Thi THPT quốc gia 2017: Dự kiến cả nước sẽ là một nhóm xét tuyển

TP - Dự kiến cả nước sẽ là một nhóm lớn xét tuyển chung. Các thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng chỉ có 1 nguyện vọng trúng tuyển cao nhất. Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khi chia sẻ với Tiền Phong về dự thảo quy chế thi THPT quốc gia, xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH 2017.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH đang hoàn tất những khâu cuối cùng. Dự kiến tuần này sẽ xong và chờ ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sau đó sẽ công bố.  Nhưng về cơ bản, thì dự thảo quy chế dựa trên phương án thi THPT quốc gia, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH đã công bố trước đó.  Giờ chỉ còn bàn đến các vấn đề liên quan đến kỹ thuật. Nguyên tắc là xét tuyển chung. Tức là cả nước chung một cơ sở dữ liệu. Thực ra năm 2016, Bộ GD&ĐT đã định làm rồi nhưng các trường chưa chịu.

Năm nay sẽ tuyên truyền để các trường biết cách làm như thế  tránh ảo. Vừa rồi, Bộ GD&ĐT cũng đã họp với một số trường ĐH phía Bắc, đưa ra phương án để lấy ý kiến các trường.  Cách làm của Bộ làm sao để các trường vẫn tự chủ và có lợi hơn, không có ảo. Còn trường nào không tham gia thì họ sẽ có đề án tuyển sinh riêng. Khi có nhóm lớn thì nhóm GX sẽ không cần nữa. Năm 2016, hạn chế trong tuyển sinh là ảo và bất công cho thí sinh khi nguyện vọng sau các trường hạ điểm chuẩn. Năm 2017, với nhóm lớn xét tuyển sẽ khắc phục được điều đó, sẽ công bằng hơn cho thí sinh. Điểm cao sẽ đỗ nguyện vọng cao, điểm thấp sẽ đỗ nguyện vọng thấp.

Thí sinh được lựa chọn từ cao xuống thấp. Vấn đề là thời điểm lựa chọn. Trong quá trình đăng ký thí sinh đã được lựa chọn rồi.  Năm tới, thí sinh không phải đăng ký hai hoặc ba nguyện vọng mà được đăng ký nhiều nguyện vọng. Năm 2016, thí sinh lựa chọn trường sẽ học vào thời điểm sau khi các trường đã công bố điểm chuẩn gần với thời gian nhập học. Còn năm tới, thí sinh chọn trường khi đăng ký xét tuyển. Năm nay thí sinh sẽ trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất của họ.

Ví dụ, thí sinh đăng ký 10 trường xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới. Điểm của thí sinh đó đủ vào 3 trường. Trong 3 trường đó, trường nào lấy điểm cao nhất thì thí sinh sẽ vào học.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết vừa qua Bộ GD&ĐT đã họp với các trường để nói về phương án tuyển sinh 2017. Nếu bộ chủ trương cả nước là một nhóm lớn thì không cần phải tồn tại nhóm GX. Vấn đề còn lại của Bộ GD&ĐT bây giờ là khâu kỹ thuật.

MỚI - NÓNG