Điều đó cho thấy đường hướng đối ngoại của Mỹ thời kỳ hậu Tillerson sẽ ngày càng cứng rắng hơn theo hướng hiện thực hóa tham vọng "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền Trump.
Hiện thực hóa việc rút khỏi các thỏa thuận quốc tế
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump loại bỏ Tex Tillerson và thay vào đó là một trợ lý thân cận, cựu giám đốc CIA, người có quan điểm cứng rắn trong các vấn đề đối ngoại được cho là nhằm hiện thực hóa các tham vọng của ông Trump.
Trong đó, rút khỏi các thỏa thuận quốc tế để tập trung cho các thỏa thuận song phương theo chiến lược "Nước Mỹ trên hết" là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng.
Để thực hiện mục tiêu này, ông Trump cần phải có bên mình những trợ lý, cố vấn đặc biệt thân cận và có cùng quan điểm với ông trong các vấn đề đối ngoại.
Một trong các thỏa thuận mà ông Trump cam kết rút khỏi và gọi đó là Thỏa thuận tồi tệ nhất và phiến diện nhất mà Mỹ từng tham gia, đó chính là Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trong khi cựu Ngoại trưởng Tex Tillerson nỗ lực ngăn chặn Tổng thống Trump rút khỏi thỏa Thuận hạt nhân Iran, thì tân Ngoại trưởng Pompeo lại có chung quan điểm cứng rắn với Tổng thống.
Ông Pompeo tin rằng nếu Mỹ có vấn đề với hạt nhân Triều Tiên, thì nước này cũng có một vấn đề lớn với Iran.
Đặc biệt, trong thời gian làm việc tại CIA, ông Pompeo tập trung vào mối đe dọa phổ biến hạt nhân từ Triều Tiên, lưu ý rằng giữa Triều Tiên và Iran có sự trao đổi về công nghệ, kỹ thuật, tài chính. Do đó, mối liên kết giữa các mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên và Iran phần nào khiến Nhà Trắng phải khẩn trương tăng gấp đôi áp lực lên Iran.
Trong đó, ông Pompeo đã nhắc lại những phát biểu của Trump rằng Iran vi phạm "tinh thần" Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện, liên tưởng Iran như một "kẻ thuê nhà chây ì" không chịu trả tiền nhà cho tới khi chủ nhà phải lên tiếng đòi.
Dọn đường cho các cuộc đối thoại với Triều Tiên
Ngoài ra, việc bổ nhiệm ông Pompeo còn giúp cho Tổng thống Trump an tâm hơn trong việc hoạch định cách bước đi cụ thể để sẵn sàng khởi động các cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng trong bối cảnh xung quanh ông không còn nhiều sự lựa chọn nào.
Cựu Giám đốc CIA Mike Pompeo là người có quan hệ chặt chẽ với Nhà Trắng hơn so với người tiền nhiệm, đặc biệt là về vấn đề Triều Tiên. Chiến lược của Pompeo về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên dường như "cùng tần sóng" với chính quyền ông Trump hơn so với cựu Ngoại trưởng Tillerson. Về vấn đề này nhiều cố vấn cấp cao và trợ lý thân tín của Tổng thống Trum cũng công nhận quan điểm của ông Pompeo về Triều Tiên trùng với quan điểm của Tổng thống Trump.
Đặc biệt, là giám đốc CIA, Pompeo rất thông hiểu về tiến độ chương trình hạt nhân của Triều Tiên và hơn ai hết hiểu rằng cần phải có một giải pháp phi quân sự khả dĩ để ngăn Triều Tiên đạt được khả năng đe dọa Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.
Trước đó, Tổng thống Trump và cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson có nhiều bất đồng trong các quan điểm về đối ngoại. Đặc biệt, ông Tillerson liên tục đưa ra những phát ngôn không đồng nhất với quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Triều Tiên.
Vào hồi năm ngoái, cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson đã phạm phải một sai lầm lớn nhất đó là đã tự ý phát biểu bày tỏ thái độ về cuộc đối thoại với Triều Tiên khi chưa được sự đồng ý của Tổng thống Trump.Theo đó ông Tillerson cho rằng, Mỹ vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước để đi tới đàm phán với Triều Tiên.
Như vậy, với việc không có phương án nào tốt hơn trong tay, và thời gian không còn nhiều, lựa chọn Pompeo-người luôn ủng hộ Tổng thống Trump trong các quyết định gây tranh cãi, cho thấy đường hướng đối ngoại của Mỹ thời kỳ hậu 'Tillerson' sẽ ngày càng cứng rắng hơn theo hướng hiện thực hóa tham vọng "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền Trump.