê đón tết...

Theo ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM, về lâu dài, không thể để tình trạng thâm dụng lao động, gia công giá rẻ kéo dài. Cần có kỹ năng nghề quốc gia theo hướng tiệm cận với trình độ kỹ năng khu vực và thế giới; tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại trình độ tay nghề cho người lao động…

“Cách thức chăm lo Tết năm nay sẽ không đơn thuần là hỗ trợ có tính chất thời điểm mà cần có một số giải pháp mang tính đồng bộ, có sự phối hợp liên ngành. Theo đó, có thể hỗ trợ tín dụng ngắn hạn cho NLĐ, tăng cường thêm hoạt động kết nối việc làm hay tiến hành đào tạo lại cho NLĐ trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, các cấp quản lý cũng phải tính toán, cân nhắc về một chính sách dự phòng bên cạnh chế độ phúc lợi đang có”, ông Trung nói.

Chủ trọ giảm tiền thuê phòng

Biết người lao động gặp khó khăn, nhiều chủ nhà trọ đã chủ động giảm tiền thuê phòng trọ. Đơn cử như bà Lê Thị Nguyệt (chủ nhà trọ ở thị xã Bến Cát, Bình Dương) đã giảm 500.000 đồng/tháng cho những người còn ở lại. Bà Nguyệt còn chuẩn bị quà Tết tặng cho những người thuê trọ năm nay không về quê ăn Tết.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.