Sau đội giá là điều chỉnh tiến độ
Tiếp sau việc lý giải về dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đội giá thêm hơn 339 triệu đô (tăng 62% so với tổng mức đầu tư ban đầu), trong thông báo mới đây, Bộ GTVT (chủ đầu tư) cho biết, dự án phải điều chỉnh thời gian hoàn thành từ 6/2015 sang tháng 12/2015, chậm nửa năm so với tiến độ ban đầu.
Tuy nhiên các chuyên gia đô thị cho rằng, với 90% thời gian đã qua nhưng đến nay những hạng mục cơ bản của dự án như đường ray, nhà ga và khu depot (trạm cuối)… vẫn chưa có hạng mục nào hoàn thành, do vậy việc dự án hoàn thành vào tháng 6/2015 hoặc tháng 12/2015 là điều khó xảy ra.
Vậy nhưng trong các cuộc làm việc, thị sát của lãnh đạo thành phố Hà Nội và chứng kiến của nhân dân Thủ đô, cả Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT- đại diện chủ đầu tư) và Tổng thầu EPC (Cty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc) luôn hứa dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ.
Đơn cử, cuối năm 2011, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đến kiểm tra tiến độ dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, tại công trường dự án qua khu vực Hào Nam (Đống Đa), ông Nghị cho biết, đây là tuyến ĐSĐT đầu tiên của Thủ đô, việc hoàn thành dự án ngoài giải quyết vấn đề giao thông còn thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, mang lại sự văn minh cho Hà Nội.
“Dự án chậm ngày nào ảnh hưởng đến đời sống nhân dân ngày đó. Đến nay dự án hầu như không còn khó khăn gì về vốn, mặt bằng, nhưng đến cuối năm 2014, thậm chí đầu năm 2015 mới đưa vào sử dụng là chậm”, ông Nghị lưu ý.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, tuyến đường có chiều dài 13 km, trong khi ở Trung Quốc, nhà thầu - Cty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt (Trung Quốc), thi công những tuyến dài hàng trăm km nhưng chỉ mất từ một đến hai năm. Vì sao ở Hà Nội mặt bằng đã có lại chậm thế?
“Mọi khó khăn giờ đã được giai quyết, các đồng chí hãy cùng với chúng tôi đẩy nhanh tiến độ lên. Phấn đấu làm sao từ nay đến Quốc khánh Trung Quốc- 1/10/2014 hoặc Quốc khánh Việt Nam - 2/9/2014 đưa dự án vào sử dụng thay vì tháng 6/2015 như kế hoạch”, Bí thư Thành ủy Hà Nội từng nói với các đơn vị thực hiện.
Cả lãnh đạo Tổng thầu Trung Quốc và đại diện chủ đầu tư đã chụm tay cùng Bí thư Thành ủy Hà Nội và hứa, quyết tâm sẽ hoàn thành dự án vào Quốc khánh Việt Nam - 2/9/2014. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa đạt được tiến độ như lời hứa.
Sau đội gia, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông điều chỉnh tiến độ nhưng vẫn chậm hoàn thành. Ảnh: Trọng Đảng.
Tố Tổng thầu Trung Quốc yếu kém
Trước thực tế thiếu an toàn và chậm tiến độ của dự án, ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ GTVT cho biết, trong quá trình thực hiện dự án, Tổng thầu EPC đã để xảy ra rất nhiều tồn tại, như: Tiến độ thi công, hoàn thành thiết kế kỹ thuật, bản vẽ, chỉ dẫn kỹ thuật rất chậm; không đồng bộ; công trường thi công không gọn gàng, bụi bẩn.
Đặc biệt, đã để xảy ra hai sự cố mất an toàn nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản chỉ trong một thời gian ngắn. “Sau khi xảy ra các sự việc trên, Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã tích cực vào cuộc, chỉ đạo Tổng thầu EPC Trung Quốc tìm các biện pháp đẩy nhanh tiến độ, bù lại thời gian đã bị chậm; nhưng Tổng thầu đã không khẩn trương, tích cực phối hợp với Chủ đầu tư để thực hiện các nội dung trên”, ông Thành cho hay.
Không những thế, theo ông Thành, trên công trường thi công tiếp tục để xảy ra tình trạng mất an toàn do công tác kiểm tra, kiểm soát của Tổng thầu còn lơ là, thiếu trách nhiệm, lực lượng kiểm soát thi công mỏng, năng lực yếu kém, phó mặc cho các đơn vị thầu phụ thực hiện. Ban Quản lý dự án đã nhiều lần phê bình, nhắc nhở và ban hành các văn bản cảnh cáo nhưng đến nay Tổng thầu EPC vẫn chưa cải thiện.
Về tiến độ thực hiện dự án, ông Thành cho rằng, đến nay tiến độ thi công đã chậm trễ nghiêm trọng, đặc biệt một số hạng mục thuộc đường găng của dự án.
Thêm vào đó, công tác thanh toán của tổng thầu cho các đơn vị thầu phụ vẫn rất chậm trễ, nợ đọng ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính của các nhà thầu phụ, làm chậm tiến độ thi công của dự án. Hiện tổng số nợ báo cáo đến 20/1/2015 của tổng thầu đối với các đơn vị thầu phụ là 426 tỷ đồng, đến nay mới thanh toán được 275 tỷ đồng trong khi tổng thầu cam kết giải quyết xong nợ đọng đầu tháng 3/2015.
Thêm vào đó, công tác thanh toán của tổng thầu cho các đơn vị thầu phụ vẫn rất chậm trễ, nợ đọng ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính của các nhà thầu phụ, làm chậm tiến độ thi công của dự án. Hiện tổng số nợ báo cáo đến 20/1/2015 của tổng thầu đối với các đơn vị thầu phụ là 426 tỷ đồng, đến nay mới thanh toán được 275 tỷ đồng trong khi tổng thầu cam kết giải quyết xong nợ đọng đầu tháng 3/2015.