Vướng lao lý vì làm sứt mặt bàn
Ngày 25/8, TAND tỉnh Hà Nam xét xử phúc thẩm Lê Thị Trang (SN 1988, ở TP Phủ Lý, Hà Nam) - người mẹ đơn thân, nuôi con nhỏ 2 tuổi. Trước đó, ngày 23/6, TAND TP Phủ Lý tuyên phạt Trang 12 tháng tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Diễn biến tại tòa cho thấy, tối 3/2, Trang có uống rượu cùng bạn rồi cả nhóm đặt phòng hát tại một quán karaoke. Tới nơi, chủ quán là bà H. nói hết phòng, dẫn tới việc hai bên to tiếng, xô xát.
Được can ngăn, hai bên dừng lại, ngồi xuống bàn uống nước. Lúc này, Trang cầm 1 cốc thủy tinh đập 2 lần vào mặt bàn bằng đá của quán khiến mép bàn bị vỡ 2 vết: Vết nhỏ 1,5cm, vết lớn 7,9cm. Sau đó, những người bạn đi cùng đẩy Trang lên xe taxi, về nhà. Hội đồng định giá (HDĐG) của TP Phủ Lý sau đó định giá mặt chiếc bàn là 2,8 triệu đồng. Trang đã đền bù 6 triệu đồng cho chủ quán đồng thời hai bên cũng thỏa thuận không kiện tụng, tố cáo nhau quanh hành vi cố ý gây thương tích.
Tuy vậy, công an xử lý hành chính cả Trang và 4 người của quán hát vì hành vi đánh nhau. Riêng Trang bị truy tố về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Tòa sơ thẩm đồng ý với tội danh VKSND đưa ra và phân tích bị cáo từng có 1 tiền án, 2 tiền sự về các hành vi liên quan ma túy và xâm phạm sức khỏe người khác, tuyên phạt Trang 12 tháng tù.
Tại tòa 2 phiên sơ – phúc thẩm, người mẹ đơn thân đều thừa nhận có xô xát với chủ quán và đập chiếc cốc xuống mặt bàn như cáo trạng truy tố. Tương tự, video ghi lại sự việc được công bố tại tòa cũng thể hiện, Trang đánh nhau, bị nhiều người ghì xuống đất, đánh đập, kề dao vào cổ… Sau đó, khi tất cả ngồi xuống bàn nói chuyện thì Trang vừa nói vừa cầm cốc đập vào cạnh bàn…
Tạm dừng xét xử
Trước HĐXX phúc thẩm, Trang giữ nguyên kháng cáo, đề nghị hủy bản án sơ thẩm vì cho rằng mình không có tội. Chủ tọa hỏi: “Bây giờ có bán ma túy nữa không?”, câu hỏi này khiến Trang bật khóc vì cho rằng do nhân thân xấu nên cô phải chịu thiệt thòi trong vụ án.
Bào chữa cho Trang, luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, kết luận định giá tài sản của HĐĐG TP Phủ Lý là không chính xác bởi theo cáo trạng, số tiền hơn 2,8 triệu đồng là thiệt hại của cả mặt bàn nhưng thực tế nó chỉ bị bị sứt 2 vết nhỏ. Luật sư đưa ra những hình ảnh mới thu thập thể hiện gia đình bị hại đã dùng keo gắn các miếng vỡ và sử dụng bình thường.
Cũng theo luật sư Thanh, việc định giá không chính xác bởi cơ quan giám định khảo sát theo mét vuông, không theo kích thước của chiếc bàn bị sứt, phiếu khảo sát không có chữ ký của giám đốc đơn vị kinh doanh đá… Đặc biệt, tại tòa, đại diện HĐĐG cho biết, có 1 trong 4 phiếu khảo sát giá được điều tra viên đưa cho, không phải do HĐĐG lập. Tuy nhiên, dựa trên khảo sát của mình, HĐĐG cho rằng phiếu khảo sát của điều tra viên là có căn cứ nên lấy đó làm cơ sở định giá mặt bàn bị sứt.
Tiếp đến, luật sư Thanh đưa ra phiếu kê khai tài sản của bị hại được một thành viên HĐĐG. Tuy nhiên, theo luật sư, chỉ bằng mắt thường cũng thấy đây không phải chữ viết của thành viên HĐĐG trên (so sánh với các văn bản khác trong hồ sơ định giá). Ngoài ra, kết luận định giá được lập vào ngày 17/2 nhưng có căn cứ thể hiện các phiếu khảo sát giá chiếc bàn sứt được lập sau đó…
Với những diễn biến mới tại tòa, HĐXX đã quyết định tạm dừng phiên xử để xem xét lại các tài liệu, chứng cứ. Phiên xử sẽ được mở lại vào ngày 29/8.
Trước HĐXX phúc thẩm, Trang giữ nguyên kháng cáo, đề nghị hủy bản án sơ thẩm vì cho rằng mình không có tội. Chủ tọa hỏi: “Bây giờ có bán ma túy nữa không?”, câu hỏi này khiến Trang bật khóc vì cho rằng do nhân thân xấu nên cô phải chịu thiệt thòi trong vụ án.