Theo ông Liệu, với số lượng chiếm 1/4 dân số cả nước, BHYT HSSV có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong các năm qua, công tác BHYT HSSV luôn được tổ chức, thực hiện hiệu quả với sự phối hợp giữa ngành BHXH, GD&ĐT, Y tế. Tỉ lệ HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm. Năm học 2015- 2016, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt 90,5%, tương ứng khoảng 15,6 triệu em.
Nhiều ý kiến cho rằng HSSV là lứa tuổi giàu sức khỏe, ít sử dụng BHYT nên tấm thẻ BHYT chưa thực sự cần thiết. Tuy nhiên, bệnh tật không trừ một ai. Bức tranh về mô hình bệnh tật của Việt Nam đang thay đổi, nhiều căn bệnh nguy hiểm đang “trẻ hóa” đối tượng mắc. Thực tế, Quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo (khoảng 80 triệu đồng/năm); điều trị thuốc chống ung thư, phẫu thuật tim mạch từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng...
Đặc biệt, Quỹ Khám chữa bệnh BHYT còn trích 7% kinh phí để lại cho hoạt động YTTH phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) cho HSSV. Số liệu thống kê hằng năm cho thấy, nguồn kinh phí từ Quỹ BHYT dành cho công tác CSSKBĐ cho HSSV tại YTTH ngày càng tăng. Nếu như năm 2006, số chi cho công tác này là trên 75 tỷ đồng, thì năm học 2015-2016 tăng lên xấp xỉ 600 tỷ đồng. Kinh phí từ nguồn quỹ BHYT đang giữ vai trò chủ yếu trong nguồn kinh phí hoạt động của YTTH, khoảng 82%, trong khi phần chi từ NSNN khoảng 18%...
Chúng ta đang có nhiều điều kiện thuận lợi để đưa mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trở thành hiện thực. Đến nay, việc tham gia BHYT HSSV theo năm tài chính như quy định của Luật BHYT 2014 đã đi vào khuôn khổ, không còn là quy định mới gây “ngỡ ngàng” cho nhà trường và phụ huynh.
Ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam
Theo ông Trần Đình Liệu, bước sang năm học 2016-2017, chúng ta đang có nhiều điều kiện thuận lợi để đưa mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trở thành hiện thực. Đến nay, việc tham gia BHYT HSSV theo năm tài chính như quy định của Luật BHYT 2014 đã đi vào khuôn khổ, không còn là quy định mới gây ngỡ ngàng cho nhà trường và phụ huynh. Năm học 2015-2016, khi những điểm mới của chính sách BHYT HSSV trong Luật BHYT 2014 chính thức có hiệu lực đã khiến công tác này gặp một số trở ngại.
Nhiều HSSV và phụ huynh chưa thích ứng với quy định mới, phát sinh một số băn khoăn, vướng mắc như: Mức đóng BHYT đối với HSSV từ ngày 1/1/2015 là 4,5% mức lương cơ sở; việc chuyển đổi từ thu và phát hành thẻ BHYT theo năm học sang thu và phát hành thẻ theo năm tài chính… Các khó khăn này ngay lập tức đã được ngành BHXH chủ động tháo gỡ ngay trong thời gian đầu triển khai thực hiện.
BHXH Việt Nam cũng phối hợp với Bộ Y tế trình Chính phủ cho phép thực hiện phương án BHYT linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đảm bảo quyền lựa chọn phương thức đóng của HSSV và phù hợp với quy định của Luật BHYT. Đề nghị Chính phủ xem xét tăng mức hỗ trợ tham gia BHYT cho nhóm đối tượng này… Cùng với sự vào cuộc tích cực hơn của ngành GD&ĐT, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đạt 90,5% trong năm học 2015-2016 là tiền đề khả quan cho việc thực hiện chính sách này trong năm học 2016-2017.
Đặc biệt, trong năm 2016 đánh dấu mốc quan trọng thực hiện chính sách BHYT là Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167 nâng mục tiêu bao phủ BHYT năm 2020 bình quân cả nước lên 90,7%. Tại Quyết định này, Thủ tướng đã giao BHXH Việt Nam chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ và chính quyền địa phương về việc mở rộng tỉ lệ bao phủ BHYT; tổ chức triển khai thực hiện; phát triển đối tượng tham gia BHYT. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp, cơ chế, chính sách liên quan đến việc phát triển đối tượng tham gia, đóng BHYT và tổ chức triển khai thực hiện. Do đó, với mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trong năm 2017, thời gian qua, ngành BHXH đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để tăng độ để bao phủ BHYT nhằm sớm cán đích.