The Intercept - Nỗi ám ảnh của quân đội Mỹ

The Intercept hồi tháng 10-2015 đã tiết lộ bí mật về việc các máy bay không người lái của Mỹ đã sát hại nhiều dân thường Afghanistan.
The Intercept hồi tháng 10-2015 đã tiết lộ bí mật về việc các máy bay không người lái của Mỹ đã sát hại nhiều dân thường Afghanistan.
Được thành lập từ cách đây hơn một năm, The Intercept đã gây chấn động dư luận thế giới bằng một loạt tiết lộ về các bí mật quân sự của Mỹ mà gần đây nhất là về những sai lầm chết người trong các cuộc không kích bằng máy bay không người lái tại Afghanistan.

Không giống như trang WikiLeaks của ông chủ Julian Assange, The Intercept hoạt động với một cơ chế mở đặc biệt dưới sự dẫn dắt tài tình của 3 nhà báo Glenn Greenwald, Laura Poitras và Jeremy Scahill.

Theo tin từ tờ The Guardian, hiện cả 3 nhà báo nói trên đều đang nằm trong danh sách theo dõi đặc biệt của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Bởi lẽ, giới chức an ninh Mỹ đang hy vọng rằng, Glenn Greenwald, Laura Poitras và đặc biệt là Jeremy Scahill có thể giúp họ tìm được nhân vật được biết đến với bí danh "Snowden 2.0" - người đã tiết lộ về các danh sách theo dõi khủng bố của Mỹ cũng như những vụ không kích nhầm vào dân thường Afghanistan của lực lượng không quân Mỹ? Bên cạnh đó, FBI cũng muốn thắt chặt các hoạt động của The Intercept để không xảy ra thêm bất kỳ một vụ rò rỉ thông tin mật nào khác.

Tuy nhiên, những đe dọa và kiểm soát này không làm nao núng tinh thần "phơi bày sự thật ra ánh sáng công lý" của nhóm phóng viên ở The Intercept. Trong lần trả lời phỏng vấn Hãng CNN, Glenn Greenwald cho biết anh đã quá quen với những trò đe dọa nói trên và sẽ có cách để làm sao The Intercept vẫn mang đến những "thông tin bổ ích" cho người đọc.

The Intercept - Nỗi ám ảnh của quân đội Mỹ ảnh 1

Ba nhà báo điều hành The Intercept đang bị FBI theo dõi chặt chẽ.

Cũng theo Glenn Greenwald thì mỗi một phóng sự điều tra tiết lộ các bí mật quân sự của Mỹ đều được thực hiện khá công phu (từ 6 tháng đến 2 năm) và nhận được sự trợ giúp của rất nhiều người trong cuộc. Kinh nghiệm trong mỗi lần lấy tin của Glenn Greenwald là phải tạo được sự tin tưởng tuyệt đối với người cung cấp thông tin cho mình và phải có tinh thần "sẵn sàng chấp nhận" mọi rủi ro để bảo vệ nguồn tin của mình.

The Intercept - Nỗi ám ảnh của quân đội Mỹ ảnh 2

Nhà báo Glenn Greenwald.

Glenn Greenwald kể rằng, từ cái ngày anh được gặp mặt trực tiếp "người thổi còi" Edward Snowden cách đây hơn 2 năm, anh chưa một giây phút nào được thảnh thơi. Lúc nào, Glenn Greenwald cũng được FBI "chăm sóc kỹ lưỡng". Thậm chí, văn phòng, nhà riêng của anh đều bị lục soát. Ấy thế nhưng họ cũng chẳng thể tìm được bất kỳ thông tin nào để làm ảnh hưởng đến cuộc sống hay số phận của Edward Snowden. Bản gốc của các nguồn tài liệu mà Edward Snowden cung cấp cho Glenn Greenwald ngày anh bỏ trốn sang Hồng Kông rồi cả những thông tin được gửi khi đang sống tị nạn tại Nga đều được cất giữ tại một nơi bí mật.

Glenn Greenwald cho biết, anh có ít nhất 4 chiếc laptop với những cách thức khóa mã tài liệu riêng biệt. Anh nói: "Tôi không bao giờ cung cấp tin cho chính phủ và họ cũng chẳng bao giờ tìm thấy gì trong laptop của tôi".

Sau sự kiện đình đám liên quan đến Edward Snowden, Glenn Greenwald liên tục được vinh danh tại các giải thưởng báo chí lớn trên thế giới như giải của tạp chí Foregin Policy năm 2013; giải Nhất về loạt phóng sự điều tra về chương trình nghe lén quy mô lớn của Mỹ và Anh do tờ The Guardian đứng ra tổ chức; giải thưởng Pulitzer của Mỹ năm 2014.

Chưa hết, tại giải thưởng báo chí danh giá George Polk lần thứ 65 của Mỹ, anh cùng 4 nhà báo khác chuyên viết về sự kiện Edward Snowden, trong đó có nữ đồng nghiệp đồng thời là người cùng anh sáng lập ra The Intercept, nữ đạo diễn kiêm quay phim Laura Poitras đã nhận được giải Nhất vì đã "phơi bày bộ mặt thật về lực lượng tình báo Mỹ".

Được biết, Glenn Greenwald là bình luận viên cho chuyên mục tự do công dân và một số chuyên mục khác của tờ The Guardian, chi nhánh tại Mỹ. Trước khi tham gia vào làng báo, anh còn là một luật sư nổi tiếng và là cộng tác viên thân thiết của một số tờ báo chính trị như The New York Times, Los Angeles Times, The American Conservative, The National Interest và In These Times. Glenn Greenwald đã viết 4 cuốn sách và 3 trong số đó được tờ The New York Times xếp vào hàng bán chạy nhất.

Anh còn được mời làm diễn giả tại nhiều trường đại học lớn ở Mỹ như Đại học Harvard, Đại học Yale, Đại học Pennsylvania, Đại học Brown, Đại học Wisconsin, Đại học Maryland. Về đời sống riêng tư, Glenn Greenwald không bao giờ giấu giếm việc mình là người đồng tính. Anh thường xuyên sống ở Rio de Janeiro (Brazil), thành phố quê hương của bạn trai là David Michael Miranda. Hai người đã sống chung với nhau trong một thời gian dài và nuôi tới 11 con chó  mà họ tình cờ nhặt được ở ngoài đường.

The Intercept - Nỗi ám ảnh của quân đội Mỹ ảnh 3

Đạo diễn, quay phim tài liệu Laura Poitras.

Luôn bên cạnh động viên, hỗ trợ và là đồng nghiệp đầu tiên cùng Glenn Greenwald gặp gỡ, quay phim về Edward Snowden là nhà làm phim tài liệu Laura Poitras. Laura Poitras đã nhận được nhiều giải thưởng cho các tác phẩm của mình, trong đó có giải Oscar 2015 cho phim tài liệu hay nhất mang tên "Citizenfour" kể về Edward Snowden.

Cô cũng là nữ nhà báo đầu tiên trong số 4 nhà báo tiếp xúc với "người thổi còi" Edward Snowden dám kiện lại Bộ Tư pháp Mỹ và một số cơ quan tình báo về những phiền toái mà họ gây ra với bà trong quá trình theo dấu cựu nhân viên CIA này. Đơn kiện của cô đã được Tòa án Mỹ thụ lý từ cuối tháng 7 vừa qua. Một điểm thú vị ở nhà làm phim người Mỹ này là tuy là phận nữ nhưng Laura Poitras dám dấn thân trước mọi hiểm nguy, có mặt tại nhiều vùng đất chiến tranh để ghi lại những cảnh có một không hai.

Trước khi cùng làm việc với Glenn Greenwald, Laura Poitras từng bị Cơ quan Tình báo Mỹ theo dõi hồi năm 2006 sau khi bà tới Iraq quay bộ phim mang tên "My Country" về Riyadh al-Adhadh, một bác sĩ nổi tiếng đồng thời là chính trị gia theo dòng Hồi giáo Sunni nổi tiếng ở vùng Vịnh.

Hai năm sau đó, Laura Poitras bị bắt giữ bởi lực lượng biên phòng Mỹ khi thực hiện phóng sự điều tra về nạn tham nhũng ở vùng biên. Sau 4 tiếng đồng hồ bị tra khảo, cô đã được thả với lời đe dọa không nên trở lại Mỹ. Vì thế, Laura Poitras đã quyết định tới sống và làm việc tại Đức.

Chính tại đây, cô đã làm quen với Glenn Greenwall và tình cờ tham gia vào hành trình đưa tin về cuộc trốn chạy cũng như những bí mật của quân đội Mỹ mà Edward Snowden tiết lộ. Hiện tại, Laura Poitras đang đóng vai trò nhà sản xuất, quay phim và biên tập cho Kênh truyền hình Channel 4. Đồng thời, cô cũng tham gia tích cực vào hoạt động của tờ The Intercept với mong muốn công bố cho cộng đồng thế giới biết về những mặt trái trong xã hội, trong hoạt động của các cơ quan tình báo và quân đội Mỹ. 

The Intercept - Nỗi ám ảnh của quân đội Mỹ ảnh 4

Nhà báo Jeremy Scahill.

The Intercept - Nỗi ám ảnh của quân đội Mỹ ảnh 5

Nhà báo Glenn Greenwall (bên trái) và nhà báo Jeremy Scahill.

Người cuối cùng trong nhóm điều hành trang web The Intercept và cũng là nhà báo trẻ tuổi nhất là Jeremy Scahill. Jeremy Scahill là người duy nhất nắm được nguồn thông tin về chương trình máy bay không người lái của Mỹ do một cựu quân nhân Mỹ cung cấp.  Mới 31 tuổi nhưng Jeremy Scahill đã là một nhà báo khá nổi tiếng ở Mỹ với những phóng sự điều tra về cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq, bê bối trong Công ty Blackwater, cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu. Trong các bài viết của mình, Jeremy Scahill thường có cách nhìn khác lạ và tìm được những thông tin ẩn sâu đằng sau sự việc đã xảy ra.

Hãng AP cho hay, chàng phóng viên đến từ Chicago này đã bị FBI theo dõi từ cuối năm ngoái khi anh đăng tải bài báo nói rằng, 1/2 trong tổng số 680.000 người bị nghi là phần tử khủng bố ở Mỹ thực ra lại "chả có mối quan hệ với bất kỳ một tổ chức khủng bố nào". FBI cũng tin rằng, Jeremy Scahill đang có mối liên hệ mật thiết với một nhân vật khác được biết dưới bí danh "Snowden 2.0" và thường xuyên có mặt tại nhà riêng của người này ở bang Virginia. Đài MSNBC dẫn lời một đồng nghiệp của Jeremy Scahill nói rằng, Jeremy Scahill luôn kỳ công và cẩn trọng mỗi khi thực hiện các phóng sự điều tra. Anh sẵn sàng bỏ ra cả năm trời để theo đuổi một sự kiện cho dù có gặp nhiều nguy hiểm.

Điểm lợi thế lớn của Jeremy Scahill so với các nhà báo khác là anh có thể làm được nhiều công đoạn trong ngành báo như làm phát thanh, quay video truyền hình, viết báo giấy và làm tin cho các trang điện tử. Anh cũng có kiến thức khá rộng về lĩnh vực công nghệ thông tin nên biết cách moi móc được nhiều thông tin lạ từ Internet.

Trước khi chuyên tâm làm việc cho The Intercept, Jeremy Scahill đã khởi nghiệp báo chí trong vai trò sản xuất phim truyền hình, phát thành viên của chuyên mục "Democracy Now" và chương trình phim tài liệu trên sóng phát thanh mang tên "Drilling and Killing". Jeremy Scahill cũng là một trong những phóng viên đã tích cực tham gia viết loạt bài phóng sự phát hiện ra sự tồn tại bất hợp pháp của những trung tâm chống khủng bố và tra tấn tù nhân của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) hồi năm 2011.

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.