Thế mạnh phát triển nông nghiệp của huyện Kon Plông

0:00 / 0:00
0:00
Với tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Kon Plông (Kon Tum) đã tập trung quy hoạch và hình thành các vùng tập trung phát triển nông nghiệp, định hướng các loại nhóm cây, các sản phẩm chủ lực, phù hợp và có giá trị kinh tế cao, tạo thu nhập bền vững cho người dân.

Qua đó, huyện Kon Plông đã quy hoạch và phát triển vùng rau, hoa, quả xứ lạnh Măng đen với tổng diện tích hơn 1.000 ha. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 450 ha, trong đó sản xuất theo công nghệ cao khoảng 65%, hữu cơ khoảng 30% trên tổng diện tích sản xuất nông nghiệp.

Thế mạnh phát triển nông nghiệp của huyện Kon Plông ảnh 1

Hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên các loại cây trồng ở Kon Plông phát triển rất tốt

Ông Phạm Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ 266 ha. Diện tích nhà màng, nhà kính 33,4 ha. Diện tích áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương 205 ha. Hiện tại, huyện có 23 doanh nghiệp, tổ chức sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, 11 doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 1 tổ hợp tác (10 hộ) được cấp chứng nhận VietGAP; chứng nhận VietGAP cho 1 vùng sản xuất lúa gạo đỏ với diện tích 20 ha.

Ngoài ra, theo ông Thắng huyện cũng đã hỗ trợ 15 tổ chức, cá nhân làm mã QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến cuối năm 2023, có 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được UBND tỉnh công nhận.

Được biết, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông đã lãnh đạo xây dựng và ban hành Đề án phát triển cây Cà phê xứ lạnh bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Kon Plông với mục tiêu phấn đấu phát triển 2.000 ha, hình thành vùng Cà phê trọng điểm, gắn với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm; phát triển thương hiệu Cà phê xứ lạnh Măng Đen. Đến cuối năm 2023, diện tích cây cà phê hiện có hơn 650 ha. “Để hỗ trợ, phát triển cà phê xứ lạnh, năm 2024, huyện đang tập trung nguồn lực để triển khai 7 dự án hỗ trợ sản xuất cà phê xứ lạnh. Triển khai 2 dự án liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất cà phê. Đồng thời, đã kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai các liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp với nhân dân”, ông Thắng nhấn mạnh.

Phát triển cây dược liệu hướng tập trung

Với lợi thế về khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng thuận lợi, huyện Kon Plông đã hình thành và phát triển vùng trồng dược liệu tập trung trên địa bàn, đến nay thực hiện trồng được 1.323,9 ha (diện tích dược liệu ngắn ngày, dài ngày, diện tích khoanh nuôi), diện tích cây dược liệu theo chỉ tiêu giao trồng mới năm 2024 là 370 ha. Huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ trồng bổ sung 790 ha các loại cây dược liệu tự nhiên như cây cốt toái bổ, ngũ Vị tử, lan kim tuyến, chè dây, tiêu rừng, sơn tra. Cùng với đó trồng mới bổ sung cây sim, chuối rừng, cây ươi, thông 5 lá với diện tích 165 ha. Từ đây sẽ xây dựng các nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu.

Ông Thắng bày tỏ: “Huyện sẽ tiếp tục phát triển vùng dược liệu tập trung, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của một số xã như Đăk Tăng, Măng Bút, Măng Cành. Tiếp tục phát triển vùng trồng tập trung cây sả java tại các xã Đăk Nên 30 ha, Đăk Ring 30 ha, Ngọk Tem 30 ha, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích hồng đẳng sâm đạt 1.000 ha, diện tích trồng tập trung tại các xã Đăk Tăng, Măng Cành, thị trấn Măng Đen, Măng Buk”.

Đặc biệt, vừa qua huyện đã quy hoạch và đầu tư phát triển vùng trồng chè tại xã Hiếu và Pờ Ê, đến nay đã trồng được 95 ha, (đã thu hoạch cho ra sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài) và bảo tồn phát triển chè cổ hiện có tại địa phương, phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 500 ha tổng diện tích cây chè, theo hướng hữu cơ. Cùng với đó, huyện cũng quy hoạch, phát triển vùng trồng cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng khí hậu.

Bên cạnh diện tích nuôi trồng thủy sản hiện có (34 ha), trong năm 2024, huyện Kon Plông đang tập trung triển khai dự án hỗ trợ nuôi cá lồng bè tại hồ thủy điện Thượng Kon Tum, Thủy điện Đăk Đrinh, dự án hỗ trợ nuôi cá tầm tại xã Măng Bút, Đăk Ring, dự án hỗ trợ nuôi cá niêng tại xã Đăk Ring từ nguồn vốn Chương trình MTQG.

MỚI - NÓNG