Thiên tai hoành hành diện rộng: Dự báo phòng chống chưa hiệu quả ​

Người dân cần được hỗ trợ các thiết bị cảnh báo lũ quét, sạt lở nhằm giảm thiểu thiệt hại. Ảnh: Bình Phương.
Người dân cần được hỗ trợ các thiết bị cảnh báo lũ quét, sạt lở nhằm giảm thiểu thiệt hại. Ảnh: Bình Phương.
TP - Việt Nam vẫn chưa có Quỹ phòng chống thiên tai (PCTT) Quốc gia, thiếu nghiên cứu, thiết bị dự báo sát thực tế.

Là quốc gia bị thiệt hại nặng nề về thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét khu vực vùng núi, nhưng đến nay, việc đầu tư, lắp đặt dự báo, cảnh báo về mưa, lũ quét, sạt lở vẫn còn rất hạn chế. Ðặc biệt, Việt Nam vẫn chưa có Quỹ phòng chống thiên tai (PCTT) Quốc gia, thiếu nghiên cứu, thiết bị dự báo sát thực tế.

Bản đồ cảnh báo sạt lở không sát thực tế

Mưa lũ lớn sau bão số 3 (bão Sơn Tinh) tiếp tục gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở kinh hoàng cướp đi hàng chục tính mạng, cuốn trôi làm hư hại nhiều nhà cửa, đường sá, cầu cống…ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Theo bà Ðặng Thanh Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trung bình mỗi năm Việt Nam xảy ra khoảng 10-15 trận lũ quét, trong đó tập trung ở chủ yếu ở miền núi phía Bắc.

Theo bà Mai, kết quả điều tra hiện trạng trượt lở đất đá và phân vùng cảnh báo nguy cơ (thực hiện từ năm 2012 đến 2017) của một số đơn vị thuộc Bộ TN&MT đã xác định được hơn 500 xã tại 17 tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao.

Các địa phương trong diện nguy cơ là Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Ðề án cũng xác định được hơn 200 xã trọng điểm, cần điều tra bổ sung, chuyển giao và hướng dẫn sử dụng cho địa phương các loại bản đồ cảnh báo nhằm giảm thiểu khi có sạt lở đất đá trong mùa mưa bão.

Tuy nhiên, đến nay, hiệu quả sử dụng các loại bản đồ cảnh báo trên còn thấp, khiến nhiều địa phương lúng túng.  Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho rằng, những bản cảnh báo nói trên mới chỉ “thông tin về khoa học”, tính ứng dụng còn rất thấp, vì tỷ lệ bản đồ đến 1/50.000 gần như không thể sử dụng trên thực tế. “Bản đồ chủ yếu mới thể hiện ở yếu tố địa hình. Còn để xử lý vấn đề thiên tai như sạt lở đất phải có 4 yếu tố là gió, mưa, địa hình, địa chất. Nếu thêm yếu tố lịch sử, văn hóa cả vùng đất đó nữa thì lúc đó mới có một bản đồ cảnh báo sát được”- ông Quảng nói.

Liên quan đến việc sử dụng bản đồ cảnh báo để di dân, ông Quảng cho rằng: “Chúng ta cũng phải hiểu, dân chúng ta sống ở vùng đó, gắn với đất ở, đất sản xuất. Vừa rồi, di dân tái định cư thủy điện, mỗi hộ phải mất tới 1,2-1,3 tỷ đồng. Nếu ở Lai Châu, hay ở Bát Xát, Sapa của Lào Cai  phải di dời hết dân, thì dời đi đâu được? Do vậy, trong PCTT, quan trọng là phải trang bị kỹ năng sống cho người dân sống chung, ứng phó với thiên tai”.

Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cũng cho rằng, hiệu quả trong phòng tránh lũ quét, sạt lở đất chưa cao. Các bản đồ về lũ quét chủ yếu được xây dựng trên cơ sở các dữ liệu lịch sử.

Lắp đặt các thiết bị cảnh báo lũ quét, sạt lở

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2017, thiên tai “cuốn trôi” của Việt Nam trên 60.000 tỷ đồng. Chỉ nửa đầu năm 2018, dù chưa vào mùa mưa lũ chính, nhưng cũng mất ngót nghét 1.000 tỷ vì thiên tai.

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng PCTT (Bộ NN&PTNT), ngân sách đã dành một phần rất lớn cho PCTT, tuy nhiên rất cần thêm đóng góp của cộng đồng. Nhiều địa phương hiện đã lập quỹ PCTT.

Ông Hoài cho biết, đến nay Việt Nam vẫn chưa có Quỹ PCTT Quốc gia và đây là một thiếu sót. Trên thế giới, nhiều quốc gia có Quỹ PCTT để điều phối giữa các địa phương.

“Ðịa phương có điều kiện, nhưng ít thiên tai xảy ra, có thể điều tiết cho khu vực còn khó khăn, thiên tai thường xuyên xảy ra như vùng núi phía Bắc. Tới đây, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ để xúc tiến thành lập quỹ này”- ông Hoài nói.

Về bảo hiểm rủi ro thiên tai, ông Hoài cho biết hiện còn triển khai ở mức rất hẹp. Trong cơn bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa năm ngoái, một số đơn vị mua bảo hiểm đã được các tập đoàn bảo hiểm và tái bảo hiểm chi trả kịp thời.

Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, bảo hiểm rủi ro thiên tai vẫn còn rất xa lạ với doanh nghiệp, các hoạt động kinh tế - xã hội. “Cần tiếp tục phát triển mạnh nội dung này. Chúng tôi đã làm việc với một số đơn vị của Bộ Tài chính, liên quan việc thúc đẩy bảo hiểm rủi ro thiên tai”- ông Hoài nói.

Về các thiết bị cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, theo ông Hoài, thiên tai ngày càng phức tạp, bất thường. Do vậy, trong trường hợp lũ quét, sạt lở đất đá nếu có dự báo đúng 100% đi nữa, vẫn cần thiết bị để cảnh báo, đặc biệt ở cảnh báo diện hẹp, nơi thường xuyên có tình trạng sạt lở, lũ quét.

“Ở các quốc gia họ khoanh vào lưu vực những con suối nhỏ, nơi thường xảy ra thiên tai để cảnh báo cho người dân. Ðây là nhiệm vụ cấp bách, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ KH&CN, địa phương triển khai lắp đặt thiết bị cảnh báo ngay, không nghiên cứu nữa”- ông Hoài nói.

Theo lãnh đạo Tổng cục PCTT, trước hết là lắp đặt các trạm đo mưa, xác định giới hạn lượng mưa quá mức, sau đó sẽ có thiết bị cảnh báo. Hiện đã có đơn vị hỗ trợ 500 trạm.

Tới đây, Tổng cục PCTT sẽ lắp đặt thiết bị cảnh báo tự động, khi có hiện tượng sạt lở, thì thiết bị sẽ đưa ra cảnh báo. Các khu vực ngầm, tràn, cũng được lắp đặt thiết bị cánh báo để biết ngập nước ở mức nào, dân có đi qua được hay không.  Hiện Hàn Quốc đang hỗ trợ Việt Nam hệ thống quan trắc về sạt lở đất tự động, với phạm vi lớn, kinh phí 1,3 triệu USD.

Bản đồ cảnh báo thiên tai lũ quét, sạt lở đất có ba cấp độ: Bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất (phân vùng nguy cơ theo không gian), bản đồ phân cấp mức độ thảm họa (cảnh báo được cả không gian và thời gian), bản đồ mức độ rủi ro (không gian, thời gian và mức độ thiệt hại). Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ làm được bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

MỚI - NÓNG