Thí sinh chưa mặn mà trường tư

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Ngày 6/8, ngày thứ 6 xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đợt 1 tiếp tục cho thấy sự chênh lệch hồ sơ xét tuyển (HSXT) giữa trường công lập và ngoài công lập. Tại một số trường công lập, lượng hồ sơ nộp vào đã vượt chỉ tiêu trong khi các trường ngoài công lập rất lèo tèo.

Vắng lặng trường tư

Tại Trường ĐH Văn Hiến TPHCM, ngay từ sáng sớm ngoài cổng đã có sinh viên tình nguyện đứng hướng dẫn phụ huynh và thí sinh, tuy nhiên, rất ít thí sinh đến nộp HSXT.

Một chuyên viên tuyển sinh của trường cho biết, những ngày qua trường chỉ nhận được mỗi ngày vài chục HS. Tính đến nay, trường nhận khoảng 500 HS trong khi chỉ tiêu là 1.500 chỉ tiêu. “Năm học này, trường dành 2,5 tỷ đồng học bổng cho sinh viên học giỏi, sinh viên khó khăn, nhà trường cam kết không tăng học phí suốt toàn khóa đối với thí sinh trúng tuyển… thế nhưng, vẫn ít thí sinh đến nộp HSXT”, vị chuyên viên cho hay.

Trường ĐH Công nghệ TPHCM qua 6 ngày nhận được khoảng 1.500 hồ sơ trong khi tổng chỉ tiêu của trường là 5.100. Ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn, tuyển sinh và truyền thông cho biết, trung bình trường nhận được khoảng 200 - 300 HS/ngày. Dự tính, đợt 1 trường chỉ tuyển được khoảng 40 - 50% chỉ tiêu, còn lại phải chờ nguyện vọng bổ sung.

“Trong đợt 1 này, nhiều em vẫn đang còn chen chân vào các trường công lập trước, đến khi không còn cơ hội thì sẽ quay lại các trường tư. Đây là tình trạng chung của nhiều trường ngoài công lập hiện nay”, ông Anh nói.

Đến nay, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có hơn 500 HSXT theo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia và hơn 2.000 HS học bạ (tính cả 2 đợt xét tuyển trước đó), trong khi tổng chỉ tiêu của trường là 6.800. Đại diện trường cho biết, hiện mới nhận được khoảng 1/3 HS so với tổng chỉ tiêu, trong khi đó, tỷ lệ ảo trong 2.000 HS xét tuyển bằng học bạ rất cao, bởi đa phần các thí sinh này đều nộp HS vào một trường khác nữa.

Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM cũng rơi vào tình cảnh tương tự vì sau 6 ngày mới nhận được khoảng 400 HS so với chỉ tiêu là hơn 1.000.

Nhiều trường vượt chỉ tiêu

Công bố mới nhất của một số trường ĐH công lập, lượng HS nộp vào đã vượt xa chỉ tiêu. Tuy nhiên, có sự lệch pha giữa các ngành đào tạo, dẫn đến việc nhiều thí sinh điều chỉnh các ưu tiên hoặc xin rút HS.

Ông Lê Ngọc Tứ, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, trường có hơn 5.000 HS trong khi chỉ tiêu của trường là 3.300, nhiều ngành đã đủ hoặc vượt chỉ tiêu, nhưng nhiều ngành vẫn đang còn thiếu. Cụ thể, các ngành đủ và vượt chỉ tiêu gồm sư phạm Văn, Giáo dục Tiểu học, sư phạm Toán, Sư phạm Anh văn…, các ngành thiếu gồm Giáo dục thể chất, sư phạm tiếng Pháp, Quốc tế học, Ngôn ngữ Nga - Anh...

Ông Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết, trường hiện có khoảng 3.700 HS, trong đó, có hai ngành vượt chỉ tiêu, có 12 thí sinh xin rút HS, Trường ĐH Kinh tế TPHCM đã nhận được 3.943 HS trên tổng chỉ tiêu 4.400. Mức điểm cao nhất 27,5 điểm và thấp nhất là 18.

Đáng lưu ý, Trường ĐH Mở TPHCM tính đến hôm qua đã nhận được hơn 3.000 HS trong khi chỉ tiêu là 2.650.

Vướng mắc, thí sinh có thể gọi đường dây nóng về Bộ

Gần một tuần việc nộp-rút hồ sơ của thí sinh đã bộc lộ nhiều vấn đề khác nhau, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết:

Bộ có nghe thông tin một số bưu điện không nhận hồ sơ của thí sinh, Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT đã trực tiếp làm việc với bưu điện, xử lý tình huống và việc nộp hồ sơ ĐKXT của thí sinh sẽ không có vấn đề gì trong những ngày tới. Nếu thuận lợi thì thí sinh cử gửi hồ sơ ĐKXT bằng thư phát chuyển  nhanh.

Về thông tin có trường không cho thí sinh rút hồ sơ ĐKXT, ông Ga nói, thí sinh hãy phản ánh trực tiếp các vấn đề qua đường dây nóng của Bộ GD&ĐT (04 36230816) để được giải quyết những vướng mắc liên quan.                

Hồ Thu 

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.