Thí sinh không biết chỉnh sửa hồ sơ ở đâu

Thí sinh chỉnh sửa hồ sơ đăng ký dự thi tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Năm nay, không biết việc này sẽ diễn ra ở đâu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch (Thanh Niên).
Thí sinh chỉnh sửa hồ sơ đăng ký dự thi tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Năm nay, không biết việc này sẽ diễn ra ở đâu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch (Thanh Niên).
Đổi mới nhưng không nhất quán khiến bản thân nội dung dự thảo quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2015 có những điều bất nhất.

Chuyên gia các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM đã phân tích những điểm dự thảo quy chế còn “đá” nhau trong cuộc họp phương hướng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do ĐH này tổ chức sáng 24/12.

Nâng thang điểm mà quên sửa quy chế

Thang điểm 20 và cách xử lý chấm thi liên quan thang điểm mới là một trong những nội dung khiến nhiều trường bận tâm.

Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn: “Việc chấm thi các môn tự luận với thang điểm 20 sẽ không dễ dàng, khi giáo viên trong trường phổ thông chỉ quen với thang điểm 10. Nếu giáo viên chia điểm không đều thì độ vênh điểm trong bài thi tự luận sẽ rất lớn. Vì vậy, theo tôi nên giữ lại thang điểm 10”.

Tuy nhiên, điều ông Hạ băn khoăn nhất là sự thiếu thống nhất trong bản thân quy chế về cách tính điểm.

Ông Hạ nói: “Theo thang điểm 20, cách tính điểm trong phần xử lý kết quả 3 lần chấm trong điều 26 của dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia về chấm bài thi tự luận đáng ra phải tăng gấp đôi nhưng dự thảo vẫn giữ nguyên. Như vậy là không hợp lý.

Tương tự, cách tính điểm trong phần phúc khảo bài thi của điều 27 cũng chưa được sửa. Có thể nói bản thân quy chế đã “đạp” nhau vì chưa được sửa hết”.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, cũng cảm thấy choáng với những thay đổi của kỳ thi năm 2015. Theo ông Quang, chỉ mỗi việc quản lý dữ liệu thí sinh mà dự thảo quy chế nơi ghi trường THPT, nơi ghi sở GD-ĐT.

Một điểm mới của dự thảo là mỗi thí sinh có một số báo danh duy nhất gồm 6 chữ số được đánh tăng dần và liên tục cho đến hết thí sinh của từng hội đồng thi. Nhưng số báo danh càng nhiều thì rủi ro càng lớn, trong khi không cụm nào số thí sinh dự thi lên tới 100.000 mà dự trù số báo danh lên tới hàng triệu là không cần thiết.

Chỉnh sửa thế nào khi trường không quản lý dữ liệu ?

Yêu cầu học sinh góp ý quy chế thi THPT quốc gia

Sở GD-ĐT Hà Nội đã có công văn yêu cầu góp ý cho dự thảo quy chế thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy.

Theo đó, tất cả hiệu trưởng các trường THPT và giám đốc trung tâm GDTX của Hà Nội phải công bố công khai dự thảo quy chế và tổ chức lấy ý kiến góp ý của toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh tại cơ sở giáo dục của mình.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, trong dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, thủ trưởng trường THPT sẽ chịu trách nhiệm nhập thông tin TS đăng ký dự thi, quản lý các hồ sơ này và sở GD-ĐT quản trị dữ liệu đăng ký dự thi.

Như vậy năm nay hồ sơ dự thi sẽ không nằm ở cụm thi, TS sẽ chỉnh sửa hồ sơ ở đâu và các trường ĐH chủ trì cụm thi sẽ thực hiện danh sách ảnh như thế nào?

Cũng vấn đề này, tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa, lên tiếng: “Như mọi năm, các sai sót trong hồ sơ dự thi của TS khi trường nhận về từ các sở GD-ĐT có thể lên tới 15%, gồm sai sót họ tên, giới tính, năm sinh, ngành thi, khối thi, đặc biệt là ưu tiên tuyển sinh...

Vậy năm nay trường không quản lý dữ liệu, các sở GD-ĐT phải đảm bảo độ chính xác các thông tin này, cũng như cho phép TS được chỉnh sửa hồ sơ tại sở một tuần trước khi kỳ thi diễn ra.

Không thể để TS dồn về cụm thi chỉnh sửa trong ngày làm thủ tục dự thi vì sẽ quá tải”. Giải quyết vấn đề này, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ đề xuất mỗi TS nên nộp 2 bộ hồ sơ về trường THPT và cụm thi.

Về danh sách ảnh TS dự thi, tiến sĩ Lê Chí Thông nói thêm: “Nếu việc sắp xếp TS theo môn thì mỗi TS phải được thể hiện tối đa qua 8 danh sách ảnh, điều này là không thể thực hiện được. Nếu trường không giữ hồ sơ gốc của TS thì làm sao có ảnh để làm danh sách ảnh.

Đặc biệt, khi trường không biết rõ TS nhưng vẫn phải đóng dấu nổi lên giấy báo dự thi và danh sách ảnh để xác nhận TS là việc làm không hợp lý, đặc biệt khi công nghệ chỉnh sửa ảnh hiện đại như bây giờ”.

PGS VĂN NHƯ CƯƠNG - Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội: Kỹ thuật ra đề quan trọng hơn thang điểm

Nếu nói dùng thang điểm 20 để phân hóa được học sinh tốt hơn thì chưa đủ thuyết phục. Thang điểm bao nhiêu chỉ là cách quy ước, không làm thay đổi bản chất vấn đề là để giúp phân hóa học sinh tốt hơn.

Thang điểm 10 vẫn hoàn toàn có thể phân hóa học sinh tốt hơn nếu chi tiết hóa kết quả và đáp án đến 0,15 điểm, thay vì 0,25.

Một đề thi với 2 mục đích, điều tôi quan tâm nhất là cách thức và kỹ thuật ra đề. Trước đây, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chỉ có một mục đích mà thời gian làm bài vẫn bằng với thời gian làm bài của kỳ thi 2 mục đích sắp tới. Như vậy nếu ra đề không quá khó để các em có thể đủ điểm tốt nghiệp, thì phần tuyển sinh ĐH, CĐ lại quá dễ.

Bà LÊ NGỌC LAN - Giám đốc Trung tâm GDTX Ba Đình, Hà Nội: Cần tính đến đối tượng học sinh GDTX

Dự thảo quy chế thi quy định tất cả TS làm chung một đề, nghĩa là không có đề riêng dành cho học sinh học chương trình GDTX nữa. Điều này sẽ không đáng lo ngại nếu Bộ làm tốt công tác ra đề, xử lý kỹ thuật để học sinh hệ GDTX cũng hoàn toàn đủ kiến thức để làm bài.

Đề thi cần bám sát chương trình chuẩn, ma trận đề có tỷ lệ câu hỏi ghi nhớ và vận dụng kiến thức hợp lý thì học sinh hệ nào cũng có thể làm được bài.

* Cụm thi ĐH Quốc gia TP.HCM gồm 6 tiểu cụm

Theo kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, cụm thi do ĐH Quốc gia TP.HCM chủ trì có quy mô dự kiến 45.000 - 50.000 TS. ĐH này dự kiến chia thành các tiểu cụm theo các trường thành viên như sau: ĐH Bách khoa, Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa học tự nhiên, Quốc tế, Kinh tế - Luật, Công nghệ thông tin và Khoa Y.

Theo Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG