Thí điểm kinh doanh sau 24h: Lộn xộn, khó kiểm soát

Quy định đăng ký kinh doanh sau 24h vẫn bị nhiều cơ sở kinh doanh phớt lờ.
Quy định đăng ký kinh doanh sau 24h vẫn bị nhiều cơ sở kinh doanh phớt lờ.
TP - Thành phố đã quy định các quán bar, nhà hàng, khách sạn, karaoke… trên địa bàn quận Hoàn Kiếm phải đăng ký với chính quyền sở tại để được cấp giấy phép kinh doanh sau 24h. Tuy nhiên, sau 3 tuần thí điểm, chưa có cơ sở nào thực hiện việc đăng ký, nhiều cơ sở kinh doanh còn thường xuyên hoạt động sau 2h sáng.

Phớt lờ quy định

Dù việc tổ chức thí điểm kinh doanh dịch vụ đến 2h sáng trên cả địa bàn quận Hoàn Kiếm, tuy vậy, đông vui nhất vẫn là khu phố cổ Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Hàng Buồm.. (phường Hàng Buồm). 

Thành phố quy định đến 2h sáng các hoạt động kinh doanh dịch vụ đều phải đóng cửa. Tuy nhiên, sau 3 tuần thí điểm vẫn có một số quán bar mở cửa sau khung giờ quy định. Nhiều cửa hàng ẩm thực trên phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giấy vẫn hoạt động “vượt khung” khiến các hộ dân liền kề bị ảnh hưởng đến sinh hoạt. Mặt khác, tình trạng cơ sở kinh doanh đóng cửa muộn cũng khiến cho việc thu gom rác, dọn vệ sinh môi trường của nhân viên Cty Môi trường Đô thị gặp nhiều khó khăn hơn.

Làm việc với PV Tiền Phong ngày 20/9, đại diện Phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm cho biết, sau 3 tuần thí điểm chưa có cơ sở nào nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh, bản cam kết đảm bảo yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại bộ phận “một cửa” UBND quận. Hiện mới chỉ có khoảng 40 cơ sở ký đơn đăng ký thực hiện thí điểm với các phường. Theo trình tự, các phường thống kê nộp lên bộ phận “một cửa” của UBND quận, từ đó quận sẽ xác minh để chứng nhận đăng ký cho các cơ sở kinh doanh đủ điều kiện.

Trước tình trạng nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ không đáp ứng được tiêu chí kinh doanh đến 2h sáng vẫn hoạt động trên địa bàn quận, đại diện Phòng Kinh tế quận cho biết, thời gian tới, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ đề xuất dán biển thông báo tại những cơ sở kinh doanh đủ điều kiện. 

Điều này vừa giúp cơ quan chức năng dễ kiểm tra, xử lý. Đồng thời giúp du khách biết những cơ sở đủ tiêu chuẩn cấp phép. “Công an quận, công an các phường đang liên tục kiểm tra, xử lý để không xảy ra hình ảnh thiếu mỹ quan trong thời gian thí điểm kinh doanh đến 2h sáng”, vị này nói.   

Quản lý chặt ngay từ khi thí điểm

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường & Phát triển cộng đồng khẳng định, việc UBND thành phố Hà Nội thí điểm cho các quán bar, nhà hàng, phố ẩm thực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được phép kinh doanh đến 2h sáng là một chủ trương đúng, nó có ý nghĩa kích cầu quan trọng đối với sự phát triển kinh tế du lịch Thủ đô. 

“Vì đang thời gian triển khai thí điểm nên thành phố cần chỉ đạo UBND quận Hoàn Kiếm kiểm tra thường xuyên, đôn đốc các quán bar, nhà hàng, khách sạn thực hiện nghiêm túc việc đăng ký để được cấp phép kinh doanh sau 24h, giúp chính quyền địa phương dễ dàng quản lý.

 Với loại hình kinh doanh gây tiếng ồn như quán bar, karaoke… cần kiên quyết yêu cầu đơn vị kinh doanh đảm bảo điều kiện cách âm đúng quy định, tránh làm ảnh hưởng đến giấc ngủ đêm của các hộ liền kề…”, bà An cho biết.

Bà An cho rằng, nếu để các hộ kinh doanh  tự ý kéo dài hơn thời gian quy định thì việc quản lý về sau (nếu được áp dụng đại trà) sẽ rất khó khăn. “Ngăn chặn tình trạng kinh doanh không phép, kinh doanh sai quy định về thời gian là không khó, vấn đề là lực lượng Công an phường và chính quyền địa phương có quyết tâm. 

Chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kinh doanh, nhưng với các chủ cơ sở kinh doanh phớt lờ quy định, UBND quận Hoàn Kiếm cần kiên quyết rút giấy phép kinh doanh đến khi đủ điều kiện thì được phép mở cửa trở lại. Quản lý chặt ngay trong thời gian thí điểm sẽ thuận lợi cho việc quản lý lâu dài, nếu việc nới lỏng “giờ giới nghiêm” được áp dụng toàn thành phố…”, bà An phát biểu.

Mòn mỏi chờ “chốt” dịch vụ kinh doanh

Trong tuần thứ 3 thí điểm phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, việc giảm thiểu khó khăn kinh tế cho các hộ dân kinh doanh buôn bán đang bị ảnh hưởng từ đề án mở rộng phố đi bộ vẫn chưa có lời giải, do Sở Công Thương chưa “chốt” xong danh sách dịch vụ được phép kinh doanh trong phố đi bộ.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, việc chốt danh sách loại hình kinh doanh dịch vụ cho phố đi bộ là điều kiện quan trọng để giữ chân du khách, đồng thời giúp người dân chuyển đổi loại hình kinh doanh cho phù hợp với không gian đi bộ. Để người dân ủng hộ chủ trương mở rộng phố đi bộ, trong những tuần qua UBND quận Hoàn Kiếm đã liên tục đề nghị Sở Công Thương lập đề án trình Thành phố phê duyệt đưa vào thực hiện. “Hiện vẫn còn những ý kiến đề nghị xem xét lại thời gian hoạt động ban ngày, nhưng tôi tin điều này sẽ được giải quyết khi có định hướng cụ thể chuyển đổi mô hình kinh doanh phục vụ cho chính phố đi bộ…”, ông Tuấn nói.           

                Hà Thành

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
TPO - Hoàn thành từ năm 2017 nhưng dự án tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) vẫn trong tình trạng bỏ hoang, với nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai đầu tư dự án cải tạo, bảo đảm khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt nhất đời sống người dân sau khi được bàn giao nhà tái định cư.