Quan trọng bởi người đứng đầu cục này phải lo quản lý và phát triển cả hệ thống đường bộ, huyết mạch giao thông trên cả nước. Vị trí trên là ghế “nóng” bởi ai cũng biết, giao thông đường bộ ở nước ta đang có quá nhiều vấn đề bức xúc: TNGT xảy ra như cơm bữa cướp đi 30 sinh mạng mỗi ngày; đường nhỏ hẹp, tắc nghẽn mà xe siêu trường, siêu trọng, quá tải, quá khổ rầm rầm suốt ngày đêm… Giải được một loạt bài toán nêu trên là cả một vấn đề không dễ trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay.
Như vậy, lần đầu tiên vị trí lãnh đạo một cơ quan có trọng trách lớn, quyền hành nhiều, chi tiêu cũng lắm như cục Đường bộ được đem ra thi tuyển công khai, dưới sự chứng kiến của báo chí. Trước nạn “chạy chức, chạy quyền” nhức nhối hiện nay, chức vụ này được thi tuyển công khai ắt thu hút sự quan tâm, theo dõi của công luận. Càng đáng chú ý hơn khi Bộ trưởng Đinh La Thăng tuyên bố chắc nịch : “Tất cả 4 đồng chí dự thi đều đủ điều kiện làm Tổng cục trưởng. Ban cán sự Đảng của Bộ đã xem xét, báo cáo các cơ quan Đảng T.Ư. Chính vì thế, rất mong các đồng chí trong ban giám khảo chấm công khai, vô tư, khách quan, không vì bất cứ một chỉ đạo nào của bất kì ai!”.
Thực ra vài năm nay, một số bộ ngành, địa phương cũng bắt đầu tổ chức thí điểm thi tuyển một vài chức danh lãnh đạo phòng ban, phó giám đốc sở, viện trưởng... Nhưng thường không có nhiều người đăng ký dự thi vì muôn ngàn lý do “tế nhị” khác nhau, nào là sợ trượt thì “ngại” với cấp dưới, sợ lộ lỗ hổng kiến thức (nếu có) trước bàn dân thiên hạ, sợ chưa thi đã chọn trước mất rồi... Hy vọng lần này sẽ khác.
Một nền kỹ trị, ở những vị trí mang tính điều hành, nghiệp vụ cao, bên cạnh phẩm chất đạo đức, rất cần có những người đứng đầu giỏi chuyên môn, giàu ý tưởng, nhạy bén và quyết đoán. Cách thi tuyển thay cho phương pháp đề bạt “truyền thống” sẽ khắc phục được những điểm yếu, thậm chí là tiêu cực lâu nay như “tròn vo” để được phiếu tín nhiệm, “con ông cháu cha”, chạy chức chạy quyền...
Ngẫm ra, thi làm quan không hề xa lạ ở nước ta, thậm chí là truyền thống lâu đời của cha ông, kéo dài ngót ngàn năm, từ năm 1075 đến năm 1919 dưới thời phong kiến. Thi Hương, thi Hội, thi Đình, ai đỗ ông nghè, ông cống hay trạng nguyên đều được bổ làm quan từ cấp huyện, phủ đến triều đình. Nay thi làm quan đã khác xa thời xưa về mọi mặt, song rất mong những gì tích cực, những gì tinh hoa chắt lọc từ ngàn đời khoa cử của dân tộc vẫn sẽ được phát huy trong những cuộc thi làm quan thời hiện đại. Ít ra cũng là thi thật để rồi cử thật!