Hôm nay, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu để mở lại chính phủ

Điện Capitol (Washington, Mỹ). Ảnh: Tân Hoa Xã
Điện Capitol (Washington, Mỹ). Ảnh: Tân Hoa Xã
TPO - Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ tiến hành bỏ phiếu về dự luật mở lại chính phủ vào trưa ngày 22/1 (giờ địa phương), tức đêm cùng ngày (giờ Việt Nam).

Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cho biết, vào trưa ngày 22/1 (giờ địa phương), tức đêm cùng ngày (giờ Việt Nam), các thượng nghị sĩ nước này sẽ bỏ phiếu về dự luật duy trì hoạt động của chính phủ đến ngày 8/2, nhằm chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ hiện đang kéo dài đến ngày thứ ba.

Trước đó, kế hoạch tổ chức cuộc họp bỏ phiếu vào lúc 1h sáng ngày 22/1 đã bị hủy bỏ.

Ông McConnell cho biết: “Nếu chính phủ mở cửa trở lại, tôi có ý định triển khai các đạo luật nhằm giải quyết vấn đề DACA (chương trình Hoãn trục xuất người nhập cư bất hợp pháp lúc còn nhỏ), vấn đề an ninh biên giới và các vấn đề khác liên quan.”

Trong khi đó, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện – thượng nghị sĩ Chuck Schumer nhấn mạnh hai đảng “vẫn chưa đạt được thỏa thuận” về việc mở lại chính phủ và về vấn đề nhập cư.

Hiện chưa rõ dự luật chi tiêu mới có đạt được đủ số phiếu để thông qua tại Thượng viện hay không. Tuy nhiên, việc các bên chỉ trích nhau kịch liệt và đưa ra tuyên bố cứng rắn làm gia tăng lo ngại việc đóng cửa Chính phủ Mỹ sẽ còn kéo dài.

Hậu quả của việc đóng cửa chính phủ sẽ hiển hiện rõ hơn vào thứ Hai, khi các cơ quan liên bang và thị trường tài chính buộc phải mở cửa trong bối cảnh hàng ngàn nhân viên nghỉ việc.

Lần cuối cùng chính phủ Mỹ phải đóng cửa là tháng 10/2013. Khi ấy, việc đóng cửa chính phủ kéo dài tới 16 ngày, và 850.000 nhân viên liên bang đã phải nghỉ việc tạm thời vì không được trả lương.

Ngân quỹ hoạt động của chính phủ Mỹ đã chính thức hết hạn vào đêm thứ Sáu, 19/1 khi Thượng viện thất bại trong việc bỏ phiếu thông qua dự luật chi tiêu ngắn hạn.

Dự luật này sẽ cung cấp chi phí hoạt động cho chính phủ Mỹ đến ngày 16/2 và đã được Hạ viện thông qua trước đó.

Tuy nhiên, hầu hết các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đều bỏ phiếu phản đối dự luật, bởi phe này yêu cầu gắn biện pháp xử lý vấn đề nhập cư vào dự luật ngân sách, nhằm bảo vệ 700.000 người nhập cư trẻ không có giấy tờ, còn được gọi là những “Dreamers”. Trong khi phe Cộng hòa bác bỏ yêu cầu này.

Đảng Dân chủ hy vọng rằng họ có thể sử dụng vấn đề chi tiêu của chính phủ như một đòn bẩy để thông qua một dự luật nhập cư. Trong khi đảng Cộng hòa và chính quyền của Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh họ sẽ không đàm phán về nhập cư cho đến khi đảng Dân chủ cung cấp đủ phiếu bầu để mở lại chính phủ.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết trong một tuyên bố hôm qua, 21/1 rằng: "Quan điểm của Tổng thống rõ ràng: chúng tôi sẽ không đàm phán về tình trạng di dân bất hợp pháp. Trong khi đó, thượng nghị sĩ Schumer và đảng Dân chủ đang cản trở việc chính phủ phục vụ hàng triệu người Mỹ và bắt giữ các binh sĩ của chúng tôi làm con tin.”

Trong trường hợp chính phủ ngừng hoạt động, các nhân viên có nhiệm vụ thiết yếu trong việc đảm bảo an ninh công cộng và an ninh quốc gia sẽ tiếp tục làm việc. Trong đó bao gồm 1,3 triệu người đang hoạt động trong quân đội. Họ buộc phải làm việc nhưng sẽ không được trả lương cho đến khi dự luật chi tiêu chính phủ được thông qua.

Việc chính phủ liên bang bị đóng cửa sẽ có ảnh hưởng nhiều mặt tới nền kinh kế Mỹ. Dự đoán, nền kinh tế Mỹ sẽ bị thiệt hại khoảng 6,5 tỷ USD nếu như chính phủ bị đóng cửa trong một tuần.

Theo Theo Tân Hoa Xã
MỚI - NÓNG