Phóng viên đã về tận nơi, chứng kiến thực trạng đúng như người dân đã trình bày quanh bãi rác “khủng” tại xã Song An (thị xã An Khê). Càng khổ sở, dân chúng càng bức xúc về việc các cơ quan chức năng từ lâu đã phát hiện một số cán bộ liên quan nghiệm thu khống khối lượng thiết bị lên tới gần 65 tỷ đồng tại nhà máy này, nhưng Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai chỉ đề nghị xử lý những cán bộ sai phạm ở mức “kiểm điểm, rút kinh nghiệm”.
Sau khi bài đăng trên Tiền Phong Online ngày 17/4 với tiêu đề “Nhà máy xử lý rác thành…bãi rác”, trao đổi với Trưởng đại diện Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư Thị ủy An Khê cảm ơn báo Tiền Phong đã quan tâm phản ánh sự việc. Bà cho biết, đây là nỗi đau lòng của lãnh đạo địa phương trước “thực trạng đã rồi”, nay phải tìm cách xử lý nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Suốt từ chiều tới tối ngày 17/4, lãnh đạo Thị ủy, UBND thị xã An Khê, đối tác cung ứng thiết bị và đại diện các bên liên quan đã căng thẳng họp bàn về các vấn đề cần tháo gỡ tại An Khê, trong đó dành nhiều thời gian để hồi âm bài đã đăng trên báo Tiền Phong về nhà máy xử lý rác thải.
Ngày 18/4 ông Nguyễn Hùng Vỹ, Chủ tịch UBND thị xã An Khê đã ký Công văn số 436/UBND-VHTT, phản hồi bài báo. Công văn này cho biết: “Dự án khu xử lý rác thải rắn thị xã An Khê đã được nghiệm thu bàn giao, đưa vào sử dụng từ ngày 23/1/2017 với công suất thiết kế phân loại 30 tấn rác/ngày đêm và đốt 10 tấn rác /ngày đêm”. Tuy nhiên, “do chi phí xử lý rác thải rắn sinh hoạt của nhà máy là rất lớn nên thị xã chưa thể bố trí được nguồn kinh phí (tính bình quân vận hành hết công suất 03 ca/24h, thì chi phí khoảng 5,2 tỷ đồng/năm). Vì vậy, hiện nay thị xã chỉ cho vận hành 8h/ngày với công suất đốt khoảng 3 tấn rác/ngày, công nhân phân loại gồm 6 người, 1 lái máy xúc rác và 2 kỹ sư điều khiển đốt rác…nhằm đảm bảo cho các thiết bị được hoạt động thường xuyên, tránh hư hỏng lãng phí”. Chính vì “Thị xã không có khả năng cân đối được nguồn kinh phí” nên UBND thị xã đã “kêu gọi xã hội hóa nhà máy xử lý rác thải và dịch vụ đô thị”.
Các thông tin do UBND thị xã An Khê cung cấp qua CV 436 này chưa trả lời được các câu hỏi phóng viên Tiền Phong đã gửi đến trước đó. Câu “quá trình vận hành khai thác nhà máy vẫn bảo đảm công suất theo thiết kế được duyệt” trong công văn cũng không thuyết phục so với thông tin phóng viên đã ghi nhận tại thực tế, và hình ảnh rác thải ùn ứ trên băng chuyền bất động khi phóng viên tới hiện trường lúc 10h sáng một ngày thứ năm. Tuy nhiên, Công văn 436 vẫn cho thấy vấn đề đã được Tiền Phong nêu ra là có cơ sở. Chính vì vậy, dù UBND thị xã An Khê đã tiến hành kêu gọi “xã hội hóa”, tức là chào bán nhà máy xử lý rác này đã lâu, tới nay vẫn chưa bán được cho đối tác nào.
Ông Phạm Thanh Long - Giám đốc Ban quản lý Nhà máy rác và dịch vụ đô thị thị xã An Khê xác nhận, hiện nay lượng rác thải mỗi ngày đơn vị gom trên địa bàn lên tới hơn 30 tấn. Dù thị xã phải bảo đảm thu nhập cho 9 lao động làm việc thủ công, lại phải nhận thêm tiền “hỗ trợ mua dầu” để đốt rác từ phía cung ứng thiết bị, nhưng mỗi ngày cũng chỉ đốt được tối đa 3 tấn rác, bằng 1/10 tổng khối lượng rác cả thị xã dồn về đây, nên không thể nào khống chế nổi tốc độ phình to nhanh chóng của bãi rác thải, và mức độ gây ô nhiễm cả một vùng rộng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của nhân dân.
“Dân ở xã Song An này mong muốn cơ quan chức năng sớm xử lý dứt điểm bãi rác kinh khủng. Mỗi khi đi qua đây, ai cũng có thể nôn mửa bởi ruồi muỗi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Các vị cán bộ nào đã phê duyệt và cho triển khai dự án này thử về đây sống vài hôm, xem có chịu nổi hay không, mà để chúng tôi kêu cứu từ năm này qua năm khác không ai giải quyết”- người dân bức xúc phản ánh với PV Tiền Phong.