Thiếu phòng học, học sinh phải học thứ bảy

Dù Hà Nội hằng năm xây mới hàng chục trường học nhưng sĩ số học sinh bậc tiểu học vẫn chưa đảm bảo
Dù Hà Nội hằng năm xây mới hàng chục trường học nhưng sĩ số học sinh bậc tiểu học vẫn chưa đảm bảo
TP - Do lượng học sinh tăng, số trường lớp tăng không kịp, học sinh nhiều nơi ở Hà Nội, TPHCM vẫn phải học luân phiên, học cả ngày thứ bảy.

Ông Lê Hồng Chung, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, năm học tới, Hà Nội tăng gần 68.000 học sinh ở tất cả các cấp, nâng tổng số học sinh trên toàn thành phố lên gần 2,1 triệu em.

Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Trưởng phòng phụ trách Kế hoạch tài chính - Sở GD&ĐT Hà Nội nói rằng, học sinh tăng đều ở các quận, huyện và con số này không phải đột biến. Những năm trước, Hà Nội trung bình tăng khoảng 50.000 học sinh. Để đáp ứng trường, lớp, phòng học thể chất…, năm nào Hà Nội cũng xây mới, sửa chữa hàng chục trường học.

Tuy nhiên, sĩ số học sinh/lớp ở một số nơi vẫn chưa đảm bảo theo quy định của Bộ GD&ĐT (45 học sinh/lớp đối với THCS; 35 học sinh/lớp đối với tiểu học). Năm học 2020-2021 này, Hà Nội sẽ đưa vào sử dụng 44 trường, gồm 25 trường công lập và 19 trường tư thục. Quá tải lớp học chủ yếu là do tốc độ xây dựng các khu đô thị, nhà cao tầng quá nhanh, nhưng không xây trường học như quy hoạch.

Hà Nội đã có đề án phát triển cơ sở vật chất giai đoạn 2021-2025, trong đó đặt mục tiêu tăng trường, phòng học đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới, đảm bảo sĩ số. “Tuy nhiên, đó mới chỉ là mục tiêu, mong muốn, còn trên thực tế có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư, sự quan tâm của UBND các quận, huyện”, ông Sơn nói.

Năm học 2018-2019, một số trường ở quận Cầu Giấy, quận Thanh Xuân (Hà Nội) có lớp học với sĩ số lên tới 60 học sinh. Ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), nhiều năm nay, học sinh ở các trường tiểu học Chu Văn An, Đại Từ, Đại Kim… vẫn phải học luân phiên, học cả ngày thứ bảy.

Bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai, cho biết, năm học 2020-2021, Hoàng Mai đã đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây mới 15 trường học, trong đó xây mới 6 trường. Vì thế, sức ép về trường lớp giảm so với các năm học trước. Quận đặt chỉ tiêu, học sinh THCS dưới 43 em/lớp; học sinh lớp 1 trung bình 44 em/lớp; trẻ mầm non 31 cháu/lớp. Tuy nhiên, số học sinh tiểu học tăng gần 2.400 em; cấp THCS tăng gần 2.700 em, trong khi năm học tới bắt đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, đảm bảo khối 1 học 2 buổi/ngày, các khối khác cố gắng học 10 buổi/tuần, nên một số trường vẫn thiếu phòng học, học sinh tiếp tục phải học luân phiên.

Quận Thanh Xuân (Hà Nội) vài năm trước có lớp học ở trường Tiểu học Đặng Trần Côn lên tới 65 học sinh. Năm 2019-2020, Thanh Xuân xây mới 5 trường học, sửa chữa nhiều trường, san sẻ áp lực sĩ số cho một số trường trung tâm, nhưng một số trường tiểu học vẫn có sĩ số hơn 50 em.

Ông Phạm Thanh Ngọc, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cho biết, Hà Nội dự kiến đầu tư 445 tỷ đồng chống xuống cấp cho 72 trường. Vì thế, áp lực về trường lớp có giảm nhưng do mức tăng dân số vẫn cao nên vấn đề trường lớp sẽ không thể đáp ứng ngay và cần tháo gỡ dần dần. Theo thống kê của quận Hoàng Mai, mỗi năm mức tăng dân số 5.000 học sinh/năm tương đương quy mô một phường.

TPHCM xây thêm trường lớp

Theo thống kê, năm học 2020- 2021, TPHCM dự kiến tăng khoảng 55.000 học sinh. Việc số học sinh tiếp tục tăng mạnh khiến TPHCM gặp khó khăn trong triển khai Chương trình phổ thông mới, dù thành phố liên tục xây dựng trường, lớp…

Báo cáo với UBND TPHCM về tình hình chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho năm học mới, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, thành phố có 2.348 trường học với hơn 1,7 triệu học sinh và gần 81.000 giáo viên. Theo thống kê, năm học 2020 - 2021, TPHCM dự kiến tăng khoảng 55.000 học sinh, trong đó bậc Mầm non tăng 3.668 học sinh, Tiểu học tăng 8.989 học sinh, THCS tăng 27.950 học sinh và THPT tăng 14.038 học sinh. Học sinh tăng tập trung ở một số quận, huyện như: 9, 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Lãnh đạo sở nhìn nhận nguyên nhân gia tăng là các quận, huyện trên đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao.

Để đảm bảo chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi), Sở GD&ĐT TPHCM đã rà soát với 24 quận, huyện về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 với 832 dự án, quy mô 15.940 phòng học, tổng kinh phí hơn 69.929 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, đã đạt 288 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. “Riêng năm 2020, TPHCM đưa vào sử dụng 90 dự án xây mới và cải tạo trường học với 1.371 phòng học mới, trong đó dự kiến đưa vào sử dụng vào ngày 5/9 là 73 dự án với 1.142 phòng học mới (tăng thêm 699 phòng học mới); từ sau ngày 5/9 đến cuối năm 2020 là 17 dự án với 229 phòng học mới (tăng thêm 169 phòng học mới)”, báo cáo của Sở GD&ĐT viết.

Quận Gò Vấp năm nay có gần 17.000 học sinh đầu cấp, trong đó có 7.727 em vào lớp 1, gần 9.000 em vào lớp 6. “Dù học sinh tăng mạnh song năm nay, quận Gò Vấp lại không xây mới được thêm trường, lớp khiến từ Phòng Giáo dục đến các trường phải đau đầu bố trí, phân bổ học sinh”, ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, nói. Đối với bậc tiểu học, do thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới nên Phòng GD&ĐT Gò Vấp sẽ cố gắng phân bổ để các em được học 2 buổi/ngày bằng cách học chéo hoặc học thêm vào thứ bảy…

Sở GD&ĐT TPHCM và 24 quận, huyện phải tuyển gần 7.000 giáo viên cho năm học mới 2020-2021, trong đó, bậc Tiểu học cần tuyển nhiều nhất với 3.462 người, THCS 2.062 người, THPT hơn 500 người. 

MỚI - NÓNG