Chỉ thích bán nhà để kiếm lãi lớn
Anh Lê Văn Hùng, quê Thái Bình cho biết, gia đình anh thuê căn hộ rộng gần 100m2 tại khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội), mỗi tháng mất 3,5 triệu đồng, tính ra mỗi năm mất 42 triệu đồng.
“Thời gian qua bất động sản đóng băng, chủ nhà mua đầu cơ nhưng giá xuống nên cho thuê lại, mới được rẻ như vậy. Cách đây hơn 3 năm, những căn hộ như trên, giá thuê cao hơn nhiều. Cũng chưa biết mình được thuê tới khi nào, nếu có người mua được giá, mình phải ra đường”, anh Hùng nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hà, quê Thanh Hóa chia sẻ, nếu Hà Nội có nhà cho thuê dài hạn, giá ổn định sẽ chỉ thuê chứ không bỏ tiền mua.
“Nhưng hiện không có dự án nào cho thuê ổn định, giá phải chăng. Nếu thuê căn hộ tại các dự án do cá nhân xây cho thuê muốn ổn định lâu dài cũng không được. Vì thế, tôi phải chạy vạy vay hơn 2 tỷ đồng mua đất và xây nhà ở đây (Hà Nội - PV), dù không muốn”, chị Hà nói.
Đấy cũng là tình trạng phổ biến hiện nay của các gia đình trẻ từ tỉnh lẻ về các thành phố lớn làm việc, phải sống trong cảnh nơm nớp lo chuyển nhà vì chủ nhà lúc nào cũng có thể dọa tăng tiền thuê hoặc lấy lại (nhà) bất kể lúc nào.
TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, hiện nước ta chỉ có nhà cho thuê tự phát, nên không ổn định cả về giá cả lẫn thời gian thuê. Còn thị trường chỉ có ưu tiên cho phát triển nhà để bán, dù là nhà ở xã hội cũng phải có thu nhập trung bình mới mua được. Trong khi đó, ở nước ngoài hình thức nhà cho thuê giá rẻ, ổn định rất phát triển (do được nhà nước hỗ trợ, có chính sách rõ ràng). “
Hiện, nước ta chưa có hình thức nhà cho thuê làm từ ngân sách, cũng chưa có chính sách rõ ràng, ưu đãi với nhà cho thuê của tư nhân. Tư nhân kém mặn mà vì lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn lâu. Doanh nghiệp chỉ muốn làm nhà thương mại, xây xong bán đứt để thu hồi vốn, lại không bị ràng buộc”, ông Liêm nói.
“Chưa hoàn thành nhiệm vụ”
Phát biểu tại Hội nghị Ban chỉ đạo trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản diễn ra cách đây ít ngày, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nói: Hiện các chính sách chỉ chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ xây nhà để bán, hoặc cho người dân mua nhà. Dù thực tế, nhiều người Việt Nam rất nghèo, không đủ khả năng mua nhà. Do đó, nếu chỉ tập trung vào chính sách hỗ trợ người dân mua là không phù hợp.
“Nên phát triển nhà xây cho thuê và tạo điều kiện cho người dân nghèo tiếp cận để họ có nhà ở. Việc phát triển nhà cho dân thuê cần thiết, nhiều quốc gia cũng đang thực hiện chính sách này, kể cả những nước phát triển như Anh, Mỹ, Trung Quốc…”, ông Hùng nói. Thậm chí, nhà nước hỗ trợ phát triển những khu nhà ở diện tích nhỏ (tối thiểu 25m2) để cho người dân thuê giá rẻ, ổn định.
“Nên khuyến khích phát triển dự án nhà ở cho thuê. Đây là một trong những nhiệm vụ của chiến lược nhà ở”
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
Cũng tại Hội nghị trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản) cho rằng, nhà ở cho thuê mấy năm nay không thấy khởi sắc.
“Nên khuyến khích phát triển dự án nhà ở cho thuê. Đây là một trong những nhiệm vụ của chiến lược nhà ở. Nếu không thay đổi tư duy của người dân từ mua nhà sang thuê nhà sẽ không giải quyết được vấn đề nhà ở hiện nay. Nhà ở cho thuê chưa hoàn thành nghĩa là chưa hoàn thành nhiệm vụ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Luật Nhà ở hiện hành chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể và đủ mạnh để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê. Đặc biệt, tại các đô thị lớn có nhu cầu cao về nhà ở đáp ứng các điều kiện và khả năng chi trả của người dân. “Hầu hết các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư xây dựng nhà ở để bán nhằm thu hồi vốn nhanh; dù thực tế rất cần quỹ nhà cho thuê để người không đủ khả năng về tài chính cũng có nhà”, Bộ trưởng Dũng nói.
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, nhà nước nên đầu tư ngân sách phát triển nhà cho thuê giá rẻ, ngay như gói 30.000 tỷ đồng cũng có thể dành một phần đầu tư nhà cho thuê (không chỉ cho vay mua nhà như hiện nay). Đồng thời, có chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư, như miễn tiền sử dụng đất, miễn thuế, ưu tiên vốn vay… Thêm vào đó, cần có các quy định rõ ràng để chủ đầu tư yên tâm cho thuê dài hạn, như xử lý trường hợp người thuê chây ỳ không trả tiền thuê hoặc không trả nhà sẽ thu hồi thế nào?
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, nhà nước nên đầu tư ngân sách phát triển nhà cho thuê giá rẻ, ngay như gói 30.000 tỷ đồng cũng có thể dành một phần đầu tư nhà cho thuê (không chỉ cho vay mua nhà như hiện nay). Đồng thời, có chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư, như miễn tiền sử dụng đất, miễn thuế, ưu tiên vốn vay…
Thêm vào đó, cần có các quy định rõ ràng để chủ đầu tư yên tâm cho thuê dài hạn, như xử lý trường hợp người thuê chây ỳ không trả tiền thuê hoặc không trả nhà sẽ thu hồi thế nào?
Như ở Pháp, nếu ai chây ỳ không trả tiền nhà, tháng đầu tiên sẽ thông báo, đến tháng thứ 3 công ty quản lý sẽ mời cảnh sát tới chứng kiến để thu một món đồ của người thuê có giá trị tương đương số tiền còn nợ. Sau đó đem bán đấu giá món đồ để thu hồi tiền thuê còn thiếu. “Thu đồ tới khi nào hết đồ sẽ đuổi người thuê khỏi nhà”, ông Liêm nói.
Theo vị nguyên thứ trưởng này, nước ngoài làm được như vậy vì có chính sách rõ ràng. Còn nước ta chưa có chính sách cụ thể, nên doanh nghiệp không dám đầu tư.