Thi tốt nghiệp THPT: Làm khó thí sinh và trường đại học?

Thi tốt nghiệp THPT: Làm khó thí sinh và trường đại học?
TPO - Hôm qua, tại cuộc họp giữa Bộ GD&ĐT và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, kỳ thi THPT quốc gia đã chính thức được đổi tên là kỳ thi tốt nghiệp THPT, cùng với đó, bản chất của kỳ thi cũng thay đổi.

Câu hỏi vì sao lại chỉ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh hiện nay được các đại biểu tham gia cuộc họp nêu rất rõ thi tốt nghiệp năm nay là phù hợp với tình hình thực tế.

Thực tế được phân tích là do tình hình dịch COVID-19, việc giao kỳ thi về cho địa phương, không có sự tham gia của các trường ĐH là giảm thiểu sự di chuyển, đồng thời giảm chi phí tổ chức kỳ thi.

Cũng vì dịch COVID-19 nên thời lượng, chương trình học được điều chỉnh, trong đó kiến thức học kỳ II được giảm tải.

Luật Giáo dục chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 nên kỳ thi tốt nghiệp phải tổ chức để phù hợp với Luật.

Các trường ĐH đã có một thời gian dài để chuẩn bị tự chủ tuyển sinh. Đây là thời điểm thích hợp để các trường thực hiện việc này.

Như vậy, việc chấm dứt sứ mạng lịch sử của kỳ thi THPT quốc gia dựa trên các yếu tố: dịch bệnh, giảm tốn kém, giảm tải cho thí sinh.

Thế nhưng có vẻ như cả ba mục tiêu này không đạt được. Hằng năm, tỷ lệ tốt nghiệp trên cả nước dù có thi THPT quốc gia với mức độ đề phân hóa khó hơn thì vẫn 94-96% tốt nghiệp. Vậy trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, tại sao lại cần tổ chức một kỳ thi quy mô trên toàn quốc chỉ để xét tốt nghiệp?

Không những thế, nếu nói giảm chi phí, đó là giảm chi phí cho nhà nước nhưng lại tăng chi phí của người dân khi mà thí sinh lại phải tham gia kỳ thi của các trường ĐH. Những chuyến hành hương, thuê trọ,tàu xe đi đường.

Giảm tải kiến thức khi đề thi nhẹ hơn nhưng thí sinh vẫn bị tăng tải khi phải tham gia các kỳ thi tuyển sinh riêng của ĐH.

Về tự chủ ĐH, đúng là các trường phải làm việc này từ năm 2015 khi Luật giáo ĐH có hiệu lực. Nhưng vì kỳ thi THPT quốc gia được giao nhiệm vụ thực hiện 2 mục tiêu: xét tốt nghiệp và làm căn cứ quan trọng để các trường xét tuyển nên các trường hoàn toàn có quyền làm điều này.

Trong khi đó, năm nay, khi chỉ còn 4 tháng nữa là đến kỳ thi THPT, Bộ mới quyết định chỉ xét tốt nghiệp. Trong khi theo lộ trình công bố trước đó, đến năm 2021, kỳ thi THPT quốc gia mới hết vai trò. Vậy việc chỉ tổ chức thi tốt nghiệp có phải làm khó học sinh, các trường ĐH?

MỚI - NÓNG