Thị trường chứng khoán đón thêm nhiều đại gia

Dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu tại VietJet Air, song giá trị cổ phần theo sở hữu của bà Thảo vẫn đạt xấp xỉ 1 tỷ USD theo giá chào sàn của cổ phiếu được tiết lộ gần đây bởi Reuters.
Dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu tại VietJet Air, song giá trị cổ phần theo sở hữu của bà Thảo vẫn đạt xấp xỉ 1 tỷ USD theo giá chào sàn của cổ phiếu được tiết lộ gần đây bởi Reuters.
Chứng khoán Việt Nam trong những ngày cuối năm 2016 và đầu năm 2017 sẽ chào đón nhiều "tân binh" là đại gia đến từ những tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn.

Năm 2016 là hạn cuối với những doanh nghiệp nhà nước phải đăng ký giao dịch sau khi cổ phần hóa trước đó, khiến thị trường UPCoM và niêm yết trở nên sôi động. Cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều tân binh là các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn.

Mới đây nhất là thông tin niêm yết của 2 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng không và bất động sản là VietJet Air và Novaland. Doanh nghiệp lên sàn cũng đồng nghĩa với nhiều lãnh đạo, vốn trước đây là những cái tên bí ẩn, gia nhập vào đội ngũ các đại gia trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Đối với VietJet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc, cũng đồng thời là cổ đông lớn nhất của công ty với sở hữu 83,25%, trong đó sở hữu trực tiếp gần 75 triệu cổ phiếu (24,92%) và sở hữu gián tiếp thông qua các công ty có liên quan.

Dù theo công bố thông tin, bà Thảo có thể sẽ bán bớt cổ phần sở hữu để giảm tỷ lệ xuống 71,25% nhưng với mức giá dự kiến khi niêm yết của VietJet từ 75.900 - 98.400 đồng theo thông tin từ Reuters, giá trị số cổ phiếu VietJet bà Thảo nắm giữ tại ngày đầu tiên niêm yết sẽ trong khoảng 16.200 - 21.000 tỷ đồng. Chưa tính tới trường hợp biến động của cổ phiếu VietJet sau khi niêm yết.

Với Novaland, theo một báo cáo phân tích được Công ty chứng khoán ACB (ACBS) công bố, cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản này là Chủ tịch Bùi Thành Nhơn. Sở hữu của Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland và các bên liên quan ước đạt 65,37%, tương đương gần 390 triệu cổ phiếu (tính theo số lượng cổ phiếu theo thông báo trở thành công ty đại chúng của Novaland đầu tháng 12/2016).

Mặc dù giá niêm yết của doanh nghiệp bất động sản này chưa được công bố chính thức, song với mức giá gần 60.000 đồng mỗi cổ phiếu đang được giao dịch trên thị trường không chính thức (OTC), giá trị cổ phần của Chủ tịch Bùi Thành Nhơn và các bên liên quan ước tính hơn 23.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD.

Hồi cuối tháng 9, Công ty cổ phần dịch vụ Cáp treo Bà Nà cũng đã thông báo nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu. Theo bản công bố thông tin thời điểm đó, hai cổ đông cá nhân lớn nhất là ông Lê Viết Lam - Chủ tịch Hội đồng quản trị của SunGroup và ông Mạnh Xuân Thuận có sở hữu lần lượt 83,5 triệu cổ phiếu (38,57%) và 73,6 triệu cổ phiếu (34%).

Hiện công ty vẫn chưa công bố giá cổ phiếu ngày đầu niêm yết, song với mức giá giao dịch trên thị trường OTC từ 18.000 - 22.000 đồng, giá trị cổ phần ông Lam và ông Thuận sở hữu cũng dễ dàng nằm trong danh sách những người có tài sản chứng khoán lớn nhất thị trường.

Hay như thông tin mới đây về việc niêm yết của doanh nghiệp giữ thị phần cao nhất cả nước đối với sản phẩm sữa đậu nành - Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Vinasoy và Fami), cổ đông chính của công ty phần lớn là thành viên ban lãnh đạo.

Riêng đối với gia đình Chủ tịch Võ Thành Đàng, tính theo mức giá ngày đầu tiên giao dịch ở mức 80.000 đồng mỗi cổ phiếu, giá trị cổ phần do ông Đàng và người thân sở hữu đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Ngoài gia đình ông Đàng, trong ban lãnh đạo của Đường Quảng Ngãi sẽ có 7 cá nhân có giá trị cổ phần sở hữu vượt 100 tỷ đồng ngay khi cổ phiếu QNS của công ty được giao dịch.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG