Việt Nam kiên quyết bác bỏ quy chế đánh bắt cá của Trung Quốc

Ngư dân miền Trung Việt Nam đánh bắt hải sản. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.
Ngư dân miền Trung Việt Nam đánh bắt hải sản. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.
TP - Trước việc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tiếp tục ra thông báo điều chỉnh quy chế về nghỉ đánh bắt cá trên biển, bao gồm một số vùng biển của Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/5/2018, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này.

Đó là tuyên bố của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 22/3 để trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước động thái trên của Trung Quốc.

Bà Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Đại diện Bộ Ngoại giao tuyên bố: “Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông, trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thỏa thuận quan trọng Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông hiện nay”.

Quân sự hóa lực lượng hải cảnh

Trung Quốc vừa chuyển quyền kiểm soát lực lượng hải cảnh cho lực lượng cảnh sát vũ trang, một bước đi được đánh giá là sẽ tác động nhiều đến tình hình trên các vùng biển tranh chấp ở khu vực.

Theo kế hoạch mới nhất nhằm tái cấu trúc các tổ chức nhà nước được thông báo hôm 21/3, lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẽ thuộc lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc (PAP) – một lực lượng bán quân sự gần đây được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương (CMC).

Trước đây, lực lượng hải cảnh Trung Quốc thuộc quyền kiểm soát của Cục Hải dương nhà nước. Sau khi được đưa về PAP, lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẽ được tái cấu trúc. Sự chuyển giao này có vai trò quan trọng nhằm “triển khai đầy đủ quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội và các lực lượng vũ trang khác”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn tài liệu vừa được công bố cho biết.

Nhà quan sát quân sự Ni Lexiong cho rằng việc tái cấu trúc hải cảnh sẽ giúp lực lượng này được đào tạo tốt hơn như một lực lượng của quân đội, thay vì dân sự như trước đây.

Ông Lexiong cho rằng bước đi này có thể khắc phục một số vấn đề về ngoại giao mà Trung Quốc gặp phải trong xử lý các xung đột, vì trong các tranh chấp trên biển, có một vùng đệm là lực lượng phi quân sự thường sẽ giúp giảm căng thẳng. Ông Lyle Morris, một nhà phân tích chính sách cấp cao tại tổ chức tư vấn chính sách RAND Corporation (đặt tại Mỹ), cho rằng việc đưa lực lượng hải cảnh vào PAP sẽ dẫn đến những hậu quả sâu rộng.

“Sự thay đổi này đã chính thức hóa quyền chỉ huy và kiểm soát lực lượng hải cảnh tương đương quân đội chứ không phải lực lượng dân sự nữa. Hàm ý của việc đặt lực lượng hải cảnh dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy trung ương là lực lượng này sẽ có nhiều quyền và sự linh hoạt để hành động quyết định trên những vùng biển tranh chấp như Hoa Đông và biển Đông”, ông Morris nói. Chuyên gia này cho rằng thay đổi mới cũng sẽ giúp lực lượng hải cảnh tự do huấn luyện quy mô lớn hơn và chia sẻ thông tin tình báo thu được từ các hoạt động của họ với quân đội Trung Quốc.

“Điều này còn có nghĩa là lực lượng hải cảnh có thể sử dụng vũ lực và các chức năng chiến tranh cùng với quân đội Trung Quốc. Dù Trung Quốc có thể không bao giờ công khai tuyên bố lực lượng hải cảnh của họ có chức năng chiến tranh, nhưng thay đổi này cho thấy rõ ràng rằng họ có chức năng đó nếu lựa chọn”, ông Morris nói.

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc được lập năm 2013 với sự hợp nhất của 4 cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm quản lý biển, giữ trật tự trên biển, hải quan và quản lý nghề cá. Cùng với việc bảo vệ các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên các khu vực tranh chấp ở biển Đông và Hoa Đông, lực lượng này còn thực hiện các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, chống buôn lậu và quản lý nghề cá.

Phản đối Đài Loan tập trận ở Trường Sa

Phản ứng trước việc Đài Loan mới đây tổ chức tập trận bắn đạn thật ở khu vực đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Vì vậy, việc Đài Loan nhiều lần tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở biển Đông. “Một lần nữa, Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không để tái diễn các hành động tương tự”, bà Hằng tuyên bố.

MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.