Thiếu nguồn trầm trọng, Bộ Công Thương muốn nhập khẩu than từ Nam Phi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Công Thương cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vừa có buổi làm việc với ông Mpetjane Kgaogelo Lekgoro, Đại sứ nước Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam đề xuất mua than về Việt Nam ngay trong tháng 4, tháng 5 tới để cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện trong bối cảnh nguồn cung trong nước không đáp ứng được.

Tại buổi làm việc, ông Diên cho biết, Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh sản xuất, khôi phục phát triển kinh tế hậu đại dịch COVID-19, do đó có nhu cầu lớn về nguồn nguyên nhiên vật liệu, trong đó có than. Việc đa dạng hoá và tìm nguồn cung ứng than tiềm năng là yêu cầu cấp thiết của Việt Nam hiện nay.

Ông Diên đề nghị Đại sứ Nam Phi hỗ trợ giới thiệu, kết nối các đối tác tiềm năng của Nam Phi trong lĩnh vực than, khoáng sản với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc… để đi đến ký kết hợp đồng, đưa các chuyến hàng than về Việt Nam ngay trong tháng 4, tháng 5 tới. Các loại than do Nam Phi sản xuất là than có chất lượng tốt, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với công nghệ của các nhà máy nhiệt điện than và các ngành sản xuất của Việt Nam.

Ngoài ra, ông Diên cũng mong muốn hai bên xem xét, sớm thống nhất thời gian ký biên bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản giữa hai nước. Bộ trưởng tin tưởng rằng việc ký kết thành công MOU sẽ tạo khuôn khổ đẩy mạnh hợp tác không chỉ trong lĩnh vực khoáng sản mà còn góp phần phát triển kim ngạch thương mại song phương.

Ghi nhận các vấn đề Việt Nam quan tâm, Đại sứ Mpetjane Kgaogelo Lekgoro khẳng định, Nam Phi luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, năng lượng và khoáng sản với Việt Nam. Đại sứ cho biết sẽ trao đổi ngay với Bộ Tài nguyên và Khoáng sản Nam Phi về nội dung cung ứng than cho Việt Nam cũng như hỗ trợ kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu than của hai nước. Ngoài ra, Đại sứ Mpetjane Kgaogelo Lekgoro cũng đề nghị phía Việt Nam tạo thuận lợi để một số mặt hàng có thế mạnh của Nam Phi có thể tiếp cận thị trường Việt Nam.

Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã báo cáo Bộ Công Thương và các bộ ngành về việc trong quý 1/2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký. Với mức cung cấp này, lượng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN chỉ tương ứng 76,76% số lượng theo hợp đồng đã ký. “Lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng”, đại diện EVN cho hay.

Theo EVN, do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát. Cụ thể, các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 hiện chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60 – 70% công suất. Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho một trong 4 tổ máy. Do đó, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện.

Theo báo cáo của Tập đoàn TKV, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc không cung cấp đủ than cho sản xuất điện trong thời gian vừa qua là do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 dẫn đến thiếu hụt nhân lực làm việc tại các mỏ than.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá nhiên liệu và vận chuyển nhiên liệu bằng các phương thức vận tải đều có nhiều khó khăn, làm hạn chế khối lượng than lưu thông trên thị trường trong bối cảnh giá than quốc tế cũng đã tăng cao chưa từng có.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.