Chuyên gia cho rằng cần bịt lỗ hổng trong điều hành giá xăng dầu |
Tạm yên trước mắt
Chia sẻ với PV Tiền Phong, các doanh nghiệp đầu mối lớn như Petrolimex, PVOil, Saigon Petro… cho biết đã tăng cường ký các hợp đồng nhập khẩu xăng dầu để cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, theo nhận định của các doanh nghiệp dầu mối, chừng nào Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chưa vận hành ổn định trở lại và cam kết cung ứng liên tục theo đúng các hợp đồng đã ký của năm 2022, chừng đó thị trường vẫn có thể xảy ra tình trạng thiếu cung.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, cung ứng xăng dầu trên thị trường đã được cải thiện so với tuần trước.
“Việc cung ứng nguồn hàng trong hệ thống của chúng tôi từ trước Tết và đến nay luôn được đảm bảo vì doanh nghiệp đã có những ứng phó nhập khẩu khẩn cấp sau khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thông báo giảm nguồn cung. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp lớn như chúng tôi đang phải gánh thiệt hại lớn do bị động về nguồn chưa kể do phải nhập hàng khẩn cấp nên giá tăng khá mạnh vì bị đối tác ép giá. Nhiều thương nhân trước không nhập nhiều hàng của chúng tôi giờ quay sang đề nghị mua số lượng khá lớn nên chúng tôi cũng bị áp lực”, Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp đầu mối lớn (đề nghị không nêu tên) nói với phóng viên Tiền Phong.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu thuộc tốp 3 nói rằng, nguồn cung cho hệ thống luôn được doanh nghiệp đảm bảo. Tuy nhiên, “mệt” nhất hiện nay là phải “gánh” phần gia tăng nhập khẩu để đảm bảo cung ứng cho thị trường trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang mắc kẹt vì thiếu nguồn. Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu thế giới liên tục tăng khiến doanh nghiệp rất mệt mỏi vì tình cảnh “càng bán càng lỗ” kéo quá dài. Dù đã được điều chỉnh giá bán ngày 11/2 với mức tăng gần 1.000 đồng/lít nhưng nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang bị lỗ ở mức 500-800 đồng/lít xăng dầu bán ra.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, bên cạnh lo nguồn cung, một số doanh nghiệp xăng dầu lớn đang gặp khó vì bị âm Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cả nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Tính đến ngày 11/2, dẫn đầu về âm quỹ là PVOil với 784,92 tỷ đồng, kế đến là Petrolimex với 55 tỷ đồng, một số doanh nghiệp nhỏ hơn có mức âm từ vài tỷ đến hơn 10 tỷ đồng. Với các doanh nghiệp bị âm quỹ, các cổ đông luôn đặt câu hỏi vì sao Quỹ bình ổn xăng dầu bị âm lớn như vậy và doanh nghiệp sẽ được bù thiệt hại ra sao khi phải đi vay ngân hàng để bù vào phần quỹ âm này. Việc bị “chiếm dụng vốn” vì phải vay tiền để bù phần âm cho Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng là yếu tố khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi muốn huy động nguồn để nhập lượng lớn xăng dầu.
Tại cuộc họp với Bộ Công Thương tuần qua, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Bùi Ngọc Bảo cho biết, do giá thế giới tăng cao, việc nhập khẩu bị động, chỉ một số doanh nghiệp lớn như Petrolimex, PVOil có thể tiếp cận nguồn nhập thuận lợi, trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ khác gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn nhập khẩu bổ sung. “Cho nên, quan trọng là phải rất rõ ràng, làm rõ đứt ở đâu, khan ở đâu. Ở đầu mối hay thương nhân phân phối, rồi cuối cùng là đại lý, cửa hàng. Cơ quan quản lý cần mạnh tay với người không tuân thủ", ông Bảo nói.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, cung ứng xăng dầu trên thị trường đã được cải thiện so với tuần trước. Hiện Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vận hành mới đạt 55% công suất nên ảnh hưởng rất lớn đến thị trường. Dù các doanh nghiệp đã chủ động tìm nguồn nhập khẩu để bù nhưng áp lực trên thị trường vẫn còn. Mặt khác, giá thế giới tăng liên tục nên khi doanh nghiệp vừa ký hợp đồng mua thêm, hàng chưa cập cảng đã lỗ do mức tăng ở kỳ điều hành ngày 11/2 chưa hoàn toàn bù được hết phần lỗ của các doanh nghiệp. Việc cung ứng cho thị trường như trước đây phải đến giữa tháng 3 mới được đảm bảo.
Sớm bịt lỗ hổng điều hành
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một chuyên gia lâu năm ngành xăng dầu cho rằng, thị trường xăng dầu nhiều năm qua vẫn còn rất nhiều lỗ hổng cần xử lý. Dù Nghị định 95 đã được ban hành thay thế Nghị định 83 nhưng bất cập vẫn còn, thậm chí có nguy cơ rủi ro với thị trường hơn nếu không được xem xét lại một cách kỹ lưỡng.
Về giải pháp chống tình trạng giá tăng là khan hàng, vị chuyên gia này, cho rằng, thời gian tới, Bộ Công Thương cần minh bạch ngay trên trang web của mình về tình trạng hoạt động tài chính, cung ứng xăng dầu của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, cũng như các đại lý, tổng đại lý trực thuộc. Hiện nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, đặc biệt là những doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp phép từ 2019 đến nay không có website, trong khi nhiều người dân, chuyên gia, doanh nghiệp khác muốn tìm hiểu hoạt động của các doanh nghiệp này thế nào trong bối cảnh thiếu nguồn cung cũng như tình trạng xăng giả, buôn lậu xăng dầu xuất hiện nhiều những năm gần đây.
“Bộ Công Thương nói nhiều lần, cũng đã từng cho thanh tra hoạt động của doanh nghiệp hồi đầu năm 2021 khi nhiều vụ làm giả, buôn lậu xăng dầu bị Bộ Công an triệt phá. Nhưng đến nay cũng chưa thấy công khai kết quả thanh tra nói trên. Hy vọng lần này khi Bộ trưởng Công Thương đã quyết liệt chỉ đạo như vậy, kết quả thanh tra, rút giấy phép hoặc xử phạt các doanh nghiệp có vi phạm về găm hàng, không nhập hàng thời gian qua sẽ được công bố một cách rõ ràng, minh bạch”, vị chuyên gia nói.
Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, thành viên HĐQT một doanh nghiệp xăng dầu lớn (yêu cầu không nêu tên) nói rằng, thị trường và việc điều hành luôn có những lỗ hổng. Theo vị này, cấu thành giá bán lẻ đã bao gồm chi phí vận tải, bảo hiểm và các chi phí khác, trong có có cả phí chiết khấu cho đại lý và lợi nhuận của doanh nghiệp là 300 đồng/lít. Cả một quãng thời gian các đầu mối không chiết khấu cho đại lý bán lẻ khiến đại lý, cửa hàng xăng dầu không có lãi trong khi phải bỏ đủ chi phí để nhập hàng, trả lương nhân viên… Với trách nhiệm quản lý, Bộ Công Thương phải nắm được việc này và kịp thời có văn bản nhắc nhở, có biện pháp chấn chỉnh thị trường.