Thiếu phù sa sẽ 'giết chết' ĐBSCL

Đồng ruộng khô cằn vì hạn và mặn ở Bến Tre. Ảnh: Hòa Hội.
Đồng ruộng khô cằn vì hạn và mặn ở Bến Tre. Ảnh: Hòa Hội.
TP - Thiên tai hạn-mặn đang gây thiệt hại lớn nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn là nguy cơ “giết chết” ĐBSCL.

Ngày 1/4, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu -Trường ĐH Cần Thơ tổ chức tọa đàm “Vấn đề hạn-mặn ở ĐBSCL năm 2016: Hiện trạng - tác động - giải pháp”. Các ý kiến đánh giá, thiên tai hạn-mặn đang gây thiệt hại lớn nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn là nguy cơ “giết chết” ĐBSCL.

Thiếu nước

TS Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, cho biết theo số liệu quan trắc, ĐBSCL từng có năm nhận lưu lượng nước sông Mê Kông 1.500 m3/s, nhưng mặn chỉ xâm nhập 60-65 km. Còn năm nay, lưu lượng nước 2.600 m3/s, mặn xâm nhập tới 70-80 km. Ông Tuấn giải thích, do ĐBSCL làm lúa quá nhiều, khoảng 70% lượng nước sông Mê Kông được sử dụng cho nông nghiệp, trong đó 80% sử dụng cho lúa. Vì thế, lượng nước ngọt ở các cửa sông còn ít, không đẩy được nước mặn, để nước mặn vào sâu.

Chuyên gia độc lập về nghiên cứu sinh học ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện phân tích, ĐBSCL có ba “túi nước điều hòa” là Biển Hồ ở Campuchia, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Biển Hồ mùa khô rộng 300.000 ha nhưng mùa lũ tới 1.500.000 ha; còn Đồng Tháp Mười rộng 700.000 ha, Tứ giác Long Xuyên rộng 590.000 ha. Những khu vực này mùa lũ chứa nước sâu 3-4 mét, sau đó từ từ nhả ra đẩy nước mặn vào mùa khô.

Năm nay, Biển Hồ từ khả năng đóng góp 30% lượng nước về hạ lưu lúc bình thường, thì nay “khô cạn, không đóng góp được gì”. Còn vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên hầu hết đã được đắp đê bao khép kín làm lúa vụ 3. Chỉ riêng vùng Tứ giác Long Xuyên đã có 1.100 km2 diện tích đê bao khép kín, làm giảm lượng trữ lũ từ 9,2 tỷ m3 xuống còn một nửa. Vùng Tứ giác Long Xuyên còn được đào nhiều kênh đẩy lũ thoát nhanh ra biển, nên hết mùa lũ là hết nước. Năm 2015, lũ quá nhỏ nên càng kiệt nước vào đầu mùa khô.

Hiện đã có 9 tỉnh công bố thiên tai hạn và mặn, chỉ còn thành phố Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp là chưa. Ông Tuấn phân tích, nước mặn đã tràn vào 50% diện tích ĐBSCL, để đẩy nước mặn ra có hiệu quả thì phải giảm xuống còn 25%, cần lưu lượng nước sông Mê Kông khoảng 10.000 m3/s. “Với lưu lượng được Trung Quốc và Lào công bố xả đập thủy điện chừng 2.000 m3/s, nếu trên đường đi không bị các vùng hạn bên cạnh lấy, rồi đây nếu về tới ĐBSCL cũng không có tác dụng gì nhiều”, ông Tuấn nói.

Thiếu phù sa

Sự thiếu nước ở sông Mê Kông năm nay căng thẳng thêm bởi các đập thủy điện. Theo ông Thiện, mùa mưa vì hiện tượng El Nino nên lượng mưa ít lại bị các đập thủy điện ở Trung Quốc tích nước, khiến nước lũ vào Biển Hồ không đáng kể, không có khả năng điều tiết mùa khô. Tuy nhiên, phần lưu vực sông Mê Kông nằm ở Trung Quốc chỉ chiếm 16% lượng nước của con sông vào mùa mưa và 30% vào mùa khô nên ảnh hưởng tới lượng nước hạ lưu chưa quá nghiêm trọng.

“Điều đáng lo ngại là trong tương lai, 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông ở lãnh thổ Lào và Campuchia được xây dựng”, ông Thiện nói. Khi đó, gần 100% nước sông Mê Kông sẽ bị các đập thủy điện điều khiển theo lợi ích của các doanh nghiệp. Nguy cơ lớn hơn là mất phù sa nuôi dưỡng ĐBSCL.

Ông Thiện nhấn mạnh: “Tác động lớn của các đập thủy điện Trung Quốc đến ĐBSCL không phải là về lượng nước mà là việc làm giảm 50% lượng phù sa về ĐBSCL”. Sau này, nếu 11 đập thủy điện ở các quốc gia phía dưới cũng hoàn thành thì ĐBSCL không còn phù sa. Theo ông, ĐBSCL hình thành bởi phù sa sông Mê Kông, suốt 6.000 năm đẩy áp lực nước biển để lấn ra biển 250 km, khi không còn phù sa thì sẽ diễn ra chiều ngược lại, xói lở mất đồng bằng.

Theo TS Dương Văn Ni, chuyên gia đa dạng sinh học ở Trường ĐH Cần Thơ, trong ba thiên tai: nước ngọt ít, nước biển dâng và thiếu phù sa thì thiếu phù sa là nghiêm trọng nhất. Bởi khi các đập thủy điện giữ lại 70-90% phù sa, vùng ĐBSCL sẽ bị lún xuống và xói lở. Đây lại là loại thiên tai mà người ĐBSCL chưa hề có kinh nghiệm đối phó.

Ông Ni phân tích, ĐBSCL là một phần trong cơ thể toàn bộ lưu vực sông Mê Kông, cả vùng ven biển. Khi đối xử thô bạo với lưu vực thượng nguồn bằng các đập thủy điện chắn ngang dòng chính đã đe dọa nghiêm trọng ĐBSCL. Nhưng nếu đắp đê biển và làm cống ở các cửa sông “chia rẽ vùng đất liền với vùng ven biển nữa thì sẽ giết chết ĐBSCL”, ông Ni khẳng định.

Nước từ thượng nguồn Mê Kông đã về Việt Nam

Theo ông Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ, ngày 29/3, lưu lượng nước tại Tân Châu vào khoảng 2.300 m3/s, sau đó đã tăng lên, đến ngày 31/3, mực nước ở Tân Châu là 1,01 mét với lưu lượng dòng chảy là 3.150m3/s. Tuy nhiên, mực nước này vẫn thấp hơn cùng kỳ 20%. Tại trạm Châu Đốc, mực nước hiện tại là 1,18m, lưu lượng chảy 609m3/s, cao hơn cùng kỳ 2%.

Theo dự báo, dòng chảy tại các trạm trên dòng chính sông Mê Kông đang tăng chậm, khoảng 3-4 ngày nữa (khoảng 4-5/4) lưu lượng tại Tân Châu và Châu Đốc có khả năng đạt mức cao nhất với lưu lượng trung bình ngày tại Tân Châu khoảng 3.200-3.500m3/s, Châu Đốc khoảng 600-750m3/s. Ông Nguyễn Minh Giám khuyến cáo, khả năng mực nước chỉ lên cao trong tháng 4. Cuối tháng 4 có thể mực nước sẽ giảm xuống rất nhanh. Vì vậy bà con cần chú ý khi lên lịch sản xuất.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của El Nino nên mùa mưa năm nay đến muộn. Dự báo đầu tháng 6 mới có những đợt mưa đầu tiên.

Nguyễn Hoài

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.