Thêm 3 ca nghi ngờ dương tính SARS-CoV-2 ở ổ dịch Kim Thành

0:00 / 0:00
0:00
Ngành y tế Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm của người dân.
Ngành y tế Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm của người dân.
TPO - Trao đổi với Tiền Phong sáng 19/3, đại diện BCĐ Phòng chống COVID-19 huyện Kim Thành (Hải Dương) thông tin, địa phương vừa ghi nhận thêm 3 ca nghi ngờ dương tính SARS-CoV-2 sau 5 lần xét nghiệm. Họ đều là F1, được cách ly tập trung từ trước.

Ba trường hợp này gồm: bà N.T.V (SN 1963, bán thuốc tại cổng chợ Kim Đính); anh Đ.M.D (SN 1986) và cháu N.N.S (SN 2015). Ca ba trường hợp này đều trú tại xã Kim Đính (Kim Thành, Hải Dương).

“Đây là những trường hợp F1 của các ca bệnh trước, được đưa vào khu cách ly tập trung tại Trường mầm non Kim Đính từ cuối tháng 2. Hiện BCĐ Phòng chống COVID-19 huyện tiếp tục cách ly, theo dõi, điều trị cho những trường hợp này. Đồng thời, truy vết F1, F2 liên quan”, đại diện BCĐ Phòng chống COVID-19 huyện Kim Thành nói.

Còn ông Nguyễn Văn Hiểu – Chủ tịch UBND xã Kim Đính (Kim Thành, Hải Dương) thông tin, cả ba trường hợp trên đều được cách ly tập trung từ ngày 26/2. Sau 5 lần xét nghiệm, kết quả xác định ba trường hợp trên dương tính SARS-CoV-2.

Do được cách ly từ sớm nên địa phương đã khoanh vùng, phong tỏa và áp dụng các biện pháp phòng dịch ngay từ đầu nên cơ bản không phát sinh F1, F2 mới.

“Ba trường hợp này đã được cách ly tập trung từ trước. Thời điểm xét nghiệm, kết quả dương tính SARS-CoV-2, họ đều vẫn đang trong khu cách ly tập trung”, ông Nguyễn Văn Hiểu nói.

Sáng cùng ngày, UBND xã Kim Đính đã phát đi thông báo truy tìm người liên quan các ca bệnh trên. Theo đó, đề nghị những người từng tiếp xúc với 3 trường hợp này từ ngày 26/2 đến 1/3 khẩn trương ra Trạm y tế xã để khai báo y tế và được hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch.

Chuyên gia khuyến cáo cho bệnh nhân thận giai đoạn cuối trong dịch COVID-19

Nhóm bệnh nhân thận mạn giai đoạn cuối có rất nhiều bệnh nền, nếu chẳng may nhiễm COVID-19 thì nguy cơ tiến triển nặng và tử vong rất cao.

Hướng dẫn “Quản lý, điều trị bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch COVID-19” vừa được Bộ Y tế ban hành có mục tiêu bảo đảm an toàn và hiệu quả điều trị cho người bệnh lọc máu trong đại dịch. Đồng thời, hướng dẫn các nhân viên y tế thực hiện công tác phòng, chống COVID-19 và điều trị, quản lý người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối tại các cơ sở y tế. 

Theo TS.BS Nguyễn Hữu Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, đây là một hướng dẫn dành riêng cho nhóm bệnh nhân thận mạn giai đoạn cuối do nhóm đối tượng này rất đặc biệt. Họ có rất nhiều bệnh nền, giả sử bệnh nhân nhiễm COVID-19 thì nguy cơ tiến triển nặng và tử vong rất cao.

Thêm nữa, đây là nhóm bệnh nhân có khả năng miễn dịch kém, bệnh nhân phải đến bệnh viện nhiều lần trong tháng và tiếp xúc với nhiều người nên nguy cơ phơi nhiễm rất cao. Để tổ chức điều trị cho bệnh nhân thận nhân tạo rất khó khăn. Đây là một hướng dẫn tập hợp rất nhiều hướng dẫn trên thế giới và những kinh nghiệm của các lần chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Các khuyến nghị đưa ra cho người bệnh chạy thận

Theo TS. Dũng, hướng dẫn có 3 vấn đề chính: Thứ nhất là khuyến nghị cho bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối, đặc biệt là những bệnh nhân lọc máu (gồm chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng).

Thứ hai, là công tác tổ chức khám, điều trị của nhân viên y tế đối với nhóm bệnh nhân này.

Thứ ba, là làm sao quản lý tốt nhất nhóm bệnh nhân lọc máu, đặc biệt là nhóm bệnh nhân thận nhân tạo. Nội dung chính của hướng dẫn này là vấn đề cách ly, làm sao cách ly tốt nhất, hướng dẫn bệnh nhân tự cách ly, các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn, các biện pháp phòng chống lây lan và hướng dẫn cho nhân viên y tế các biện pháp để phòng tránh lây nhiễm chéo.

Để làm được điều này, trước hết người bệnh phải hiểu được cách thức lây truyền của dịch bệnh COVID-19. Phải hiểu rõ tại sao nhóm bệnh nhân thận mạn giai đoạn cuối phải đặc biệt chú ý, hạn chế tiếp xúc, phòng tránh lây nhiễm. Bệnh nhân phải tuân thủ cách ly ở nhà như thế nào? Trên đường đến bệnh viện như thế nào? Khi đến đơn vị lọc máu phải làm gì và khi về phải làm gì? Trong những ngày bệnh nhân không đi lọc máu có diễn biến gì đặc biệt thì phải liên hệ với cơ sở y tế và bác sĩ điều trị để xử lý kịp thời, tránh tối đa đi lại đơn vị lọc máu khi không có hướng dẫn cụ thể.

Tóm lại, bệnh nhân cần hạn chế tiếp xúc tối đa. Tránh đi ra ngoài đường, tránh tụ tập đông người, nên sử dụng phương tiện cá nhân khi đi lọc máu, tránh sử dụng phương tiện công cộng như xe bus, taxi. Khi đến lọc máu thì nên đến thẳng Bệnh viện, phải sát trùng tay, đeo khẩu trang, kiểm tra nhiệt độ, khai báo y tế. Khi lọc máu phải tuân thủ các qui định của bệnh viện: tránh đi lại, ăn uống trong thời gian chờ lọc máu… Kết thúc lọc máu, bệnh nhân về nhà thay quần áo, tắm rửa và nên hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh.

Cũng theo chuyên gia thận nhân tạo, hướng dẫn điều trị quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch COVID-19 đề cập tới việc ưu tiên lọc màng bụng tại nhà để người bệnh có thể được điều trị, duy trì cuộc sống và an toàn hơn trong việc đối phó với đại dịch.

Hải Dương: Tiếp tục dừng cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu

UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành Quyết định tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19  trạng thái mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Theo đó, từ ngày 18/3/2021 đến hết ngày 31/3/2021 toàn tỉnh thực hiện theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó:

- Các xã/thôn/khu/điểm dân cư đang thực hiện quyết định phong tỏa thì tiếp tục thực hiện cho tới khi có quyết định kết thúc phong tỏa.

- Mọi người dân nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế"; cài đặt ứng dụng Bluezone.

- Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 02m khi tiếp xúc.

UBND tỉnh Hải Dương giao Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đối với các huyện/thị xã/thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục duy trì hoạt động Đội xử lý tình trạng khẩn cấp về y tế; tổ chức diễn tập thử trong tình huống xuất hiện ca dương tính với SARS-Cov-2 mới; tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tổ COVID cộng đồng, Tổ an toàn COVID trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Tiếp tục dừng các hoạt động: lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, các giải thi đấu thể thao, sự kiện có tập trung quá 30 người tại nơi công cộng/ sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.

Tiếp tục tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu: khu/điểm vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, mát-xa, karaoke, quán bar, vũ trường, quán game, rạp chiếu phim, điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng, các trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa, bồi dưỡng kỹ năng sống trong toàn tỉnh...

Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê…) trừ các cơ sở nêu tại Khoản 3 Điều này, các khu tập luyện thể thao, khu di tích, danh lam thắng cảnh được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc. Riêng nhà hàng, quán ăn, quán cà phê không phục vụ tại chỗ.

Tại Quyết định cũng nêu rõ, cho phép hoạt động trở lại đối với: Vận tải khách liên tỉnh (xe buýt, xe tuyến cố định, xe hợp đồng và xe taxi) từ Hải Dương đi các tỉnh và ngược lại; Công tác đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Trạm dừng nghỉ trên Quốc lộ 18.

Các hoạt động trở lại trên phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải.

Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như: đeo khẩu trang, sát trùng tay, ngồi giãn cách, thực hiện giám sát về y tế, không tổ chức liên hoan, tiệc mừng.

Chủ tịch UBND các huyện/thị xã/thành phố căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, theo thẩm quyền có thể quyết định việc thực hiện các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đà Nẵng cho phép xe đi đến từ Hải Dương hoạt động trở lại

Ngày 19/3, Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết: đã có thông báo về việc khôi phục hoạt động trở lại đối với một số loại hình kinh doanh vận tải trên địa bàn TP đi đến tỉnh Hải Dương.

Theo đó, loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô (theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, taxi) đi và đến tỉnh Hải Dương được phép hoạt động trở lại từ ngày 18/3.

Để đảm bảo an toàn, Sở GTVT TP Đà Nẵng  yêu cầu các đơn vị vận tải, bến xe thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Chỉ được phép chở tối đa 50% số ghế, nhưng không được quá 20 người/xe, riêng taxi chỉ được chở 1 người lớn/xe.

Đồng thời, thường xuyên giám sát hành trình các phương tiện để kịp thời phát hiện, xử lý trường hợp vị phạm nếu có.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".