Thi THPT quốc gia 2017: Học sinh gặp khó khi ôn luyện

Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2016. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2016. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Sau chưa đầy 2 tháng Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa, học sinh các trường đang phải làm quen theo cách kiểm tra, đánh giá với phương thức trắc nghiệm. Các môn như Lý, Hóa, Ngoại ngữ những năm trước đã thi trắc nghiệm nên học sinh có nhiều bộ đề để rèn luyện, trong khi các môn năm nay mới thi, giáo viên gặp không ít khó khăn vì mới bắt tay vào làm đề.

Giáo viên cũng gặp khó

Sau khi công bố đề thi minh họa để giáo viên, học sinh hình dung được cấu trúc, độ khó đề thi THPT quốc gia năm nay, đến thời điểm này Bộ GD&ĐT vẫn chưa có tài liệu hướng dẫn nào về việc ra đề thi trắc nghiệm tại các trường. Do đó, đối với những môn năm trước đã thi trắc nghiệm như Vật lý, Hóa học, Ngoại ngữ giáo viên có nhiều tài liệu cũng như ngân hàng đề thi dồi dào để học sinh tập dượt, trong khi giáo viên các môn mới thi trắc nghiệm lại phải loay hoay, tự biên soạn bộ đề.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, việc ra đề thi trắc nghiệm khó hơn rất nhiều so với ra đề tự luận. Bởi ngoài một đáp án duy nhất đúng thì giáo viên phải làm được 3 đáp án khác có thông tin gây nhiễu, thậm chí dự đoán được khả năng phán đoán sai, nhầm của học sinh. Cũng theo thầy Tùng, năm nay môn Toán thi trắc nghiệm lần đầu nên học sinh còn bỡ ngỡ. Nhiều em cứ nghĩ, thi trắc nghiệm chỉ cần học qua loa nhưng bao trùm kiến thức là đủ. Điều đó rất sai lầm bởi để làm tốt đề trắc nghiệm đòi hỏi học sinh phải có kiến thức cơ bản, có kỹ năng nhận diện, đánh giá đề, kỹ năng sử dụng máy tính và quan trọng nhất là phải chăm chỉ luyện đề”.

Cô Phạm Thị Ngọc Huệ, tổ trưởng bộ môn Toán, Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ, ngay sau khi Bộ công bố đề minh họa, giáo viên đã cho học sinh kiểm tra 15 phút, 1 tiết bằng hình thức trắc nghiệm. Tổ có 5-6 giáo viên thì tất cả đều được yêu cầu làm đề làm sao đảm bảo như quy chế của Bộ là mỗi học sinh có một đề thi không trùng nhau. Cô Huệ cũng cho biết, hiện nay đề mẫu trên mạng rất nhiều nhưng không ai kiểm định, do đó giáo viên các trường chủ yếu đang chia sẻ kinh nghiệm, đề thi cho nhau. Thậm chí, có nhiều trường còn tổ chức hội nghị tập hợp giáo viên cùng bộ môn lại, tự mời cán bộ có kinh nghiệm về ra đề trắc nghiệm để truyền lại cho giáo viên.

Tổ hợp môn gây rối cho học sinh

Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) Đào Tuấn Đạt cho biết, đến thời điểm này điều ông băn khoăn nhất vẫn là việc kết hợp 6 môn thi vào hai tổ hợp môn KHTN và KHXH, gây khó khăn cho học sinh trong thi cử lẫn ôn luyện. Theo ông Đạt, việc ghép 3 môn vào một tổ hợp trong khi đề thi, kiến thức tách biệt nhau là việc lắp ghép cơ học không phải tích hợp nên không mang lại ý nghĩa đánh giá kiến thức liên môn của học sinh. Với hình thức thi này, việc học tập, ôn luyện vẫn phải chia tách lớp theo đăng ký của học sinh để ôn từng môn, trong khi thi lại ghép các môn với nhau.

Ông Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Quan (Hà Nội) cho biết, hiện tại, ngoài học chương trình chính thống trường đã cho cho học sinh ôn luyện 3 môn cơ bản gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ. Các môn lần đầu thi trắc nghiệm hay tổ hợp môn thì giáo viên đã phải họp với nhau để có cách dạy, cách ra đề kiểm tra, đánh giá cho học sinh làm quen. “Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra học kỳ I sắp tới, đối với các môn trong tổ hợp KHTN, KHXH trường cũng chỉ hi vọng các em đạt được điểm trung bình vì học sinh chưa có nhiều thời gian để làm quen đề cũng như rèn kỹ năng”, ông Dũng nói.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, việc kết hợp Lịch sử với Địa lý, Giáo dục công dân chỉ làm học sinh, giáo viên thêm rối. Kiến thức vẫn độc lập, trong khi học sinh phải chạy đua với thời gian để học và ôn luyện cũng như rèn cho học sinh kỹ năng làm bộ câu hỏi trong thời gian ngắn nhất là rất vất vả cho cả thầy và trò.

Ông Ngô Văn Chất, Trưởng Phòng quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT) cho biết, sắp tới đơn vị sẽ tổ chức thi, đánh giá học sinh bằng hình thức trắc nghiệm hoàn toàn, ngoại trừ môn Ngữ văn. Sở huy động chuyên viên, giáo viên có kinh nghiệm ở các trường ra đề thi. Đề thi sẽ bám sát cấu trúc đề minh họa của bộ nhằm giúp học sinh lớp 12 Hà Nội tập dượt, làm quen đồng thời đánh giá năng lực học sinh sau một thời gian theo phương pháp mới.

MỚI - NÓNG