Trò chuyện cùng nhà báo Nhị Lê - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản

Thế Nước, Lòng Dân, Vận Ðảng

Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Ảnh: TTXVN.
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Ảnh: TTXVN.
TP - Nhị Lê là một nhà lý luận của Ðảng, đồng thời cũng là một nhà báo thẳng thắn, luôn mong muốn nhận diện và phân tích các nguy cơ với Ðảng, tham gia đề xuất các giải pháp sửa đổi và kiện toàn quyết sách phát triển đất nước phù hợp với tình hình mới. Nhân dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và ngày Quốc khánh 2/9, nhà báo Nhị Lê trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong về những vấn đề mà nhân dân cả nước đang rất quan tâm.

Cấp bách đổi mới công tác cán bộ

Thưa nhà báo Nhị Lê, vì sao một trong những việc cấp bách nhất của Đảng ta hiện nay là đột phá mạnh mẽ vào việc đổi mới công tác cán bộ?

Sau khi có quyết sách đúng, sự thành bại của mọi việc là do cán bộ. Sau khi có đường lối đúng, yếu tố quyết định còn lại là công tác cán bộ. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Vấn đề then chốt của then chốt, trong công tác xây dựng Đảng, là công tác cán bộ! Lịch sử đất nước, chỉ nhìn trong gần một thế kỷ qua, đã xác nhận tầm quan trọng bậc nhất của phần việc cơ bản này. Và thực tiễn, nhìn vào đâu cũng thấy nổi lên vấn đề đó. Trong bối cảnh một tỉ lệ không nhỏ cán bộ đã bị suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, ngày càng xa rời lý tưởng cao quý của Đảng, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII mới đây đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để bàn về công tác cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm trọng trách phát triển đất nước.

Cán bộ cho dù tài bao nhiêu thì tài, mà đức kém hoặc không có đức, thì thôi, cũng “chỉ như chiếc lá bay”, nếu không nói là tai họa. Quyền lực cao bao nhiêu, quan trọng và mạnh mẽ bao nhiêu, mà giao cho những kẻ vô đạo đức, thì nguy hiểm không khác gì thả rông thú hoang vào xã hội. Vì, nền chính trị chân chính nào cũng cần những người có đạo đức! Nên dễ hiểu vì sao nhân dân mong có biểu tượng, tấm gương xứng đáng cho mình, cho quốc gia dân tộc, trước hết về đạo đức. Quyền lực càng cao, mà đức chửa tương dung, nói như cổ nhân: “Nhung y bất xứng kỳ đức”, thì hậu họa khôn lường!

Khi Nhân dân đã ký thác lòng tin, thì tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. Lâu nay, đây đó đã hiểu sai lệch về Đức. Cứ thấy ông này không đụng chạm ai thì quy đó là tốt. Ông kia cả đời chả mở miệng được câu nào cho ra dáng con người chân chính thì bảo chín chắn. Có những chính khách, không cất nhời thì có thể hiểu về ông ta còn âm âm u u, nhưng cứ hễ mở miệng ra không còn nghi ngờ gì nữa. Rồi, “Đi nhẹ, nói khẽ, hay cười. Việc đâu bỏ đó, là người phiếu cao”(!). Đánh giá con người, cán bộ hóa ra rất mù mờ. Chưa nói tới hiện tượng “cả họ làm quan”, “cha truyền con nối” đang khuynh đảo không ít chốn quan trường. Cơ chế tuyển chọn người như thế, rất cần được cấp bách chỉnh đốn.

Thưa nhà báo Nhị Lê, ai cũng biết “sửa đổi việc chọn người” là mong muốn, cũng là nhiệm vụ cực kỳ khó. Vậy, cơ chế đổi mới nên được triển khai như thế nào cho hiệu quả, và khả thi?

Đảng đã nhìn thấy các cách làm hiện thời không đủ thông thái để tập hợp được những tinh hoa của dân tộc. Và, quyết tâm sửa.

Nhớ lại, ba Chính phủ đầu tiên của chúng ta, từ Chính phủ cách mạng lâm thời năm 1945, rồi Chính phủ Liên hiệp, đến Chính phủ kháng chiến, trong suốt 9 năm đầu đầy rẫy khó khăn sinh tử, chỉ có khoảng 40% là đảng viên, còn lại đều là những người ngoài Đảng nhưng đức cao vọng trọng, tài năng, danh tiếng trong và ngoài nước. Tài không nệ tuổi, không kể thành phần xuất thân, hễ là nhân tài sẵn sàng xả thân vì giang san xã tắc, đều được trọng dụng. Nếu không thế, làm sao chúng ta có được một chiến thắng Điện Biên lừng lẫy địa cầu?

Lâu nay, ta thường chỉ dựa vào bầu cử để chọn người, mà ít tiến cử, ứng tuyển, đặc cách tuyển, thậm chí tranh tuyển một cách dân chủ và công khai, minh bạch… Lối vào bộ máy đã chật hẹp, việc chọn người lại nảy nòi tệ nạn cơ hội, mị dân kiếm phiếu, chạy vạy, thủ đoạn… vô hình đã làm hư hỏng không ít cán bộ, làm thoái chí nhiều người vốn trọng liêm sỉ, danh dự. Vì thế mà đội ngũ chưa toàn vẹn, xứng tầm.

Ngay cả việc bầu cử, cùng với bao ràng buộc, điều kiện nhiêu khê: tuổi tác, bằng cấp… lại hóa ra như rào cản, trói buộc hữu hình. Thậm chí đó đây còn sinh thói tư túng, phân biệt đối đãi, đặc quyền. Dễ hiểu tại sao không ít nơi, nhiều cán bộ vốn kém cỏi, trung bình, thậm chí tai tiếng, lại được chọn, chưa kể tệ bè cánh, sở thích cá nhân chi phối, kinh tế lũng đoạn tinh vi… Dẫn đến hình thành những bộ máy quản lý cồng kềnh, khấp khểnh, chưa xứng đáng với lòng mong đợi của Nhân dân. Chúng ta đã phải xử lý không ít cán bộ suy thoái cả bằng kỷ luật và pháp luật, do hệ lụy này. Vì nó mà chúng ta không đủ lực lượng xứng tầm, nên đã bỏ lỡ không ít thời cơ phát triển đất nước. Thời cơ, thì không chờ đợi bất kỳ ai cả.

Cần sửa đổi cho rõ Nhân dân sẽ được quyền gì trong việc tham gia lựa chọn cán bộ cho Nhà nước và hệ thống chính trị, theo luật định? Đảng phải cầm quyền bằng pháp trị để ngăn ngừa và chống đặc quyền và độc quyền một cách công khai, minh bạch và dân chủ. Vì, vốn quý nhất của chế độ, chính là Lòng tin của Nhân dân.

Công khai, Dân chủ, để Dân tin

 Thưa nhà báo Nhị Lê, ai cũng biết tệ nạn mua chức, mua quyền, mua việc từ nhiều năm qua đã xảy ra. Nhiều nơi tê liệt ý chí đấu tranh, trong khi những hiện tượng cố ý làm trái, tiêu cực, tham nhũng ngày càng phổ biến. Đổi mới thế nào, làm thế nào để Nghị quyết về công tác cán bộ khả thi và thực sự đi vào đời sống?

Việc đột phá vào cơ chế, phải bắt đầu từ cách đột phá vào đội ngũ những người làm công tác tổ chức - cán bộ. Nếu lắng nghe dân thực chất, công tác cán bộ không có những yếu kém như vừa qua. Nếu có cơ chế giám sát và tổ chức chặt chẽ, lắng nghe từ mọi phía, thì tiêu cực đã không ở mức độ như hiện nay.

Quy định 76/QĐ-TW của Bộ Chính trị về việc nhận xét Đảng viên 2 chiều lâu nay thường bị thực hiện theo cách rất hời hợt, hình thức và chiếu lệ. Ở chỗ tôi sinh hoạt, có trường hợp Bộ trưởng cần lấy ý kiến tín nhiệm của dân phố. Cả phố đều không đồng ý giới thiệu vị ấy tái ứng cử. Cuối cùng, vị ấy nhờ cấp trên thuyết phục dân phố. Tiên trị gia, hậu trị quốc. Công dân không hoàn thiện thì sao có thể làm cán bộ, lại làm cán bộ lãnh đạo tốt được? 

Lâu nay, sau bộ khung Điều lệ Đảng, đã có hàng loạt quy định cụ thể. Tuy nhiên, việc thực thi nửa vời dẫn đến thực trạng không ít cán bộ sai phạm mà không bị xử lý gì, hoặc xử lý thì cũng chẳng khác gì “sét đánh vào… cột thu lôi” (!) Do quy chế chưa chặt. Nhiều khi cũng do cơ quan nơi thực thi quy chế đó không trong sạch, nên mới không nghiêm khắc với cán bộ, đảng viên do mình quản lý.

Có công khai, dân chủ, minh bạch, trên nền tảng pháp quyền, lắng nghe ý kiến Nhân dân, thì Đảng mới trong sạch, Nước mới phát triển bền vững. Thanh tra Chính phủ đã công bố hơn 70% số vụ việc tiêu cực, tham nhũng là do báo chí phát hiện. Báo chí đã lên tiếng, các cấp ủy phải trả lời thẳng thắn, đúng sự thật và xử lý triệt để. Phải rà soát, xem xét một cách thực chất, xử lý cho rõ ràng, thấu đáo, công bố rộng rãi, để lòng tin của Nhân dân được tôn trọng và nhân lên. 

Cá nhân ông có ủng hộ đưa những mảng công tác nhiều khi bị cho là việc nội bộ như tuyển dụng nhân sự, điều hành ngân sách, công khai tài sản cán bộ lên mạng internet không?

Tại sao lại không? Tốt quá đi chứ. Quá tốt, ít nhất về cơ chế kiểm tra, giám sát!

Tất cả những công cụ như thế giúp chúng ta minh bạch, mà bản thân sự minh bạch và công khai trên nền tảng dân chủ sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ hơn, nhìn thấu suốt, đập tan mọi trở lực phá hỏng công cuộc kiến thiết đất nước của chúng ta. Con đường ngắn nhất dẫn tới thành công của công khai và dân chủ, là chủ động bảo đảm chế độ thông tin. Lâu nay, điều này đã được đề xuất nhiều lần, nhưng nền hành chính cồng kềnh, nhiều tầng nấc, từ trong Đảng tới ngoài Chính phủ đang là trở ngại.

Tôi khẳng định: Đột phá về cơ chế quản lý cán bộ chính là phải đột phá vào khâu sinh tử: kiểm tra, giám sát, kiểm soát cán bộ và công tác cán bộ. Trong việc kiểm tra, giám sát, nếu bí mật thông tin về cán bộ là ngả đường dẫn tới các ngõ cụt không lối ra, trong việc kiến tạo đội ngũ cán bộ các cấp xứng tầm trọng trách lịch sử mà Hội nghị Trung ương 7 vừa xác quyết. Nói gọn lại, ở đây, chỉ cần bốn chữ thôi: Công khai, Dân chủ!

Được biết ông là một cán bộ được làm việc với Tổng Bí thư. Ông có thể đề xuất Tổng Bí thư tiến hành ngay việc công khai, minh bạch về cán bộ, điều mà toàn dân rất mong được thấy, trong thời gian sớm nhất không?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm về vấn đề này, và đã nhiều lần nhắc: Công khai là thanh bảo kiếm tự chữa lành những vết thương, do nó gây ra. Nhưng cần có lộ trình. Những gì cần công khai được, thì phải công khai. Đã đến lúc cần xóa bỏ những “vùng tối” về cán bộ và công tác cán bộ. Tất nhiên, những gì thuộc về bí mật quốc gia, quốc sách chiến lược, an ninh quốc phòng mà liên quan tới cán bộ, cần bảo mật thì phải giữ. Nghĩa là, công khai tất cả những gì cho phép trong khả năng có thể.

Ví dụ, công khai toàn bộ thân nhân, và công khai nhân thân cán bộ, đặc biệt là cán bộ cao cấp. Hiện có 610 người cấp thứ trưởng trở lên, cần phải làm gương công khai thân nhân và tài sản. Có thể dẫn đến một số va chạm, thậm chí lảng tránh, lực cản. Nhưng, đã là người của tổ chức, thì anh phải có nghĩa vụ và chịu trách nhiệm thực thi. Nếu không chấp nhận điều đó, thì không đứng trong bộ máy nữa. Nắm trọng trách tới cấp này, có công khai nguồn gốc tài sản cho Dân biết, thì Dân mới có thể giám sát được chứ.

Những nước văn minh mà tôi đã biết, thì không nước nào úp mở chuyện này cả. Đức, Pháp, Anh, Bồ Đào Nha, Singapore, và nhiều nước khác nữa. Họ công khai nhân thân, và công khai thân nhân. Con cái học hành, thu nhập, tài sản v.v... Thậm chí kinh phí công vụ hằng năm dành cho Tổng thống họ cũng công khai. Hễ vượt quá, mà Tổng thống muốn đi, phải tự bỏ tiền túi!

Đã đến lúc chín muồi để Đảng minh bạch thêm nhiều điều, cho các cơ quan có trách nhiệm và Nhân dân đủ cơ sở kiểm tra, giám sát; Cũng để cán bộ phải giữ mình, sửa mình và tự bảo vệ mình trước mọi sự vu cáo, bôi nhọ hoặc tin đồn thất thiệt.

Chỉ có kiểm tra, giám sát tốt mới chọn được đúng người, đúng cán bộ cần chọn! Đó cũng là phần việc to lớn, nặng nề của các cơ quan và cán bộ làm công tác tổ chức.

Ðảng là “con nòi” của Dân

Thưa nhà báo Nhị Lê, xin ông phân tích mối quan hệ giữa Đảng với Dân! Vì dường như mối quan hệ này từ khi Đảng mới được Bác Hồ thành lập trong muôn vàn gian khổ, tới nay đã ít nhiều biến đổi?

Thế Nước, Lòng Dân, Vận Ðảng ảnh 1
 

Cụ Hồ nói: Đảng ta là đứa con nòi của Nhân dân lao động.  Về mặt đạo lý, như Cụ Hồ nói, con không để cha mẹ biết rõ về mình, thì có còn xứng đáng là đứa con nòi không? Vì sao Nhân dân lại không thể được biết mọi điều cần biết về Đảng? Dân sinh ra Đảng, Dân nuôi và bảo vệ Đảng! Vì sao Nhân dân lại không có quyền đòi hỏi quyền làm cha, làm mẹ của mình chứ! Cha mẹ có quyền đòi hỏi đứa con của mình về bổn phận chứ! Đảng phải kính dân, trọng dân, hiếu với dân, chứ không phải ngược lại. Chúng ta vừa nhìn lại Kết luận số 120 của Bộ Chính trị khóa XI và tổng kết 20 năm thực thi Quy chế Dân chủ ở cơ sở, càng thấm thía điều mệnh hệ sinh tử và máu thịt này, đòi hỏi phải càng làm tốt về phương diện pháp lý.

Nhân đây, tôi nhớ về các khẩu hiệu. Có câu hay. Nhưng cũng không ít khẩu hiệu rơi vào sáo ngữ, chiếu lệ, vô cảm, thậm chí rất suông, lợi bất cập hại! Lạ là sao nhiều nơi, tổ chức Đảng không chú ý để chỉnh sửa cho đúng bản chất mối quan hệ giữa Đảng với Dân? Nếu cần phải có khẩu hiệu, tại sao không phải là: “Đảng lập công dâng tặng Nhân dân”, mà lại là: “Lập công dâng Đảng”? Chẳng nhẽ cha mẹ dâng tặng công lao cho “đứa con nòi” của mình? Cần nhớ: “Sông phía Bắc, Biển phía Đông/ Nếu không Dân cũng là không có gì!”. Rồi, ngay cả cái hô ngữ: “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất Nước”- ba mệnh đề đó đã làm nổ ra bao cuộc tranh cãi về trật tự trước sau các ý tứ.

Chưa ai có điều kiện thống kê để tính tiền thuế của Nhân dân đóng đã bỏ ra tới bao nhiêu để làm ra hàng vạn câu khẩu hiệu sáo rỗng trên toàn quốc, từ năm này qua năm khác. Chắc chắn không dưới nghìn tỷ đồng. Nếu tiết kiệm khoản chi phí này, chúng ta có thể xây thêm hàng nghìn phòng học cho các cháu vùng cao, hàng trăm cây cầu cho đồng bào vùng sâu, thêm hàng triệu bữa ăn đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân nghèo, người cô đơn, tàn tật. Khẩu hiệu suông sao sánh được tình cảm thật sự nơi Lòng Dân? Nhân dân không thích nói suông, đại ngôn, hô hào phù phiếm tốn sức, tốn công tốn của, mà cần hành động cụ thể, thiết thực, dù rất bé thôi của mỗi cán bộ, đảng viên cho Dân và vì Dân!

Thay vì hô khẩu hiệu, giăng khẩu hiệu, cần hành động sao cho Dân ủng hộ, Dân tin, Dân làm theo...

Thưa nhà báo Nhị Lê, ông nghĩ gì về sự nương nhẹ, vị tình trong việc điều hành tổ chức Đảng và Nhà nước?

Người Việt ta thường hay sống vị tình: “Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”. Nhưng, đồng bào ta cũng lại rất minh bạch, rất rạch ròi: “Thương anh, em để trong lòng/ Việc công thì cứ phép công em làm!”. Nhiều khi tình đồng chí, tình anh em khó lòng tách bạch. Nhưng đã tham gia điều hành tổ chức, đất nước, thì buộc phải Quốc pháp vô thân. Pháp luật trên hết.

Cái vị tình, cái vị thân vốn đáng quý trong đời thường, nhưng nếu để nó chen vào, thậm chí chế ngự bộ máy thì sẽ làm hỏng việc công. Chúng ta có tới 275 luật và Bộ luật. Cả rừng Luật. Nhưng để bảo đảm Quốc pháp bất vị thân thì rất khó. Việc khó này, pháp luật phải đối mặt. Rào cản tâm lý, rào cản tình nghĩa song hành và tranh đấu với yêu cầu tự nhiên về sự minh bạch, công bằng của pháp luật. Vì thế dư luận mới râm ran trong cuộc chống tham nhũng, đây đó có phe này phe kia, người anh người tôi (!) Lối hành xử Sơ thì nặng, thân thì nhẹ đã xâm hại luật pháp.

 Chưa kể đến những điều khoản của Luật về miễn giảm, miễn trừ. Khung hình phạt thì quá rộng, có những khung độ doãng đến 7-8 năm, cho 5 năm cũng được, 10 năm cũng được, khi tuyên án. Khung đấy, cách thiết kế bộ luật như thế đã hạ thấp tính công bằng, nghiêm minh. Độ doãng quá rộng của khung hình phạt khiến cuộc đấu tranh chống tham nhũng càng vấp thêm rào cản, nhất là rào cản về mặt pháp lý. Khoảng cách giữa tối thiểu với tối đa quá rộng đó là mảnh đất phì nhiêu cho chủ nghĩa vị tình, thậm chí tạo điều kiện cho người ta dùng kim tiền thỏa thuận, mua bán công lý, công bằng, lẽ phải!

 Hàng nghìn bộ Luật cũng không thể khép kín được cuộc sống. Luật chỉ là khung để dẫn dắt và điều chỉnh xã hội. Khung vênh, khung lệch thì sửa thôi. Bộ luật Hình sự mới ra đời đã phải sửa đổi. Phải sửa, và sửa thường xuyên. Nhưng lại loay hoay sửa đến mức mà nhiều bộ luật cứ ra vài năm lại phải sửa, thì cũng phải xem lại năng lực của bộ máy lập pháp và mối quan hệ giữa hành pháp và lập pháp trong Nhà nước pháp quyền của chúng ta.

Ðiều quan trọng là hành động của bộ máy thực thi

Đất nước nhìn đâu cũng bề bộn những nỗi lo toan. Bộ máy lãnh đạo cũng phải chỉnh đốn, phải sửa đổi không ngừng. Cơ sở nào để Dân tin sự chỉnh đốn, sửa đổi lần này sẽ bảo đảm cho Nước mạnh, Dân giàu?

Điều ai cũng thấy, là hành động hiệu quả có giá trị hơn hàng tá cương lĩnh. Sự chuyển động trong công tác cán bộ, đặc biệt là việc xử lý cán bộ quyết không thể có vùng cấm, có đặc quyền đặc lợi. Vừa qua, một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ai có sai phạm nghiêm trọng cũng đều bị xử lý bằng pháp luật một cách công minh chính đại. Điều đó đáng để Dân tin.

Không chống được tham nhũng thì lòng dân xao xuyến, thể chế có nguy cơ ngả nghiêng. Không chỉ chống tham nhũng về vật chất, mà quan trọng hơn nữa, là phải chống tham nhũng quyền lực. Nhưng điều đáng lo ngại nhất, lại chính là tham nhũng lòng tin. Nhân dân phải có điều xứng đáng để tin, để noi theo mà hành động cho đúng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người chủ trì cuộc chiến chống tham nhũng gian khó này, đã thẳng thắn: “Ai không làm được thì dẹp sang bên cho người khác làm”, vì những cản lực vô cùng lớn đang cản trở cuộc chiến đấu này, làm xâm hại lòng tin của Nhân dân. Đó cũng là chí nguyện của Nhân dân! Cũng cần nói thêm là, sự liên minh của lợi ích nhóm đã tạo thành các liên minh ma quỷ, nguy cơ nhen nhóm tệ nạn “sứ quân” chuyên quyền. Năm 2018, cuộc chiến chống tham nhũng đã tiến được những bước rất dài, nhưng vẫn chưa thỏa được lòng mong mỏi của Nhân dân.

Bước vào năm 2019, trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp vào năm 2020, Đảng ta càng phải xử lý mạnh mẽ hơn nữa các băng nhóm tham nhũng đủ loại. Nếu không có tầm nhìn, không có những giải pháp mạnh mẽ, trên nền tảng Dân Chủ và Pháp Trị, một cách nghiêm khắc, minh bạch và công khai, thì rất khó thành công. Cũng cần nói thêm, cuộc chiến chống tham nhũng quyền lực chưa bao giờ khó như bây giờ. Nạn lợi ích nhóm đã tung tác, tệ cát cứ đã nảy nòi. Để đất nước ổn định và phát triển, để bảo toàn danh dự và nâng cao sức mạnh của Đảng, của Chính phủ, các quyết nghị của Hội nghị Trung ương 6, 7 khóa XII vừa qua đã tạo độ mở rất lớn cho những thay đổi mang tính quyết định trên tầm chiến lược về kiến tạo bộ máy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược và đội ngũ cán bộ các cấp. Tình hình bây giờ nằm trong 6 chữ thôi: Thế Nước - Lòng Dân - Vận Đảng!

Xin trân trọng cảm ơn nhà báo Nhị Lê.

Trong việc kiểm tra, giám sát, nếu bí mật thông tin về cán bộ là ngả đường dẫn tới các ngõ cụt không lối ra, trong việc kiến tạo đội ngũ cán bộ các cấp xứng tầm trọng trách lịch sử mà Hội nghị Trung ương 7 vừa xác quyết. Nói gọn lại, ở đây, chỉ cần bốn chữ thôi: Công khai, Dân chủ!

Nhà báo Nhị Lê - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

MỚI - NÓNG