Tuần lễ Cấp cao APEC 2017

Thấy gì qua bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump?

Tổng thống Mỹ Donald J.Trump phát biểu tại APEC CEO SUMMIT Việt Nam 2017. Ảnh: Mạnh Thắng.
Tổng thống Mỹ Donald J.Trump phát biểu tại APEC CEO SUMMIT Việt Nam 2017. Ảnh: Mạnh Thắng.
TP - Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC chiều 10/11 ở Đà Nẵng có những điểm đáng chú ý về quan điểm của chính quyền Mỹ hiện nay về một khu vực châu Á - Thái Bình Dương gắn chặt hơn với Ấn Độ Dương; sự chú trọng của Mỹ vào nền thương mại công bằng có thể khiến các bên phải dung hòa.

Đó là đánh giá của TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao, trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong ngày 10/11. 

Theo ông, bài phát biểu của ông Trump tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC có những điều gì đáng chú ý?

Một điểm đáng chú ý là việc ông ấy đề cập nhiều đến khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương, cho thấy rằng Mỹ dưới thời chính quyền của ông Trump sẽ nhìn nhận châu Á – Thái Bình Dương là khu vực gắn chặt hơn Ấn Độ Dương, nghĩa là biển Đông có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là cách tiếp cận mới của chính quyền Trump. Từ khái niệm mới này sẽ suy ra vai trò của Ấn Độ, của Asean và cách chơi của Mỹ.

“Chúng ta đã là bạn, là đối tác và đồng minh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương trong suốt một thời gian dài, và chúng ta sẽ là bạn, là đối tác và là đồng minh trong thời gian dài sắp tới”.  

 Tổng thống Mỹ Donald Trump

Điều đáng chú ý thứ hai là trong bài phát biểu của ông nói rất chi tiết về các nước Đông Nam Á. Ông ấy còn trêu: “Hình như không có nhiều người Thái Lan ở đây à?”, cho thấy ông ấy chú ý và đánh giá cao vai trò của Asean, đặc biệt là sự thành công của Asean trong việc biến khu vực này thành khu vực phát triển năng động trong 40-50 năm qua.

Tổng thống Mỹ nói đến vấn đề thương mại công bằng và cách ông ấy xử lý vấn đề thương mại. Điều này sẽ tạo ra những hệ lụy tác động đến các nước khu vực khiến họ buộc phải xử lý.

Thứ ba, ông ấy đề cập đến lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc hào hùng của Việt Nam, trong đó có nhắc đến cả Hai Bà Trưng. Ông cũng đánh giá cao thành tựu phát triển của Việt Nam trong những năm qua.

Ông nhìn nhận như thế nào việc Tổng thống Mỹ nhấn mạnh vấn đề thương mại công bằng và không để Mỹ bị lợi dụng nữa?

Quan điểm này của Tổng thống Trump vẫn thống nhất từ khi ông ấy tranh cử. Tôi cho rằng thông điệp đó là nhằm gửi đến nước Mỹ nhiều hơn là gửi đến khu vực. Ông ấy có thể muốn khẳng định chính sách nhất quán của mình, nhưng rõ ràng ông ấy đánh giá cao vai trò quan trọng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển thịnh vượng, năng động. Đặc biệt, ông ấy nói rõ rằng ông ấy chống lại sự bành trướng về lãnh thổ, rằng sẽ kiên quyết chống lại những thách thức như chủ nghĩa khủng bố, buôn bán phụ nữ, ma túy, bành trướng về lãnh thổ và không tôn trọng luật pháp quốc tế. Có thể nói những nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ đã được ông ấy đề cập, trong đó có những điểm đáng chú ý như trên.

Cần dung hòa

Mỹ là thành viên sáng lập APEC, và tinh thần của APEC là hợp tác đa phương. Bài phát biểu của ông Trump có gì mâu thuẫn với chủ trương của APEC.

APEC là cơ chế hợp tác đa phương, thúc đẩy tự do, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư để tạo nên sự phát triển thịnh vượng của khu vực. Bài phát biểu của ông Trump nhấn mạnh nền thương mại công bằng hơn. Đây không hẳn là mâu thuẫn mà tạo ra sự khác biệt, buộc các bên phải dung hòa.

Theo ông, APEC có phải điều chỉnh gì để phù hợp với Mỹ không?

Chúng ta phải xem các văn kiện của các hội nghị lần này. Thời điểm này chưa thể biết được có điều chỉnh gì không.

Ông đánh giá như thế nào khi Tổng thống Mỹ trong bài phát biểu này không nói đến sự lãnh đạo của nước Mỹ?

Ông ấy không đề cập nhưng khẳng định Mỹ cam kết. Cần có thêm thời gian mới có thể đánh giá toàn diện được.

Cảm ơn ông.

Theo ông, chuyến thăm cấp Nhà nước của ông Trump tại Hà Nội có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ Việt – Mỹ?

Ông Trump ban đầu không định thăm Hà Nội, nhưng sau thay đổi. Đây là chỉ dấu cho thấy nước Mỹ đang coi trọng, đánh giá cao vị thế của Việt Nam trong khu vực. Chuyến thăm của ông ấy diễn ra ngay trong năm đầu tiên ông ấy lên cầm quyền, nên có tính chất khác so với các đời tổng thống trước. Ngay cả ông Bill Clinton là người tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam cũng chỉ thăm Việt Nam khi sắp hết nhiệm kỳ. Ông Barack Obama cũng vậy. Nhưng ông Trump đến Việt Nam ngay trong năm đầu tiên. Ông ấy chọn Đà Nẵng là nơi lần đầu tiên công bố chính sách với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt -Mỹ đang phát triển rất tích cực từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2013. Chuyến đi này sẽ tiếp tục giúp quan hệ Việt – Mỹ ngày càng đi vào thực chất. Điều đó không chỉ có lợi cho hai nước mà còn có lợi cho hòa bình, ổn định khu vực. 

MỚI - NÓNG