Thí nghiệm tuổi thơ

Thí nghiệm tuổi thơ
TP - Vụ 3 trẻ mầm non bị bỏng nặng vì cô giáo đốt cồn trong giờ dạy kỹ năng phòng chống cháy nổ tại Duy Tiên (Hà Nam) không chỉ để lại hậu quả đau lòng cho các cháu và gia đình mà còn bộc lộ sự thật yếu kém trong giáo dục kỹ năng sống tại các trường học.

Vụ việc khiến nhiều người ngạc nhiên vì không hiểu với những đứa bé quá nhỏ đó, kỹ năng phòng chống cháy nổ mà cô giáo dạy cho chúng có thực sự phù hợp không.

Theo hướng dẫn triển khai thực hiện giáo dục kỹ năng sống của Bộ GD&ĐT, đối với cấp học mầm non, nội dung giáo dục kỹ năng sống giúp trẻ nhận thức về bản thân: sự tự tin, tự lực, thực hiện những quy tắc an toàn thông thường, biết làm một số việc đơn giản; hình thành và phát triển các kỹ năng xã hội cần thiết: thể hiện tình cảm, sự chia sẻ, hợp tác, kiên trì, vượt khó; hình thành một số kỹ năng ứng xử phù hợp với gia đình, cộng đồng, bạn bè và môi trường. Đối với học sinh tiểu học, tập trung hình thành cho học sinh kỹ năng giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, bạn bè; kỹ năng xây dựng tình bạn đẹp; kỹ năng kiên trì trong học tập; kỹ năng đúng giờ và làm việc theo yêu cầu, kỹ năng đồng cảm...

Soi chiếu vào hướng dẫn trên, có thể thấy kỹ năng mà cô giáo ở Hà Nam áp dụng để dạy cho trẻ mầm non là quá sức đối với các cháu. Thậm chí, còn quá sức đối với bản thân cô nên mới để xảy ra sự cố đáng tiếc.

Nhiều giáo viên cho rằng mặc dù Bộ GD&ĐT có hướng dẫn như vậy nhưng  thực tế lại không có một chương trình khoa học, thống nhất về giáo dục kỹ năng sống, dẫn đến việc mạnh trường nào trường nấy thực hiện.

Do thấy con em mình không được trang bị những kỹ năng cần thiết trong nhà trường, nhiều phụ huynh đã cho trẻ theo học các lớp đào tạo, hướng dẫn kỹ năng sống bên ngoài. Tham khảo một số lớp đào tạo kỹ năng sống cho trẻ từ 3 đến 8 tuổi, có thể thấy những kỹ năng sống được các lớp học này quảng bá quá cao siêu, vượt quá khả năng tiếp thu của trẻ như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm...

Là một phụ huynh, tôi không khỏi thắc mắc liệu những kỹ năng đó có quá phù phiếm với những đứa trẻ ở tuổi mầm non hay không. Nếu có con ở tuổi đó, chắc chắn cha mẹ nào cũng chỉ mong muốn con được giáo dục những kỹ năng sống cơ bản nhất để trẻ biết vâng lời cha mẹ, thầy cô; có thể tự làm tốt việc vệ sinh cá nhân; sắp xếp đồ dùng ngăn nắp..., chứ chẳng dám đòi hỏi con mình hoàn hảo có kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lãnh đạo.

Nền giáo dục Việt Nam lâu nay vẫn bị xem là nặng lý thuyết, ít thực hành. Những môn học kỹ năng sống có lẽ cũng vì thế mà trở nên quá xa vời, quá thiếu thực tế với học sinh. Vô hình trung, nhiều học sinh trở thành “chuột bạch” cho những bài học kỹ năng sống của người lớn.

Kỹ năng sống không thể là lý thuyết, càng không thể là môn học đem học sinh ra thí nghiệm. Giáo dục kỹ năng sống cần thiết đối với học sinh. Nhưng nếu ngành giáo dục không có một chương trình khoa học, được nghiên cứu phù hợp với từng lứa tuổi học sinh, phù hợp với thực tế cuộc sống thì hậu quả cuối cùng chính các em học sinh phải gánh chịu những hậu quả và hệ lụy.        

MỚI - NÓNG