Đến tham dự có Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Lê Quốc Phong; Nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Chánh Trực; Phó Trưởng Ban Dân vận Thành uỷ Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng các đồng chí là cựu cán bộ phong trào sinh viên Văn khoa và các gương sinh viên 5 tốt và sinh viên nhà trường.
Đây là công trình không gian truyền thống của phong trào HSSV thứ 2 được khởi công sau trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM.
Công trình được thiết kế là một khối tượng với 3 cụm chính, gồm: Cung trung tâm khắc hoạ rõ nét khí thế hào hùng của sinh viên xuống đường đấu tranh, được khởi nguồn bởi những buổi hội thảo tại giảng đường 1, giảng đường 2 để tập hợp đông đảo lực lượng sinh viên, thanh niên; biểu ngữ “Phản đối chiến tranh xân lược – Hoà bình cho Việt Nam!” là lời đanh thép của những người tri thức trẻ về khát vọng hoà bình và ổn định để học tập và nghiên cứu; hoà cùng ý chí của cả dân tộc, khát vọng đó vẫn luôn còn ý nghĩa đối với cả thế hệ hiện nay.
Cụm bên trái thể hiện hoạt động văn hoá văn nghệ để tập hợp đông đảo sinh viên cùng tham gia đấu tranh, nhiều đội – nhóm đã gắn liền nhiều thế hệ sinh viên khoa học như Lửa Hồng, Bừng Sống, Hội Nữ Sinh viên, Thế hệ mới,… Từ đó, các nhân tố tích cực được thử thách rồi được kết nạp trở thành Hội viên, Đoàn viên, Đảng viên. Nơi đây cũng ghi dấu là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của phong trào Học sinh, Sinh viên Sài Gòn.
Các đồng chí lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm sau nghi thức khởi công
Cụm bên phải thể hiện hình ảnh các thế hệ sinh viên trường vẫn luôn miệt mài học tập, nghiên cứu khoa học, dù cho đó là giai đoạn đấu tranh hay hoà bình luôn đặt việc học tập, nghiên cứu khoa học lên hàng đầu để khẳng định bản thân, mang tri thức để phục vụ cho đất nước.
Công trình “Không gian truyền thống phong trào Học sinh, Sinh viên Sài Gòn – Gia Định – TPHCM” được khắc hoạ ở mỗi địa điểm khác nhau nhưng đều có điểm chung là dòng chảy xuyên suốt trong phong trào sinh viên của trường qua các giai đoạn, đó là lòng yêu nước, yêu hoà bình, khát vọng tri thức, sự nỗ lực và khẳng định bản thân để góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. Đây là biểu tượng, minh chứng hùng hồn về một thời tranh đấu của thầy cô, sinh viên, người lao động của nhà trường, đó vẫn còn có ý nghĩa đến thời điểm hiện tại như một lời nhắc nhở các thế hệ về một niềm tự hào truyền thống của ngôi trường Anh hùng.