Hành trình từ trái tim của kiều bào tới Trường Sa

Đoàn công tác số 10, trong đó có gần 70 kiều bào từ 24 quốc gia, chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc chủ quyền đảo Song Tử Tây. Ảnh: L.A
Đoàn công tác số 10, trong đó có gần 70 kiều bào từ 24 quốc gia, chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc chủ quyền đảo Song Tử Tây. Ảnh: L.A
TP - Trong suốt 10 ngày từ 19 - 28/4, gần 70 kiều bào từ 24 quốc gia trên thế giới đã cùng nhau vượt qua hành trình hơn 1.000 hải lý đi thăm và tặng quà cho những người lính và người dân sinh sống tại các đảo trên quần đảo Trường Sa.

Hải trình đi thăm 10 điểm đảo trên quần đảo Trường Sa gồm Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Sinh Tồn, Cô Lin, Tốc Tan, Phan Vinh, Đá Đông, Trường Sa Lớn và nhà giàn DK/18 Phúc Tần do Bộ Tư lệnh Hải quân, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước Ngoài, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan phối hợp tổ chức.

Những ngày tháng Tư đặc biệt

Sáu năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao liên tục tổ chức các chuyến thăm của kiều bào tới Trường Sa, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Chuyến đi cũng nhằm đáp ứng tình cảm và nguyện vọng của kiều bào - trân trọng, tri ân những thế hệ người Việt Nam đã cống hiến cho công cuộc xây dựng, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định: “Hoạt động này cũng nhằm tiếp tục tạo bước chuyển trong công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đấu tranh chống lại các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về công cuộc phát triển và bảo vệ biển, đảo của quân và dân ta”.

Ông Nghị cho biết, trong hải trình thăm Trường Sa lần này, điểm khác biệt đầu tiên là điểm xuất phát. Ban tổ chức đã chọn cảng quốc tế Cam Ranh, thay vì cảng Cát Lái để bà con kiều bào tận thấy sự thay đổi và phát triển lớn mạnh của hải quân nhân dân Việt Nam. Điểm đến đầu tiên của đoàn là đảo Song Tử Tây, cực bắc của quần đảo Trường Sa. Lần đầu tiên, đoàn công tác, trong đó có kiều bào, được tham dự lễ chào cờ, duyệt binh và nghe cán bộ, chiến sỹ đảo Song Tử Tây hô vang 10 lời thề danh dự của quân đội nhân dân Việt Nam. Giữa mênh mông sóng nước, dưới cờ đỏ sao vàng tung bay trước cột mốc chủ quyền trên đảo, tất cả cùng hát vang quốc ca với niềm tự hào của những người con đất Việt.

Không chỉ chứng kiến cuộc sống và điều kiện làm việc khó khăn, khắc nghiệt của các chiến sỹ tại 5 đảo nổi và 5 đảo chìm, các kiều bào cũng thêm hiểu biết về cuộc chiến đấu anh dũng bảo vệ chủ quyền biển đảo của các chiến sỹ hải quân Việt Nam. Tại lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 ở Trường Sa và lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, nhiều kiều bào đã không kìm được nước mắt.

Ngày đoàn cập cảng Trường Sa Lớn, đảo cuối cùng của hành trình cũng là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Lễ dâng hương các vua Hùng được tổ chức trang nghiêm trên boong tàu KN 491 giữa biển khơi cũng là điều đặc biệt. Buổi lễ khiến cho mỗi thành viên trong đoàn thấy mình càng có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn từng tấc đất, tấc biển như Bác Hồ từng căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Lan tỏa tình yêu Trường Sa ra thế giới

Ông Lò Văn Xanh (kiều bào Nga, từng là người lính Trường Sơn, làm bác sỹ ở Nga hơn 20 năm) cho biết, trong chuyến đi này, ông rất xúc động khi thấy giữa biển khơi, các chiến sỹ có bệnh xá, các bác sỹ chuyên môn cao, có khá đầy đủ phương tiện, thuốc men. Tuy nhiên, sau chuyến đi này, ông sẽ cố gắng vận động hỗ trợ cho các chiến sỹ một số loại dược phẩm Nga như kháng sinh, vắc xin viêm màng não, thuốc trị hen, phế quản...

Chị Vũ Thị Phương (kiều bào Singapore) cho biết, chồng chị đã may mắn được tham gia chuyến đi thăm và tặng quà cho các chiến sỹ Trường Sa năm 2016 và có tình yêu đặc biệt với Trường Sa. Anh đã lan tỏa tình yêu này tới các thành viên trong gia đình và cộng đồng người Việt tại Singapore. Điều này đã thôi thúc chị đến với Trường Sa và làm được điều gì đó cho Trường Sa.

Anh Nguyễn Hải Chiến (Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc) cho biết, đây là lần thứ 3 anh được đi Trường Sa. Sau chuyến đi lần đầu tiên năm 2015, anh cùng bạn bè thành lập quỹ “Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam” nhằm tuyên truyền mạnh mẽ về chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc và vận động kiều bào khắp thế giới quyên góp tặng máy phát điện cho các đảo ở Trường Sa. Anh chia sẻ: “Chuyến đi đã cho chúng tôi niềm tin sắt son rằng, các chiến sỹ Trường Sa luôn kiên trung, cầm chắc tay súng bảo vệ biển đảo. Tôi và các kiều bào tại Hàn Quốc sẽ là những sứ giả tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Trường Sa ở nước sở tại”.

Chị Lưu Thị Phi Nga (kiều bào Đức) tâm sự: “Đây là lần thứ hai tôi tới Trường Sa, nhưng vẫn bồi hồi, háo hức đong đầy. Chúng tôi mang theo tình yêu của các thành viên trong Câu lạc bộ Trường Sa tại Berlin cùng những phần quà ý nghĩa, trị giá hơn 200 triệu đồng. Tôi vẫn xúc động khi được tận mắt nhìn thấy những hòn đảo xanh tươi, có chùa, có miếu, có nhà dân... Chúng tôi hứa sẽ đem tình yêu Trường Sa lan tỏa ra khắp thế giới và truyền cho các thế hệ sau”.

Tặng 1,7 tỷ đồng cho Trường Sa

Bên cạnh các món quà hiện vật như máy phát điện (kiều bào Hàn Quốc tặng), camera, ô che nắng (kiều bào Đức tặng), bộ tập đa năng (kiều bào Singapore tặng),  hoa quả tươi, thực phẩm, quần áo…, các đại biểu kiều bào đã quyên góp được 600 triệu đồng tiền mặt ủng hộ cho các điểm đảo. Tổng trị giá quà tặng của kiều bào trong chuyến đi này là gần 1,7 tỷ đồng. Ngay sau kết thúc hải trình, hưởng ứng lời kêu gọi của Trưởng đoàn công tác Lương Thanh Nghị, các kiều bào quyên góp được 230 triệu đồng để góp phần xây dựng công trình Nhà văn hóa đa năng tại đảo Trường Sa.

MỚI - NÓNG