Ông Trump dọa ngừng thực thi thỏa thuận FTA Mỹ-Hàn
Ngày 29/3, tức là chỉ sau 1 ngày Mỹ-Hàn chính thức công bố thỏa thuận sửa đổi FTA, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đưa ra lời đe dọa “trì hoãn” việc thực thi Thỏa thuận này với Hàn Quốc cho đến khi ông có được những kết quả mong muốn trong vấn đề Triều Tiên.
Trước đó, ngày 28/3, Mỹ và Hàn Quốc chính thức công bố thỏa thuận về sửa đổi FTA. Tuyên bố chung của hai bên nêu rõ: "Hai nước đã nhất trí về những điều khoản liên quan đến việc miễn cho Hàn Quốc các khoản thuế đối với mặt hàng thép nhập khẩu được quy định trong mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại 1962."
Việc, Mỹ-Hàn đàm phán lại thành công FTA song phương sẽ giúp bùng nổ hàng xuất khẩu của Hàn Quốc này sang thị trường Mỹ, trong đó chủ yếu là các sản phảm chế tạo như hàng điện tử, máy tính xách tay, điện thoại di động.
Đặc biệt, Hàn Quốc sẽ có nhiều cơ hội mở rộng các dịch vụ và đầu tư nước ngoài, cũng như tăng tính minh bạch trong các quy tắc, điều lệ, qua đó gia tăng tính hiệu quả cho các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Thông báo về phiên bản sửa đổi FTA Mỹ-Hàn được đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo Triều-Hàn sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần 3 vào ngày 27/4, và đặc biệt Tổng thống Trump dự kiến sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng 5 tới.
Ý định thực sự của Mỹ là gì?
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đe dọa ngừng Thỏa thuận thương mại tự do song phương (FTA) Mỹ-Hàn trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 nhằm mục đích giành lợi thế trong cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 tới.
Trong một bài phát biểu tại Tiểu bang Ohio hôm 29/3, khi đề cập đến Thỏa thuận FTA Mỹ-Hàn, ông Trump nhấn mạnh: “Tôi có thể trì hoãn thỏa thuận này cho đến khi đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên”. "Bạn biết tại sao không? Bởi vì đó là một quân bài rất có giá trị. Và tôi muốn đảm bảo rằng mọi bên được đối xử một cách công bằng".
Trong khi đó, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, Nhà Xanh sẽ cố tìm ra các ý định thực sự của ông Trump về việc tuyên bố trì hoãn thực thi FTA với Hàn Quốc.
Một quan chức Nhà Xanh cho biết: "Lòng tin giữa Hàn Quốc và Mỹ trong vấn đề an ninh vẫn không thay đổi, song chúng tôi sẽ phải tìm hiểu, bởi tuyên bố chung về FTA Mỹ - Hàn đã được chúng tôi đưa ra cùng với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer".
Theo tờ The Korea Herald ngày 31/3, những lời đe dọa của ông Trump là nhằm mục đích giành thêm lợi thế tại các cuộc đàm phán sau này với Triều Tiên, đặc biệt là cuộc gặp lịch sử với ông Kim Jong-un vào cuối tháng 5 tới.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, tuyên bố của Trump như một thông điệp gửi tới Hàn Quốc rằng Mỹ sẽ để mắt đến những bước đi của chính quyền Seoul trong suốt cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên dự kiến diễn ra sau đó.
Tại cuộc tiếp xúc trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm bí mật 4 ngày, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã phát biểu, vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết nếu Hàn Quốc và Mỹ "phản ứng với các nỗ lực của chúng tôi bằng thiện chí, tạo ra một bầu không khí hòa bình và ổn định trong khi có các biện pháp tích cực và thống nhất để đạt được hòa bình".
Do vậy, tác động để Hàn Quốc “gây sức ép” với Triều Tiên, qua đó mang lại thuận lợi cho Mỹ là biện pháp hiệu quả nhất mà chính quyền Washington có thể làm lúc này. Và để làm được điều này, biện pháp hiệu quả nhất là “đe dọa” tới các lợi ích của Hàn Quốc trong quan hệ với Washington.